Thôi đừng lỗi hẹn!
'Người Việt hôm nay cần gì?', chuyên trang này của ANTG cũng đã xuất hiện được vài tháng. Nó bắt nguồn từ một tham vọng của chúng tôi, những người làm báo, là cùng đồng nghiệp, độc giả, các chuyên gia... nhận diện được các tập quán xấu phát sinh trong thời kỳ hiện đại này của người Việt, ngõ hầu từ đó mỗi chúng ta cùng khắc phục nó để tạo ra một xã hội lành mạnh và phát triển.
Và, hôm nay, nói về chuyên trang còn non nớt này, không phải là để biện giải việc chúng tôi đang làm, mà là để nhận diện chính một thói xấu phổ biến hôm nay: tính cam kết yếu kém.
Trước khi chuyên trang ra mắt, chúng tôi đã định lượng xem ban đầu những tay bút nào, những học giả nào có thể giúp mình xây dựng nền tảng cơ sở, tạo ra một động lực cho chính bạn đọc gửi bài tham gia góp ý kiến của mình. Từ những “quy hoạch” ấy, những lời mời rất cụ thể đã được gửi tới họ. Rất nhiều người hưởng ứng. Gần như tất cả đều đánh giá rằng, đây sẽ là một chuyên trang có ích cho xã hội, với tinh thần đóng góp tích cực, chứ không phải chỉ phê phán đơn thuần. Nhưng, trong số rất nhiều hưởng ứng ấy, chỉ một số hiếm đã gửi tham góp ý của mình đúng hẹn.
Thực sự chúng tôi cảm thấy thất vọng và nản lòng rất nhiều, khi có những lời hẹn lần lữa kiểu “chắc chắn cuối tuần này tớ sẽ gửi bài cho cậu”. Có những lời hẹn kéo dài từ tuần này đến tuần khác và chúng tôi đành phải chấp nhận sự thật là sẽ không còn cái hẹn nào nữa, vì chẳng nên trông đợi gì. Và, để bạn đọc hiểu rõ, chúng tôi cũng phải kể chi tiết rằng tất cả những hứa hẹn kia không bắt nguồn từ phía chúng tôi. Với sự tôn trọng tuyệt đối, chúng tôi không đưa ra một thời hạn nào cho người hứa sẽ tham góp cùng. Thay vào đó, họ tự lựa chọn khoảng thời gian để làm việc, tự lựa chọn thời hạn cuối cùng để gửi bài.
Một ví dụ nhỏ từ chính việc chúng tôi đang làm hôm nay chỉ muốn để tất cả cùng mở rộng cái nhìn ra toàn cảnh, đánh giá trên tất cả những gì chúng ta đang làm, đang gặp phải mỗi ngày. Trong một nghề nghiệp khác mà tôi vẫn gắn bó lâu nay là nghề sản xuất âm nhạc chẳng hạn, hiện tượng này còn phổ biến hơn. Có những người rất tài, hầu như ai ở trong giới cũng cần họ nhưng mọi người đều sợ làm việc với họ bởi sự thất hẹn đã thành quen. Đơn cử, có một người làm thiết kế đồ họa được xem là số 1 trong làng giải trí bao năm qua. Đã đưa dự án vào tay anh, kiểu gì cũng mãn nhãn, ai cùng phải trầm trồ khi nhìn thấy sản phẩm.
Nhưng, anh không bao giờ đúng hẹn cả. Thậm chí, cả khi biết thói quen xấu này của anh rồi, những người lên dự án luôn để một khoảng dãn thời gian rất rộng phòng hờ nhưng rốt cuộc, dự án nào qua tay anh cũng chậm trễ ít nhất vài tháng. Để tự lý giải, ai cũng nói anh quá tải, ai cũng nói anh nhiều việc, ai cũng nói anh cần cảm hứng sáng tạo. Nhưng, gặp riêng anh, tôi chỉ nói một câu: “Chính cậu cần quản trị lại thời gian của mình”.
Trong đời sống, bao lần chúng ta đưa ra lời hẹn? Và, trong cuộc sống, bao lần chúng ta thất hẹn? Cảm giác thất hẹn của bạn ra sao sẽ đánh giá con người bạn rất rõ. Nếu bạn cảm thấy ân hận, chắc chắn bạn tìm mọi cách để bù đắp cho người đã thất vọng vì mình. Còn nếu bạn xem đó là chuyện bình thường, đúng kiểu “ai mà chả thất hẹn”, vấn đề nằm ở chính bạn. Nó có thể không chỉ còn là cái hời hợt, thiếu khoa học trong quản trị thời gian nữa mà nó chính là sự thiếu tự trọng, thiếu tôn trọng trong tương quan “tôi và cái chung”.
