Thời của thanh toán qua mã QR từ vùng sâu, vùng xa đến xuyên biên giới
Sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt bằng mã QR lan tỏa tới khu vực vùng sâu, vùng xa và cả xuyên biên giới sang Thái Lan, Campuchia…
Ngày 16-2 (mùng 7 tháng Giêng), chị Hoàng Vân (ngụ huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trước khi vào TP HCM làm việc đã quyết định mở tài khoản ngân hàng cho mẹ mình qua định danh điện tử (eKYC) rồi tạo một mã thanh toán QR để tiện cho việc chuyển khoản và thanh toán các dịch vụ ở quê.
"Tôi sẽ in mã QR cho mẹ bán tạp hóa ở chợ xã, để ai có nhu cầu mua hàng mà không mang theo tiền mặt có thể chuyển khoản, quét QR cho tiện. Tết về quê mới thấy giờ cả vùng sâu, vùng xa thanh toán không tiền mặt đã phổ biến. Đi chợ huyện thấy cửa hàng nào cũng đặt sẵn mã QR cho khách hàng thanh toán" - chị Vân kể.
Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến với sự bùng nổ của mã QR. Ngân hàng Nhà nước cho biết các chỉ số thanh toán không tiền mặt tăng trưởng khả quan trong năm 2023. Số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng từ 50 - 99%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán…
Đáng chú ý, thanh toán bằng mã QR phát triển xuyên biên giới với những bước tiến mạnh trong thời gian qua. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay đã phối hợp với các tổ chức thành viên và đối tác thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, cung cấp các dịch vụ chuyển mạch tài chính trong nước và quốc tế thông qua mã QR, thẻ, tài khoản, ví điện tử, Mobile Money; kết nối thanh toán xuyên biên giới...
NAPAS đã chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam - Campuchia, tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Việt Nam ra nước ngoài, hỗ trợ hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch giữa các quốc gia.
Mới nhất, VietinBank cho hay từ dịp Tết Nguyên đán 2024, khách Việt đi du lịch tại Thái Lan có thể thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR Pay giúp dễ dàng chi tiêu, mua sắm tại Thái Lan.
Sacombank cũng triển khai quét mã QR xuyên biên giới tại Campuchia, giúp khách hàng đi du lịch, công tác… tại xứ sở Chùa Tháp có thể dùng ứng dụng Sacombank Pay để thanh toán dịch vụ, hàng hóa.
Khách hàng không cần thực hiện bất kỳ thủ tục, giấy tờ mua bán ngoại tệ nào mà vẫn dễ dàng thanh toán bằng đồng Baht Thái Lan hoặc đồng Riel Campuchia từ tài khoản VNĐ của ngân hàng thương mại với tỉ giá quy đổi tại thời điểm thanh toán.
Hiện NAPAS và Công ty TNHH Mạng lưới thanh toán quốc gia Lào (LAPNET) đã ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu triển khai thí điểm kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Lào.
Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, NAPAS đã triển khai hợp tác thanh toán ngoài vùng lãnh thổ với Thái Lan, Lào, Campuchia.
Còn dư địa tăng trưởng "thần tốc" bằng mã QR
Quan sát ngành thanh toán Việt Nam, các chuyên gia của Payoo nhận định QR code còn nhiều cơ hội để bùng nổ hơn nữa. Nhìn vào thị trường Ấn Độ, thanh toán mã QR qua UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) được hơn 300 triệu người dùng sử dụng và được chấp nhận tại hơn 50 triệu cửa hàng bán lẻ, từ các cửa hàng ven đường đến những trung tâm mua sắm cao cấp.
Vào tháng 3-2023, thống kê từ cơ quan giám sát UPI ở Ấn Độ cho thấy, hơn 8,65 tỉ giao dịch trị giá hơn 170 tỉ USD đã được thực hiện. Cuộc cách mạng thanh toán số ở Ấn Độ đã giúp giảm 86% tiền mặt.
"Nếu so sánh tuyến tính với Việt Nam, khối lượng giao dịch thanh toán QR của đất nước Nam Á này đang cao gấp 40 lần. Đây là một nguyên nhân Payoo đánh giá thanh toán QR ở Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển thần tốc thời gian tới" - đại diện Payoo nói.