'Thời cơ vàng' để ngành Mía đường nâng cao sức cạnh tranh
Sản xuất mía đường tại Nhà máy đường KCP (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NGÔ XUÂN
Nhằm nâng cao hiệu quả cây mía, UBND tỉnh vừa phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức thội thảo “Để mía không đắng”. Hội thảo tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về các giải pháp, chính sách phát triển ngành Mía đường một cách bền vững. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu.
ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU THẾ, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Đầu tư vùng nguyên liệu mía, đảm bảo lợi ích lâu dài
Mía là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích mía những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu. Nhiệm kỳ này, Phú Yên sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng để đảm bảo nhu cầu tưới tiêu chủ động cho vùng chuyên canh mía và các loại cây trồng khác. UBND tỉnh cũng sẽ làm việc với ngành Điện để đẩy mạnh đầu tư lưới điện trong các vùng nguyên liệu trồng mía.
Đối với chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu mía đã hết hiệu lực, việc quy hoạch sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các nhà máy đường và người trồng mía. Hai bên sẽ có những thỏa thuận, ràng buộc về pháp lý. Chính quyền các địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đưa ra các điều lệ, bảo hiểm hay hợp đồng pháp lý để đảm bảo việc hợp tác lâu dài và có lợi cho cả hai bên.
Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành Mía đường, UBND tỉnh giao các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông vụ; đặc biệt là tìm kiếm các loại máy móc phù hợp với điều kiện, địa hình đồi dốc, ruộng rẫy nhỏ lẻ, với mục tiêu giảm thiểu chi phí sản xuất cho người nông dân, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
ÔNG TRẦN QUỐC KHÁNH, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG: Không bảo hộ mù quáng với ngành Mía đường
Mía đường là một trong những ngành được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có những chính sách hỗ trợ, bảo vệ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của đường các nước trong suốt 25 năm qua. Năm 2005, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, nhằm loại bỏ các rào cản thương mại giữa các nước. Việt Nam lựa chọn lộ trình 13 năm (đến năm 2018) để ngành Mía đường đủ “trưởng thành” mới mở cửa thị trường đường. Thế nhưng, cho đến nay, ngành Mía đường vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Bộ Công thương đã rất nỗ lực thuyết phục các nước để lùi thời gian mở cửa thị trường đường đến ngày 1/1/2020 mà không có bất cứ sự trừng phạt kinh tế nào. Kế đến, Bộ Công thương đã khởi động điều tra và quyết định đánh thuế bán phá giá 47,64% với đường Thái Lan; khởi động điều tra chống lẩn tránh thuế với đường Thái Lan nhằm lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành Mía đường Việt Nam.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công thương là không bảo hộ mù quáng với ngành Mía đường. Nhiệm vụ của ngành là căn cứ theo những quy định của pháp luật để lập lại trật tự kinh doanh trên thị trường. Bất kỳ một chính sách nào của Bộ Công thương cũng sẽ lưu ý đến quyền lợi của 4 nhóm lợi ích liên quan, bao gồm: người dân trồng mía; các nhà máy đường; các cơ sở sản xuất thực phẩm, thực phẩm chế biến đang sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào và hơn 90 triệu người tiêu dùng cả nước. Đã đến lúc, ngành Mía đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu hay hội nhập. Phải nhìn nhận đúng thực trạng để Nhà nước đưa ra chính sách đúng đắn, hiệu quả.
ÔNG NGUYỄN THANH NGỮ, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THÀNH THÀNH CÔNG – BIÊN HÒA: Thời cơ vàng cho ngành Mía đường trong nước
Theo dự báo, sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt nên giá đường đang có xu hướng tăng cao. Điều này cũng tác động khiến giá đường trong nước diễn biến tích cực hơn; đường nhập lậu giảm, tạo rất nhiều thời cơ cho ngành Mía đường trong nước.
