Thời điểm định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) Việt Nam cho rằng, với những yếu tố mới phát sinh từ bất ổn của kinh tế toàn cầu, GDP của Việt Nam trong năm 2022 dự kiến sẽ ở mức 5,5 - 6%. Tỷ lệ tăng trưởng này dù chưa đạt được mức kỷ lục của thời kỳ trước Covid-19, nhưng vẫn khá tích cực trong bối cảnh hiện nay.
PV: Ông có nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam trong gần 6 tháng qua? Qua bức tranh này, ông thấy được điều gì về sức chống chịu cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
GS. TS Andreas Stoffers
GS. TS Andreas Stoffers: Quan sát bức tranh kinh tế Việt Nam trong hơn 5 tháng qua có thể thấy, nền kinh tế vẫn đang phục hồi với những tín hiệu tốt khi GDP quý I đạt mức 5,03%. Đây vẫn là khởi đầu tốt để tiến tới mục tiêu tăng trưởng 5,5 - 6%. Tôi nhìn thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Ví dụ như doanh số bán lẻ tăng 9,7%, phản ánh nhu cầu quay trở lại như trước thời kỳ Covid-19. Nhập khẩu tăng trưởng 14,9%, xuất khẩu tăng 16,3% và thặng dư thương mại 0,52 tỷ USD… đều là những con số khả quan cho phép chúng ta lạc quan với bối cảnh hiện tại.
Theo tôi, không cần phải bàn đến sức chống chịu của Việt Nam, bởi điều này đã được chứng minh trong 2 năm qua. Việt Nam đã vượt qua đại dịch và những hệ lụy liên quan sau khi chuyển từ chiến lược “zero covid” sang chiến lược thích ứng linh hoạt. Bây giờ là thời điểm đất nước phục hồi, định vị lại nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
PV: Quan sát tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới, theo ông, từ nay tới cuối năm, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào từ cả trong và ngoài nước đe dọa sự phục hồi và phát triển của kinh tế?
GS. TS Andreas Stoffers: Theo tôi, thách thức lớn nhất mà Việt Nam và tất cả thế giới phải đối mặt từ nay đến hết năm 2022 là lạm phát và giá năng lượng (dầu, khí đốt...). Thật không may, cả hai mối đe dọa đến cùng một lúc. Lạm phát là hậu quả của gói kích thích kinh tế trong 2 năm qua cùng với lãi suất thấp. Cùng với đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo thêm khó khăn cho các nền kinh tế, thiếu nguồn cung dầu mỏ. Hệ quả là giá dầu mỏ tăng cao và gia tăng áp lực lạm phát.
Chúng ta cũng chứng kiến lần đầu tiên giá xăng E2 Ron 95 tăng lên 32.000 đồng/lít. Cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp trong cách giải quyết vấn đề. Lạm phát bắt đầu gia tăng. Chỉ số CPI trung bình trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng giá năng lượng tăng.
Lạm phát cao sẽ dẫn đến việc không giữ được tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Sau đó, giá bất động sản và các hình thức đầu cơ khác sẽ tăng lên. Tăng trưởng có thể tăng trong ngắn hạn nhờ việc tăng đầu tư “nóng” ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, những bong bóng kinh tế hình thành qua đầu cơ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn.
Doanh nghiệp Đức tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam
Theo GS. Andreas Stoffers, nhìn chung, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và đà tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những tháng tới. Nhưng giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, thiếu lao động lành nghề vẫn là hai thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội doanh nghiệp Đức, khoảng 53,6% doanh nghiệp Đức được khảo sát cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trong 12 tháng tới.
PV: Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam khá lạc quan, sát với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có tổ chức lại hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,2 - 5,7%. Theo nhận định của ông, liệu mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đặt ra có đạt được khi mà tình hình trong nước đang xuất hiện những thách thức mới cũng như thế giới cũng còn đang khá bất định?
GS. TS Andreas Stoffers: Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% mà Chính phủ đặt ra là rất tham vọng. Nhưng đó là một biện pháp tốt khi chúng ta đặt mục tiêu cao và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó. Với tư cách là chuyên gia kinh tế tôi đồng tình với kỳ vọng thấp hơn một chút, nhưng vẫn nằm trong dự báo của BIDV, dự kiến tăng trưởng kinh tế 5,5 - 6% cho năm 2022.
Ngay cả khi tỷ lệ tăng trưởng này chưa đạt được mức kỷ lục của thời kỳ trước Covid-19, nhưng vẫn khá tích cực khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị hạ dự báo còn khoảng 3,2 - 3,6%, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và IMF. Tỷ giá hối đoái ổn định là một yếu tố tích cực đối với kinh tế Việt Nam, ngay cả khi lạm phát (tăng 3,8 - 4,2% cho năm 2022) vẫn còn là một rủi ro nhất định.
Việt Nam cần nỗ lực liên tục dựa trên những điều kiện tích cực này. Cả nước phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo và hoàn thiện nền tảng kinh tế số.
PV: Xin cảm ơn ông!
Việt Nam phải tìm ra con đường riêng cho mình
Đánh giá về động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm GS. TS Andreas Stoffers cho rằng: Cho đến đầu năm nay, tình hình kinh tế Việt Nam là khá lạc quan với nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt, bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu trong 2 năm qua. Một yếu tố góp phần quan trọng đó là chính sách sống chung với Covid-19, mở cửa nền kinh tế và đất nước sau chính sách đóng cửa vào mùa hè năm ngoái và các đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Thật không may, những căng thẳng mới đang xuất hiện. Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam không thể bị tách rời khỏi các sự kiện toàn cầu. Ngoài tình hình Covid, các bất ổn vẫn đang xảy ra ở các nơi trên thế giới như cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine kể từ tháng 2/2022. Trên toàn cầu, chúng ta có thể nhận thấy, nợ đang ngày càng gia tăng ở nhiều nền kinh tế hàng đầu. Xu hướng can thiệp của các chính phủ cũng ngày càng gia tăng, làn sóng phản đối, chỉ trích toàn cầu hóa và tự do kinh tế, cũng như tình trạng thiếu hụt và tăng giá hàng hóa và dịch vụ đang đe dọa tất cả các quốc gia. Hơn nữa, các chuỗi giá trị vẫn bị gián đoạn do Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “zero-covid”.
Trong bối cảnh này, Việt Nam phải tìm ra con đường riêng cho mình. Về chính trị, Việt Nam vẫn duy trì tính trung lập. Về kinh tế, đất nước vẫn đang tiếp tục xây dựng trên con đường đã đi, tạo nền tảng kinh tế vững chắc và đó là điều kiện thích hợp để chống chọi với các “cơn bão” này.
Trước hết, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cam kết rõ ràng về thương mại tự do; tiếp đó là duy trì ngân sách công lành mạnh, trong khả năng kiểm soát (tỷ lệ nợ trên GDP là 43,7%); đồng thời, tiếp tục xây dựng môi trường kinh tế thân thiện với nhà đầu tư. Việt Nam đã cho thấy những điểm mạnh của chính sách kinh tế theo định hướng thị trường tự do, mở rộng quan hệ kinh tế theo hướng đa phương, trái ngược với xu hướng chỉ trích toàn cầu hóa và tự do kinh tế ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, những điều kiện tích cực này cần được thực hiện liên tục, tránh gián đoạn. Việt Nam phải đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo và hoàn thiện nền tảng kinh tế số.
Chuyển đổi số đối với ngành dịch vụ có thể coi là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác tạo ra tác động lan tỏa đến tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua việc cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra cho khu vực nông nghiệp và công nghiệp.