Thời điểm vàng để kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đã 'mở lối' cho khu vực kinh tế quan trọng này, tạo không khí phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội.

Trên cơ sở đó, ngày 17-10-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành T.Ư về phát triển KTTN. Theo đó, Nghị quyết đề ra bốn nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết; tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; hỗ trợ DN tư nhân phát triển.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, thời gian chưa đủ để đánh giá toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế, song có thể nhận thấy, khu vực KTTN đã được tiếp thêm sức mạnh. Nền kinh tế trên đà tăng trưởng, năm vừa qua có hơn 100 nghìn DN mới thành lập, bổ sung hàng triệu tỷ đồng vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2017, cả nước có gần 518 nghìn DN, chủ yếu là DN tư nhân.

Đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP lên đến gần 40%, đồng thời đây cũng là khu vực tạo ra việc làm chính cho nền kinh tế. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân, sau thời gian tích lũy tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, nhân lực, đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ vậy, DN tư nhân còn vươn lên giữ vai trò dẫn dắt trong không ít ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, xét ở bình diện chung, khu vực KTTN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, “ngại lớn” hoặc không chịu lớn để tránh rủi ro chính sách, thích ứng với cách tiếp cận nguồn lực được phân bổ theo hướng xin - cho. Mặc dù đã có chặng đường phát triển dài nhưng trong nhận thức của xã hội, thậm chí trong cơ quan ban hành chính sách hiện nay vẫn còn tâm lý phân biệt DN nhà nước, DN tư nhân.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế không ngừng tăng cao, xây dựng khu vực tư nhân vững mạnh để tạo ra tính tự chủ và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề sống còn đối với đất nước ta. Chính DN tư nhân là nền tảng tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế nhờ tính hiệu quả và năng động. Để có nền kinh tế tự chủ, cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập, cần xây dựng được lực lượng DN tư nhân mạnh. Yếu tố quyết định để có lực lượng KTTN mạnh chính là thể chế.

Chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có cơ hội vàng để bứt phá như hiện nay, nhờ vào chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và lực đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng để Nghị quyết số 10-NQ/TW thật sự đi vào cuộc sống, cần có sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh, nâng đỡ DN phát triển.

Trong số bốn nhóm nhiệm vụ cụ thể đặt ra tại Nghị quyết số 98 của Chính phủ về phát triển KTTN, chúng ta mới tập trung làm tốt nhiệm vụ bãi bỏ các rào cản, ĐKKD. Như vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức thuận lợi, chưa bảo đảm an toàn và chưa bảo vệ được nhà đầu tư. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy một cách thực chất quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách; triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, từ đó tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng DN.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37976202-thoi-diem-vang-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha.html