Thời của các liên danh thầu xây dựng
Hàng loạt gói thầu nghìn tỷ đang liên tục gọi tên các liên danh nhà thầu thay vì những đơn vị riêng lẻ. Giữa khó khăn bủa vây, dòng tiền biến động, việc liên kết để tăng sức mạnh được đánh giá là 'lối thoát hiểm' cho các doanh nghiệp xây dựng.
Liên danh 4 nhà thầu gồm công ty CP Lizen, công ty CP Hải Đăng, công ty CP Xây lắp 368 và Tổng công ty Xây dựng số 1 vừa được công bố trúng gói thầu 21 tại dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, với giá trị hơn 1.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 3 năm.
Những cái bắt tay nghìn tỷ
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 16km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.000 tỷ đồng. Liên danh 4 nhà thầu vừa trúng gói thầu số 21 sẽ thi công đoạn từ Km6+200 đến Km16+000.
Trước đó vài ngày, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng công bố gói thầu số 12 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3" thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trị giá hơn 9.000 tỷ đồng đã “về tay” liên danh 6 tổng công ty.
Đáng chú ý, bên cạnh các tên tuổi như Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn, thì 3 cái tên còn lại là Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty CP Xây dựng số 1 (CC1) và Ricons là 3 nhà thầu góp mặt trong liên danh Vietur đang tham gia đấu thầu gói 5.10 sân bay Long Thành.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhiều nhà thầu đang có xu hướng “bắt tay” để nâng cao tiềm lực. Đơn cử như trong cuộc đua đầy gay cấn cạnh tranh gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành, bên cạnh liên danh Vietur (đã vào vòng trong), thì liên danh Hoa Lư cũng đặc biệt gây chú ý.
Thậm chí, khi mới bắt đầu, liên danh Hoa Lư còn được giới chuyên gia đánh giá “nặng ký” nhất trong 3 ứng cử viên, với sự hiện diện của hàng loạt đại gia đầu ngành xây dựng, từng là đối thủ cạnh tranh tưởng như “không đội trời chung”, như Coteccons, Hòa Bình, Central, An Phong…
Những người quan tâm hẳn chưa thể quên những cái bắt tay của các lãnh đạo đình đám như ông Bolat Duisenov, ông Võ Hoàng Lâm của Coteccons, ông Trần Quang Tuấn của Central Cons, ông Trần Nhật Thành của Xây dựng Delta, ông Nguyễn Khắc Đồng của Xây dựng An Phong… tại Đại hội cổ đông thường niên của Xây dựng Hòa Bình, gây bất ngờ lớn cho công chúng.
“Lối thoát hiểm” trong thời khó
Cái bắt tay của những “ông lớn” từng cạnh tranh khốc liệt, thậm chí “một mất một còn”, cho thấy thị trường xây dựng đang gặp vô vàn khó khăn, và ở đó không doanh nghiệp nào có thể tự mình thực hiện những dự án có tầm cỡ, giá trị hàng tỷ đô.
Chia sẻ với VnBusiness, một chuyên gia kinh tế độc lập đánh giá những cú bắt tay lịch sử trên không chỉ giúp các doanh nghiệp “tự cứu mình” trong thời khó, mà phần nào đó còn tạo nên những tác động tích cực cho thị trường chung, thậm chí làm thay đổi cả cục diện ngành xây dựng.
Như tại Vietur - liên danh gần như “chắc ăn” gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành, dù không phải doanh nghiệp dẫn đầu, nhưng các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như Newtecons, Ricons, SOL E&C, rõ ràng sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Trong khi đó, ở cuộc đua tốp đầu ngành xây dựng hiện tại, bên cạnh hai tên tuổi vẫn đang thay nhau ngự trị trên đỉnh là Hòa Bình và Coteccons, những đơn vị bám đuổi phía sau chính là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương, trong đó Ricons và Newtecons đã lọt vào tốp 3 - 4 nhà thầu lớn nhất, với doanh số năm 2022 đều trên 11.000 tỷ đồng.
Khoảng cách là vô cùng sát sao, vì vậy chỉ cần một vài cái bắt tay và thành công giành được các gói thầu hàng chục nghìn tỷ đồng như sân bay Long Thành, những cuộc đổi ngôi trong tốp đầu ngành xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Những cái bắt tay để thành lập liên danh trong ngành xây dựng hiện tại khiến nhiều người liên tưởng đến bản chất của quá trình mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản những năm vừa qua. Nếu trước đây, M&A trong lĩnh vực bất động sản thực chất là các cuộc thâu tóm, “cá lớn nuốt cá bé”, “mua đứt bán đoạn”, thì nay ưu tiên trở thành đối tác cùng có lợi. Ngay cả các doanh nghiệp quốc tế hùng mạnh cũng ưu tiên hợp tác thay vì đối đầu để tận dụng tiềm lực cũng như lợi thế (về quỹ đất, thông hiểu đặc điểm dân cư, xã hội…) của doanh nghiệp trong nước.
Trở lại với ngành xây dựng, cùng với đà “lao dốc” của thị trường bất động sản, các nhà thầu đang đối diện với muôn vàn khó khăn, đến nỗi Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp từng phải cảnh báo nếu tình hình cứ diễn biến như hiện tại, có lẽ 5 năm tới, Việt Nam không còn doanh nghiệp xây dựng nào!
Trong tình cảnh như vậy, việc bắt tay thành lập liên danh để giành được những gói thầu tỷ đô như ở dự án sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… rõ ràng có thể trở thành “lối thoát hiểm” ngoạn mục cho các doanh nghiệp xây dựng.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/thoi-cua-cac-lien-danh-thau-xay-dung-1094750.html