Bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan bằng động lực tăng trưởng mới
Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam mặc dù Việt Nam biết sẽ bị áp thuế, nhưng mức này khá cao với nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần nhận diện rõ các hạn chế và tác động của sắc thuế này, đồng thời phát huy lợi thế để duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Việc Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam là một thách thức lớn, đặc biệt đối với nhiều doanh nghiệp và ngành hàng. Vì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn khi vào Mỹ, với mức thuế tăng lên đáng kể, có thể lên đến hàng chục phần trăm. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các quốc gia khác khi xuất khẩu cùng mặt hàng nhưng chịu mức thuế thấp hơn.
Qua sắc thuế này cho thấy Tổng thống Trump muốn một số dòng vốn FDI quay lại Mỹ hoặc chuyển đến các quốc gia gần Mỹ hơn. Tuy nhiên, dòng vốn này chỉ tập trung vào những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh vượt trội, như sản xuất chip và ô tô. Các lĩnh vực khác sẽ vẫn có sự dịch chuyển, và Việt Nam vẫn có cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư này. Họ chỉ chọn những lĩnh vực Mỹ có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc khác biệt, một số ngành như sản xuất chip, ô tô. Nhiều dòng vốn khác sẽ có sự dịch chuyển và Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh.
Thêm vào đó, mặc dù sắc thuế có thể tác động đến một số chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đây không phải là một biện pháp vĩnh viễn. Việc áp dụng thuế này phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Tổng thống Trump, không phải do môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn có thể khẳng định được lợi thế của mình và tiếp tục thu hút FDI trong tương lai.
Như vậy, sắc thuế này có thể thay đổi hoặc giảm dần theo thời gian, nhưng điều quan trọng là Việt Nam cần duy trì sức hấp dẫn và sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Các yếu tố như ổn định chính trị, nền kinh tế vĩ mô vững chắc, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, và cải cách thể chế nhằm giảm chi phí kinh doanh đều là những lợi thế đáng giá. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí lao động thấp hơn so với nhiều quốc gia khác như Mỹ, Brazil hay Mexico, tiếp tục là một yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần nhận diện rõ các hạn chế và tác động của sắc thuế này, đồng thời phát huy lợi thế để duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Dòng vốn FDI lớn và không thể nhanh chóng quay lại Mỹ, vì vậy Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để thu hút nguồn vốn này, chỉ cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư.

Bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan bằng động lực tăng trưởng mới
Khi xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, Việt Nam cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng khác. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi và nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm ra những biện pháp thay thế để duy trì mức xuất khẩu vào Mỹ, dù có thể không đạt được mức tăng trưởng như những năm trước.
Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt, chẳng hạn như trong các ngành da giày, thủy sản, nông sản, rau quả nhiệt đới và đồ gỗ. Nếu tận dụng tốt các lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh này, Việt Nam có thể duy trì xuất khẩu vào Mỹ và giảm thiểu thiệt hại thương mại. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và các nền kinh tế Mỹ Latinh, để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và thúc đẩy động lực tăng trưởng từ xuất khẩu.
Từ những phân tích này cho thấy, dù xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi sắc thuế 46% của Mỹ, nhưng nếu Việt Nam đẩy mạnh các động lực tăng trưởng khác như đầu tư tư nhân, tiêu dùng nội địa và đầu tư công, thì có thể bù đắp được những ảnh hưởng không mong muốn từ thuế quan.