Thời của Mobile Money
Mobile Money là cánh tay nối dài cho hệ thống ngân hàng vươn đến tận các vùng sâu, vùng xa.
Mbile Money là phương thức thanh toán dùng tài khoản viễn thông, cho phép khách hàng có thể nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền trên mọi thiết bị di động, đặc biệt là không cần có tài khoản ngân hàng (NH). Trong năm 2023, mục tiêu cả nước sẽ có khoảng 10 triệu tài khoản Mobile Money.
Không phải lệ thuộc... hàng xóm
Là người sử dụng điện thoại thông minh nhưng chưa có tài khoản NH, chị Hoàng Ðiệp (ngụ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định ra điểm cung cấp dịch vụ của nhà mạng để mở tài khoản Mobile Money, "tập" thanh toán hóa đơn điện, nước online... "Khi có tài khoản Mobile Money, thỉnh thoảng tôi có thể gửi ít tiền cho các cháu ở TP HCM và Hà Nội, thay vì phải nhờ hàng xóm chuyển khoản NH như trước. Tôi cũng bắt đầu giao dịch tài chính từ tài khoản Mobile Money, thay vì phải có tài khoản NH trước" - chị Ðiệp hào hứng kể. Chị Ðiệp là một trong rất nhiều người lần đầu tiên sử dụng dịch vụ tài chính là Mobile Money mà chưa có tài khoản NH.
Từ khi có Mobile Money, những hình ảnh thú vị đã được một số nhà mạng chia sẻ, về những nông dân ở khu vực miền núi Ðông Bắc đi chợ phiên kèm theo... mã QR để người mua hàng có thể trả tiền, thanh toán.
Hình ảnh mã QR của Mobile Money xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa góp phần phổ cập tài chính số mà tiêu chí của các nhà mạng là "lấy nông thôn bao vây thành thị". Những nông dân ở vùng sâu, vùng xa chưa có đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính số, nay có thể tập tành giao dịch, thanh toán online.
Là một trong 3 nhà mạng được NH Nhà nước cấp phép thí điểm cung cấp Mobile Money tại Việt Nam, trong một năm qua, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xác định lấy Mobile Money làm dịch vụ trọng tâm để phát triển các dịch vụ tiện ích trong lĩnh vực tài chính số. Mục tiêu đưa Mobile Money thành loại hình dịch vụ phổ cập nhất đến từng bản làng, thôn xóm trên khắp lãnh thổ Việt Nam, đúng với tinh thần "Ở đâu có sóng viễn thông, ở đó có Mobile Money".
Ðến hết tháng 10-2022, VNPT có gần 1 triệu người dùng Mobile Money, trong đó 62% là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Mục tiêu hết năm 2023, nhà mạng này sẽ đạt 2 triệu người dùng Mobile Money.
"Các lĩnh vực thanh toán, giao dịch sử dụng Mobile Money không chỉ tập trung vào chuyển tiền, thanh toán dịch vụ thiết yếu mà còn thêm nhiều tiện ích mua sắm, giải trí, phục vụ nhu cầu hằng ngày như thương mại điện tử, mua vé máy bay, tàu xe, bảo hiểm..." - đại diện nhà mạng này thông tin.
Một nhà mạng khác là Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tiền di động - Mobile Money từ tháng 6-2022. Ðến đầu tháng 11-2022, có khoảng 200.000 tài khoản đăng ký thành công. Dịch vụ Mobile Money ra đời với định hướng sẽ là cánh tay nối dài cho hệ thống NH trong việc phát triển dịch vụ thanh toán số, tài chính số tại các phân khúc khách hàng, địa bàn mà các NH chưa kinh doanh.
Thêm "mảnh ghép" kết nối
Dịch vụ Mobile Money cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới là dịch vụ trung gian thanh toán, trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống đã bão hòa. Theo đại diện MobiFone, đây sẽ là những mảnh ghép quan trọng hoàn thiện hệ sinh thái số của nhà mạng, thúc đẩy chuyển đổi số. Thị trường Mobile Money được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh và phát triển tốt với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Một bước tiến mới của Mobile Money là việc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) và Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media) chính thức triển khai dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại NH.
Dịch vụ cho phép khách hàng có tài khoản Mobile Money tại Viettel Money và VNPT Money có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp với hơn 100 triệu tài khoản thanh toán mở tại các NH và ngược lại.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản NH góp phần thúc đẩy và phổ cập tài chính toàn diện tới người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và mở ra cơ hội phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động.
Theo các nhà mạng, Mobile Money vẫn là dịch vụ còn mới mẻ tại Việt Nam so với các dịch vụ tài chính số khác nhưng đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy không dùng tiền mặt. VNPT cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn, tập trung đầu tư vào những vùng miền hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa...
Viettel đã và đang triển khai mô hình chợ 4.0 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nằm trong chiến lược phát triển các điểm bán hàng thông minh trực tiếp nhằm phổ cập Mobile Money. Theo đó, người dân khi tham gia mua bán tại các khu chợ 4.0 của Viettel Money không cần mang theo ví hay tiền mặt, chỉ với chiếc điện thoại di động đã có thể thanh toán tiền chợ dễ dàng bằng cách quét mã QR thuận tiện hoặc cú pháp *998#. Người mua hàng hay tiểu thương tại chợ cũng có thể quản lý chi tiêu.
Nhằm nhanh chóng phổ cập Mobile Money tới mọi người dân, các nhà mạng kiến nghị doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị trên cả nước cần đẩy mạnh truyền thông, tạo môi trường, điều kiện để người dân có thể sử dụng phương tiện thanh toán mới này trong mọi hoạt động chi tiêu, mua bán hằng ngày. Khi đó, sẽ từng bước xóa bỏ mọi rào cản của khách hàng khi tiếp cận tài chính số.
Con số đáng ghi nhận
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, tính đến hết tháng 8-2022, tổng số người đăng ký và sử dụng tài khoản Mobile Money đạt gần 2,2 triệu. Trong đó, số lượng người dùng tài khoản Mobile Money tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đạt hơn 1,5 triệu, chiếm gần 70% tổng số người sử dụng tài khoản Mobile Money.
Phó Thống đốc NH Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết 2,2 triệu người dùng Mobile Money là con số đáng ghi nhận nhưng so với số lượng thuê bao điện thoại thì rất nhỏ bé, cần giải pháp để thúc đẩy phát triển hơn. Đồng thời, Mobile Money phải liên thông với các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương mại thiết yếu để tạo thuận lợi cho người dùng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-nghe/thoi-cua-mobile-money-20230108101846131.htm