'Thời cơ vàng' cho khát vọng trung tâm tài chính quốc tế thành hiện thực!
Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là đón đầu xu hướng mang tính thời cuộc, mà còn thể hiện một quốc gia năng động, phát triển.
Bài liên quan
TP. Hồ Chí Minh: Thắp lửa “đầu tàu”
Kinh tế Việt Nam sau 46 năm thống nhất đất nước: “Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn”
TP. Thủ Đức và khát vọng vươn xa của “Thành phố mang tên Bác”
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước “cơ hội vàng” chưa từng có để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước “cơ hội vàng” chưa từng có để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới, từ đó góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính thế giới.
“Giờ là lúc làm trung tâm tài chính quốc tế!”
Theo các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, thời điểm này, đang mở ra cơ hội “vàng” để đón đầu sự dịch chuyển các dòng vốn từ các nền kinh tế khác nhau trên thế giới đến Việt Nam - và nếu không muốn tuột mất cơ hội ấy, Việt Nam cần thiết phải nhanh chóng thiết lập việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các định chế tài chính nước ngoài, từ đó kéo theo sự phát triển chung cả hệ sinh thái tài chính phụ trợ.
Mặt khác, hệ quả của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là sẽ tác động tích cực vô cùng mạnh mẽ đối với việc chuyển tải vốn cho nền kinh tế, đồng thời tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư tiềm năng đến Việt Nam, qua đó góp phần tăng thêm uy tín, giá trị thương hiệu quốc gia và nâng tầm vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nói về thời cơ đón đầu sự dịch chuyển các dòng vốn quốc tế, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: Giờ là lúc làm trung tâm tài chính quốc tế!
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lần này nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua cơ hội thì không bao giờ làm được. Hiện là thời cơ vàng nghìn năm có một để Việt Nam thành lập được một trung tâm tài chính quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ thu hút dòng vốn quốc tế mà còn mang lại nguồn thu cho ngân sách.
Một ví dụ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến là quần đảo Cayman thuộc vùng biển Caribe. Cách đây 40 năm, GDP của quần đảo này bằng 0, nhưng đến nay, sau khi thành lập một trung tâm tài chính, mỗi ngày dòng tiền luân chuyển qua địa phương này lên tới 2.000 tỷ USD.
“Họ miễn thuế nhưng thu phí, mỗi ngày tới 300 triệu USD. Tại sao Việt Nam không làm trung tâm tài chính, khi mà chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, từ vị trí địa lý, dân số đến quy mô nền kinh tế”, ông Dũng nói.
Trong bối cảnh nhiều trung tâm tài chính bị quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, dòng tiền đang tìm đến những địa chỉ mới, “nếu tận dụng và phát huy được những lợi thế này sẽ mang về nguồn lực vô cùng lớn. Nhưng nếu không làm nhanh, làm ngay, nếu để một trung tâm tài chính khác được thành lập trên cùng múi giờ với Việt Nam, chúng ta sẽ không còn cơ hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
“Kỳ vọng lớn” vào lợi thế đầu tàu phát triển kinh tế TP.HCM!
Trong một động thái mới đây của chính quyền TP.HCM, UBND thành phố đã chính thức gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ý tưởng đề xuất xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại TP.HCM đã đã được Thành ủy, UBND thành phố (TP) quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm trước và đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, Trung ương.
Ngoài ra, về chiến lược phát triển, hình thành trung tâm tài chính quốc tế của quốc gia - tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc XIII của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ khá rõ: “Lựa chọn một số điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao” và “Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP.HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
Vì vậy, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, với lợi thế là đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu năng động của cả nước thì định hướng trong ngắn hạn, trung tâm tài chính sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia.
Còn trong trung hạn, định hướng phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn. Và trong dài hạn, kỳ vọng TP sẽ thu hút được nhiều nguồn cung cầu về sản phẩm tài chính, phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính và các tổ chức kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Cũng theo UBND TP.HCM, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính. Trong đó, Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, điều này sẽ tạo ra lợi thế riêng có và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP.HCM đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 23% GDP, chiếm khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập, các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối...
Năng suất lao động của TP cao gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan hỗ trợ dịch vụ tài chính...
Ngoài ra, mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước. Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TP.HCM là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.
Với các lợi thế nêu trên, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM sẽ tiếp tục tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam.
Thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ không chỉ trên địa bàn TP mà lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan.
Một yếu tố khác cần tính đến trong chủ trương xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những diễn biến mới của tình hình thế giới, khiến hình thành xu hướng dịch chuyển các dòng tài chính và các tổ chức tài chính đang tìm kiếm địa điểm mới ở các nước khác tại châu Á.
Với những xu hướng toàn cầu đang diễn ra và cục diện chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư có nhiều thay đổi sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi châu Á, với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có bước cải thiện vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới, độ mở của nền kinh tế vào nhóm cao nhất, cùng sự chủ động hội nhập và hợp tác giao thương rộng mở với các nền kinh tế thế giới.
Chính vì thế, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước “cơ hội vàng” chưa từng có để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới, từ đó góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ trung tâm tài chính thế giới.