Theo đánh giá của chúng tôi, nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước dao động ở mức 2 triệu tấn/năm. Dự kiến, vụ mía đường này, cả nước sẽ sản xuất được khoảng 700.000-800.000 tấn, nên nhu cầu đường trong nước còn rất thiếu. Do vậy, các doanh nghiệp mía đường cần mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu mía. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường quản lý, điều tiết và có giải pháp tăng sản lượng, nguồn cung đường để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Về giải pháp cụ thể, cần giải quyết bài toán về nguyên liệu đầu vào thông qua các chính sách đầu tư cho người nông dân. Đây là vấn đề gốc rễ nhất của doanh nghiệp mía đường. Thứ hai, chúng ta cần tư duy theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đồng hành để bổ sung cho sản phẩm đường; tập trung vào chiều sâu để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng. Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải chấp nhận đầu tư và cả những rủi ro.
ÔNG K.V.S.R SUBBAIAH, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP KCP VIỆT NAM: Chống bán phá giá, chống trợ cấp là phao cứu sinh cho ngành Mía đường
Suốt 20 năm qua, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã đồng hành cùng hàng ngàn hộ nông dân Phú Yên đầu tư trồng mía. Cây mía góp phần cải thiện kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như đẩy mạnh ngành công nghiệp mía đường của tỉnh. Trong 2 năm gần đây, cùng với thời tiết nắng hạn khốc liệt ảnh hưởng đến diện tích, năng suất mía, thì việc Việt Nam mở cửa thị trường cũng tác động rất lớn đến ngành Mía đường trong nước. Diện tích mía của cả nước nói chung và cả Phú Yên đều giảm mạnh. Sản lượng đường của cả nước ở vụ 2020-2021 chỉ đạt 689.000 tấn, và dự kiến vụ ép tới đạt 873.000 tấn.
Việc Bộ Công thương quyết liệt triển khai áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường từ Thái Lan như một phao cứu sinh cho hàng ngàn hộ nông dân trồng mía cũng như ngành công nghiệp mía đường Việt Nam. Nhờ vậy, vụ ép 2020-2021, thị trường đường đã có nhiều dấu hiệu sôi động, tích cực hơn; giá mía cũng đã tăng lên 1,14 triệu đồng/tấn 10CCS (tại Phú Yên). Đây là giá mía cao nhất trong lịch sử ngành Mía đường. Nhờ vậy, cây mía đang mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân và trực tiếp cạnh tranh được với các loại cây trồng khác.
ÔNG VÕ VĂN ÚT Ở THỊ TRẤN CỦNG SƠN, HUYỆN SƠN HÒA: Nông dân sẵn sàng cạnh tranh
Nhiều năm nay, cây mía đã giúp gia đình tôi và rất nhiều nông dân khác thoát nghèo, thậm chí làm giàu, mua máy cày, xe tải, xe hơi. Đến giai đoạn 2015-2019, người trồng mía điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất sụt giảm.
Từ niên vụ 2020-2021, thời tiết thuận lợi hơn. Thêm vào đó, nông dân bây giờ có rất nhiều kênh tiếp cận với khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến; sẵn sàng đầu tư, ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Chúng tôi cũng không ngại cạnh tranh với nông dân trồng mía ở các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy vậy, người nông dân vẫn rất lo lắng về đường Thái Lan tiếp tục tìm những cách khác để nhập lậu vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến giá mía, đường trong nước. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trồng mía, tỉnh cần đầu tư, khai thác hệ thống thủy lợi để tăng diện tích mía có tưới. Với các diện tích mía không có nước tưới, nếu được đầu tư hệ thống lưới điện nội đồng để người dân tự khoan giếng, tưới tiêu thì hiệu quả rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu ngày càng “leo thang” như hiện nay.
Theo dự báo, sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt, giá đường tiếp tục tăng cao tạo thời cơ vàng cho ngành Mía đường trong nước. Các doanh nghiệp mía đường và người dân cần mạnh dạn đầu tư cho vùng nguyên liệu mía. Các bộ, ngành cần quản lý, điều tiết và có giải pháp tăng sản lượng, nguồn cung đường để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP
Thành Thành Công - Biên Hòa
NGÔ XUÂN (ghi)