Thói đổ vấy

Những ngày gần đây, lợi dụng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, thông báo hết xăng với lý do chiết khấu 0 đồng, các phần tử cơ hội với mưu đồ xấu đã nhanh chóng hùa vào để xuyên tạc, hạ thấp hình ảnh của đất nước, kích động tạo bất bình trong xã hội.

Chúng cho rằng có tình trạng này “là do sự độc quyền kinh doanh xăng dầu của Nhà nước”, từ đó kêu gọi “Nhà nước không được can thiệp vào thị trường năng lượng”, “phải giao quyền tự chủ trong ngành năng lượng cho các doanh nghiệp tư nhân”, rằng “chỉ khi có sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, xăng dầu mới tránh được độc quyền, mới có cạnh tranh mang tính thị trường”. Thậm chí có kẻ còn lu loa lên rằng: “Xăng dầu giá giảm hay giá tăng đều không thiếu nguồn cung, nhưng gần 1/4 số cửa hàng xăng dầu ở thành phố lớn nhất nước hết xăng là do đâu? Một người không biết chữ cũng hiểu đó không phải do thị trường. Là do Nhà nước đó… Bàn tay của Nhà nước thò sâu vào thị trường xăng dầu, nói là để bảo đảm an ninh năng lượng nhưng thực tế gần 1/4 cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh không có xăng dầu trong ngày hôm qua thì an ninh năng lượng có được bảo đảm?”.

Lướt qua những lời lẽ nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách nhìn nhận một chiều, thiển cận và theo thói đổ vấy, ăn vạ của những kẻ với dã tâm đang ẩn mình. Trên thực tế, Việt Nam từ lâu đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Nhưng, cũng như một số mặt hàng khác, khi Nhà nước cho phép các doanh nghiệp tư nhân được tham gia thị trường xăng dầu thì xuất hiện tình trạng “đầu cơ - găm giá”. Nhiều cửa hàng kinh doanh (xin nhấn mạnh rằng nhiều cửa hàng chứ không phải 1/4 cửa hàng như các phần tử tiêu cực rêu rao, thổi phồng) xăng dầu tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh thông báo hết xăng hoặc tạm ngưng giao dịch. Mục đích không gì khác là tạo cơn sốt ảo về xăng dầu, tạo hiện tượng cầu lớn hơn cung cục bộ tại một số địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh nhằm gây áp lực với Nhà nước. Trong khi đó, việc cung cấp, mua bán xăng dầu vẫn diễn ra bình thường tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhà nước.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong đó đương nhiên có điều kiện là sự quản lý, điều tiết giá cả của Nhà nước. Chấp nhận được điều kiện đó thì được phép kinh doanh và khi đã chấp nhận kinh doanh mặt hàng xăng dầu tức là đã đồng ý với điều kiện đó dù trong bất cứ tình huống nào. Khi giá cả xăng dầu có giảm đi nữa thì bằng đạo đức kinh doanh người kinh doanh vẫn phải cung ứng sản phẩm ra thị trường để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đó là chưa nói đến chuyện khi Nhà nước điều hành giảm giá xăng dầu thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ được trích quỹ bình ổn để bù vào khoản chênh lệch giá đó. Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực tế là của doanh nghiệp tự trích lập tại một ngân hàng nào đó, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ quyết định việc doanh nghiệp được rút bao nhiêu đồng trên một lít trong quỹ bình ổn đó khi giá xăng dầu giảm. Vì vậy, nói khi giá giảm, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ lỗ là chuyện không tưởng. Trong nền kinh tế thị trường, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, do đó sẽ thật phi lý nếu miệng thì nói lỗ nhưng chưa thấy doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Chẳng lẽ thấy lỗ mà họ vẫn làm?

Năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là xương sống của nền kinh tế quốc gia, tác động trực tiếp đến quốc kế dân sinh. Khi thị trường xăng dầu “hắt hơi, sổ mũi” thì nền kinh tế cũng lao đao. Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ bó rau, con cá đến các mặt hàng khác, thậm chí chẳng liên quan gì đến xăng dầu đều chăm chăm lên giá vì lý do “giá xăng dầu tăng”. Thậm chí có nơi, xăng dầu còn quyết định sự tồn vong của một chế độ, một quốc gia. Các cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 1 và lần 2 đều bắt nguồn từ nguồn dầu mỏ to lớn của Iraq, các quốc gia tư bản phương Tây nuôi tham vọng làm chủ các mỏ dầu của quốc gia này. Cuộc xung đột kéo dài hơn 70 năm giữa Nhà nước Do Thái Israel với các quốc gia Ả Rập có nguyên nhân sâu xa từ chiến lược Đại Trung Đông của Hoa Kỳ. Thông qua chiến lược này, Mỹ muốn sử dụng Israel như một quân cờ tiên phong để mưu đồ khống chế nguồn năng lượng khổng lồ bất tận của Trung Đông. Một mặt, vừa tăng cường viện trợ để xây dựng một nước Israel hùng mạnh trong khu vực, mặt khác, Mỹ muốn các quốc gia Hồi giáo Ả Rập trong khu vực phải dựa vào Mỹ để bảo đảm an ninh quốc gia, qua đó khống chế nguồn năng lượng xăng dầu của các quốc gia này. Điểm qua một số câu chuyện như vậy để thấy rằng, thật nguy hiểm nếu Nhà nước bỏ ngỏ thị trường năng lượng cho tư nhân thao túng, Nhà nước không kiểm soát, chi phối thị trường năng lượng. Giá xăng dầu thả nổi cho tư nhân tha hồ thoải mái định đoạt thì người dân sẽ là nạn nhân đầu tiên, là những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vụ việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh thông báo hết xăng, đóng cửa tạm thời không giao dịch không loại trừ có bàn tay can thiệp từ bên ngoài hòng làm rối loạn thị trường năng lượng, đảo lộn cuộc sống người dân, tạo bất ổn xã hội.

Chiết khấu cũng chỉ là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Hay nói cách khác, đó là khoản “hoa hồng” mà các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhận được từ các doanh nghiệp đầu mối trên mỗi lít xăng dầu bán ra. Nếu chiết khấu về 0 đồng thì khẳng định rằng cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn không hề bị lỗ, bởi vì, thứ nhất, giá họ bán ra chắc chắn vẫn cao hơn giá họ nhập vào; thứ hai, họ không tốn phí vận chuyển vì xăng dầu đã được doanh nghiệp chuyên chở đến tận cửa hàng. Giá xăng dầu do Nhà nước quy định, song không giống nhau giữa các địa phương, vùng miền. Hầu hết cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều bán cao hơn giá quy định của Nhà nước trong mức chênh lệch cho phép. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ là vô lý, nếu có thì cũng chỉ là lỗ nhất thời trong một thời điểm nào đó, khi lô xăng dầu đó nhập về chưa kịp bán hoặc bán chưa hết thì gặp đợt giá xăng dầu giảm.

Chiết khấu là quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, Nhà nước không can thiệp. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho Nhà nước khi các cửa hàng xăng dầu tư nhân ngừng bán vì lý do chiết khấu 0 đồng. Khi có lợi thì không thấy ai lên tiếng, nhưng khi không có hoa hồng thì lại đổ tại Nhà nước. Đó không phải là đạo đức của người kinh doanh chân chính. Nó chỉ tạo ra cái cớ để các phần tử cơ hội, thù địch vịn vào để xuyên tạc, chống phá mà thôi.

H.L

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/138176/thoi-do-vay