Thời điểm đánh giá công chức hàng năm để xét quy hoạch, luân chuyển

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo, việc đánh giá công chức diễn vào cuối năm dương lịch, căn cứ để xem xét bồi dưỡng.

Thời điểm đánh giá công chức hàng năm

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo đó, dự thảo luật đề xuất thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp trung ương, cấp tỉnh.

Theo dự thảo luật, đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện chính sách đối với công chức.

Cuối năm Dương lịch, công chức sẽ được đánh giá để lấy căn cứ quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển. Ảnh minh họa

Cuối năm Dương lịch, công chức sẽ được đánh giá để lấy căn cứ quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển. Ảnh minh họa

Việc đánh giá cần dựa trên các nội dung cơ bản sau: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; yêu cầu của vị trí việc làm, bảng mô tả công việc, kế hoạch công tác hàng năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm cụ thể, tiến độ và chất lượng công việc; tinh thần trách nhiệm và khả năng phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp đối với các vị trí tiếp xúc hoặc trực tiếp giải quyết công việc liên quan.

Ngoài những tiêu chí trên, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá dựa trên tiến độ và chất lượng công việc của đơn vị phụ trách, năng lực lãnh đạo, quản lý, cùng khả năng tập hợp và đoàn kết đội ngũ.

Việc đánh giá được thực hiện vào cuối năm Dương lịch. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu quản lý, người đứng đầu cơ quan có thể quy định đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, nâng lương, cũng như thực hiện khen thưởng.

Điều kiện tuyển dụng công chức

Về phương thức tuyển dụng công chức, hoạt động này được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.

Đối tượng xét tuyển là những người làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị mà không phải là công chức; các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, sinh viên xuất sắc, người dân tộc thiểu số, đối tượng cử tuyển và các đối tượng khác ở khu vực ngoài nhà nước.

Về điều kiện tuyển công chức, người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển, lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, những trường hợp sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức: Không cư trú tại Việt Nam; mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Công chức có trách nhiệm học tập và rèn luyện để nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Những công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội và đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp tích cực cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ được cấp có thẩm quyền ưu tiên trong quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng định kỳ cho công chức, đảm bảo nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng vị trí công tác.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoi-diem-danh-gia-cong-chuc-hang-nam-de-xet-quy-hoach-luan-chuyen-380539.html