Thời điểm quyết định đối với chính sách năng lượng của Canada

Canada đã từng bỏ lỡ cơ hội cung cấp khí đốt tự nhiên cho thế giới, khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu tăng cao.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland (trái) đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại sân bay ở Montreal, Canada, ngày 21/8/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland (trái) đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại sân bay ở Montreal, Canada, ngày 21/8/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Xung quanh chuyến công du Canada của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nhiều chuyên gia phân tích đang đặt câu hỏi tại sao Canada không đẩy mạnh khai thác khí đốt tự nhiên để xuất khẩu và tăng tốc độ phát triển nhiên liệu hydro, vốn được coi là "chiếc chén thánh" của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Canada đã từng bỏ lỡ cơ hội cung cấp khí đốt tự nhiên cho thế giới, khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu tăng cao. Giới quan sát cảnh báo Canada không nên lãng phí cơ hội thứ hai, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và châu Âu đang vật lộn để thu hẹp khoảng trống về nguồn cung nhiên liệu này.

Thủ tướng Scholz đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng, các cú sốc giá và nguy cơ lượng việc làm sụt giảm,... những nhân tố có thể làm xói mòn sự ủng hộ trong nước đối với Ukraine.

Các quốc gia trên khắp châu Âu đang xem xét lại chính sách hạn chế nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh năng lượng tái tạo chưa thực sự sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống trong cơ cấu năng lượng.

Đức, vốn tự hào là nước dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hiện đang vật lộn để xây dựng các cơ sở tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới, đưa vào hoạt động trở lại các nhà máy điện than, và tiếp tục tranh luận về việc thoát khỏi điện hạt nhân.

Trên thị trường khí đốt tự nhiên của thế giới, Canada hiện là nhà sản xuất lớn thứ năm và là nhà xuất khẩu lớn thứ sáu. Canada không chỉ sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào mà nguồn khí đốt của Canada còn được xếp vào loại "sạch" nhất thế giới.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhà máy LNG Canada đang được xây dựng ở Kitimat sẽ phát thải ít carbon hơn 60% so với mức trung bình toàn cầu, trong khi các cơ sở như Cedar LNG hay dự án Woodfibre LNG ở Squamish, sẽ có mức phát thải ít hơn 90%.

Khí đốt của Canada được hưởng lợi từ môi trường địa chất, địa lý tốt và được quản trị chặt chẽ. Đặc biệt, thời tiết của Canada cũng hỗ trợ cho các yêu cầu làm mát trong quá trình hóa lỏng khí đốt để vận chuyển.

Mặc dù khí đốt tự nhiên vẫn là nhiên liệu hóa thạch, nhưng giới chuyên gia cho rằng một quá trình chuyển đổi năng lượng thành công đòi hỏi một cách tiếp cận theo hai hướng: phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời tích cực khử carbon các nguồn năng lượng đã được thiết lập.

Các tổ chức quốc tế dự báo mức tiêu thụ khí đốt của thế giới sẽ tăng trong 20 năm nữa và khí đốt sẽ vẫn là một phần của cơ cấu năng lượng ít nhất là tới những năm 2050.

Hiện nay, nhiên liệu hydro có tiềm năng trở thành trụ cột của các hệ thống năng lượng sạch trong tương lai và đang thu hút sự quan tâm các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới. Để phát triển nhiên liệu hyro, Canada đang có "bệ đỡ" vững chắc khi nắm giữ các đầu vào quan trọng là khí đốt tự nhiên, thủy điện và điện gió.

Giới quan sát nhận định đây là thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang thực sự cần nguồn cung từ Canada. Trong chuyến thăm và làm việc tại Canada từ ngày 21-23/8 của Thủ tướng Đức Scholz, ông và người đồng cấp Canada Justin Trudeau dự kiến sẽ ký một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu về khả năng sản xuất nhiên liệu hydro ở Canada để xuất khẩu sang Đức.

Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Đức nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Ottawa)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thoi-diem-quyet-dinh-doi-voi-chinh-sach-nang-luong-cua-canada/255683.html