Thời điểm 'vàng' thắt chặt chính sách tài khóa?

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn để tăng nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH)..., thì chính sách tài khóa (CSTK) cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo để đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH.

Thực hiện tốt “sứ mệnh” điều chỉnh kinh tế vĩ mô

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng CSTK linh hoạt, mở rộng trong thời gian qua, để tạo đòn bẩy cho phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế Việt Nam?

TS. Nguyễn Minh Tân: CSTK là một trong các chính sách vĩ mô quan trọng của Nhà nước. Nội dung CSTK thể hiện tổng hòa các quan điểm, chủ trương, đường lối và hành động của Nhà nước. Đó là các mục tiêu, biện pháp, giải pháp cụ thể để Nhà nước vận hành công cụ CSTK, như: Chi ngân sách, quản lý thuế, tín dụng nhà nước, đầu tư phát triển, vay trả nợ…

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội.

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội.

Mục tiêu của CSTK nhằm huy động, phân phối và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Vai trò CSTC rất quan trọng nhằm tạo ra những thay đổi về hành vi hoặc cải thiện hiện trạng nền kinh tế trong mỗi giai đoạn phát triển.

Những năm gần đây, nhất là khi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 (giai đoạn 2022-2023), việc hoạch định và thực thi CSTK đã bám sát chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước. Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, tư tưởng xuyên suốt trong việc áp dụng CSTK là linh hoạt, mở rộng hợp lý, để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, giảm lệ phí trước bạ, chậm nộp tiền thuê đất, nới rộng bội chi ngân sách, tăng hỗ trợ an sinh xã hội… được áp dụng khá nhiều nhằm phục hồi nền kinh tế sau cơn chấn động của đại dịch.

Như vậy, CSTK đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh là công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Phóng viên:Ông nhìn nhận thế nào về nỗ lực của Bộ Tài chính trong tham mưu, xây dựng và triển khai các CSTK, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024?

TS. Nguyễn Minh Tân: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để thực thi CSTK tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và chậm nộp tiền thuê đất.

Qua đó, đã trực tiếp hỗ trợ về dòng tiền, giảm nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Các chính sách về chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch bệnh được triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/6/2023 về chấn chỉnh, tăng cường quản lý, kỷ cương, kỷ luật tài chính – NSNN trong chấp hành pháp luật về NSNN và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra...

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư về xây dựng dự toán, điều hành NSNN hằng năm giai đoạn 2022 - 2024; tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính - NSNN để hoàn thành nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội.

Trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình, chủ động theo dõi, tổng hợp số liệu, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thu, chi NSNN; trình cấp thẩm quyền bổ sung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024; ban hành các giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi thường xuyên, chi khác ngân sách để đảm bảo cân đối NSNN và dành thêm nguồn lực NSNN hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 7/8/2024 của Chính phủ; giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết; thường xuyên hướng dẫn các cơ quan nhà nước về quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức...

Đó là những biện pháp rất hữu hiệu mà Bộ Tài chính đã thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình cấp thẩm quyền ban hành các Đề án như: Phát triển KTXH gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh các xã biên giới đất liền giai đoạn 2020-2023; Đề án cơ cấu lại nền kinh tế; Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng KTXH gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; Phát triển KTXH và đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 vùng trong cả nước; Xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính - NSNN trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH...

Những nỗ lực của Bộ Tài chính trong tham mưu, xây dựng và triển khai CSTK đã và đang tạo ra những xung lực, khới sắc mới cho nền kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, là mức tăng trưởng khá cao; các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá, như: nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… đều có mức tăng trưởng. Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thực hiện đúng tinh thần “khoan sức dân” và “nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài”.

Chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thực hiện đúng tinh thần “khoan sức dân” và “nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài”.

Với xu hướng tích cực, tôi tin rằng, cả năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0 - 6,5% như Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, tạo dư địa tăng thu ngân sách và giảm bội chi trong tương lai.

Tính đến “độ trễ” trong xây dựng và thực thi chính sách

Phóng viên: Một số chuyên gia cho rằng, đã đến thời điểm “vàng” thực hiện CSTK thắt chặt sau nhiều năm duy trì nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

TS. Nguyễn Minh Tân: Như tôi đã đề cập, thời gian qua, CSTK đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KTXH, đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt, tăng trưởng GDP luôn giữ ở mức dương, lạm phát được kiểm soát, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 43-44%GDP, dưới ngưỡng cảnh báo tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (55%GDP).

Tuy nhiên, trong bối cảnh cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại... thì CSTK cần được tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH.

Đáng chú ý, thời gian qua đã có những phân hệ của CSTK được mở rộng, có phần nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.

Chẳng hạn như: Chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thực hiện đúng tinh thần “khoan sức dân” và “nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài”, nhưng cũng làm giảm sút đáng kể nguồn thu NSNN theo dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Do đó, thời gian tới, điều hành CSTK, nhất là chính sách thuế, chính sách chi ngân sách cần được thắt chặt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu phát triển KTXH, duy trì kiểm soát hiệu quả các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại NSNN trên cơ sở theo dõi sát sao hơn nữa tình hình KTXH trong nước và quốc tế, có phương án ứng phó, điều chỉnh kịp thời với các tình huống cấp bách phát sinh, có tính đến “độ trễ” trong xây dựng và thực thi chính sách.

Hoạch định và thực thi CSTK phù hợp mục tiêu phát triển KTXH

Phóng viên:Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, thì cần triển khai các giải pháp gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Tân: Một trong những mục tiêu CSTK thời gian qua đã hướng tới là cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thông qua chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng (giảm từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ) và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong các năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Việc áp dụng các chính sách này đã góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao...

Để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan chủ trì tham mưu, hoạch định CSTK cần tăng cường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khác có liên quan để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền việc hoạch định và thực thi CSTK phù hợp mục tiêu phát triển KTXH, đúng quy định của pháp luật nhằm phát huy hiệu quả.

Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng miễn, giảm, giãn thuế giá trị gia tăng, khoanh xóa nợ thuế để đảm bảo đúng đối tượng được miễn, giảm thuế theo quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp rà soát, xác định rõ trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền hướng giải quyết đối với các trường hợp cụ thể của CSTK như: Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách miễn, giảm thuế; hỗ trợ người lao động thông qua chính sách an sinh xã hội; đánh giá cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ, các trường hợp chưa hỗ trợ do các nguyên nhân khách quan...

Ngoài các giải pháp trên, thường xuyên nghiên cứu, đánh giá để khắc phục các hạn chế, tồn tại của CSTK trong từng năm và trong từng thời kỳ, tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoàn thiện CSTK có hiệu lực và hiệu quả.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Văn Trường (thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thoi-diem-vang-that-chat-chinh-sach-tai-khoa.html