Tôi có rất nhiều thói quen xấu, thậm chí rất xấu. Nhưng, tôi có một điểm luôn tự hào về chính bản thân mình là không bao giờ thất hứa với ai điều gì. Trong đời làm báo, trong đời làm sản xuất âm nhạc, chưa bao giờ tôi muộn thời hạn với bất kỳ ai. Thậm chí, tôi luôn tập thói quen làm sớm hơn thời hạn 1 đến 2 ngày, để ngộ nhỡ đối tác có yêu cầu chỉnh sửa gì, mình vẫn có thể đáp ứng đúng cái hẹn ban đầu. Nhược bằng thấy mình chắc không đáp ứng được, tôi từ chối ngay từ lúc được mời. Thà từ chối còn hơn hứa suông, rồi để đấy và coi cái cam kết mình đã xác lập với người ta không có một chút giá trị nào.
Ở thời hiện đại và tốc độ này, có một cảm thức khá chung mà nhiều người dễ mắc phải, được gọi tắt từ tiếng Anh ra là FOMO (fear of missing out), nôm na là “sợ bị lỡ cơ hội”. Chính vì sợ bị lỡ cơ hội, người ta dễ cam kết ẩu để nhận một cơ hội nào đó trước khi định lượng thời gian, sức lực của mình. Có một đồng nghiệp (may mắn thay là anh chưa bao giờ trễ hạn với tôi) đã phải thừa nhận khi lần đầu tôi mời anh cộng tác rằng “Anh cho em được bắt đầu từ sau tết Nguyên đán.
Thời gian này em bù đầu vì quá tải. Thực sự em bị FOMO nên em nhận ẩu nhiều việc quá, giờ phải trả kết quả cho người ta”. Tôi rất trân trọng lời bộc bạch này, vì nó giá trị hơn việc anh nhận lời rồi không làm gì cả. Chấp nhận sự thật để dám nói lời từ chối cũng là một cách để chúng ta thoát khỏi trạng thái quá tải, thứ hoàn toàn có thể tạo nên các đổ vỡ cam kết mà ta không muốn.
Ảnh: L.G
Nhưng, vượt trên hết phải là quy hoạch thời gian, quản trị thời gian. Tôi có mấy thói quen về sắp xếp thời gian và công việc đã được duy trì mấy chục năm nay. Thứ nhất, trước khi đi ngủ luôn nghĩ xem ngày mai mình còn những việc gì cần làm. Thứ hai, sáng sớm ngủ dậy, lúc đi tắm, tôi luôn nghĩ đến những việc mình phải làm trong ngày, những nơi mình phải tới trong ngày.
Từ đó, ngay từ lúc đang đứng dưới vòi sen, tôi đã lên lộ trình cho mình đi đâu trước, làm gì trước để tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí giao thông cho quãng đường mình sẽ đi. Làm sao để đi thành một vệt là thuận tiện nhất thay vì phải chạy xuống Thủ Đức rồi lộn về quận 5, sau đó lại ngược về quận 2. Và cuối cùng, tôi đặt mục tiêu luôn hoàn tất mọi việc trước 6 giờ chiều để sau thời điểm ấy, tôi được sống cái đã.
Việc quản trị thời gian này thực tế tôi được dạy từ một người bạn Mỹ, ở những năm tôi còn học đại học. Anh làm việc cho một quỹ phi chính phủ gần nhà tôi, quen nhau ngẫu nhiên và hay đi cafe, uống bia với nhau. Ngày đó, anh có nói một câu: “Các cậu cần học quản trị thời gian cá nhân cho tốt. Sau này, khi cậu tốt nghiệp rồi đi làm, sẽ thấy nó quan trọng vô cùng”. Lời nhắc ấy đã khiến tôi lập cho mình được những thói quen kể trên suốt mấy chục năm qua. Tức là luôn có một kế hoạch nhỏ cho mỗi ngày trong tổng thể các kế hoạch lớn của mình.
Không ít người Việt hay thất hứa, hay đánh mất cam kết có thể đến từ thói xuê xoa, dễ dãi nhưng tôi không cho rằng tất cả những ai không đúng cam kết đều là người xấu. Ngay cả những người thất hẹn với tôi, tôi vẫn thấy họ là những người bạn rất tốt, thậm chí, chí tình với tôi là khác. Cái cơ bản là họ không có thói quen quản trị thời gian của mình sao cho khoa học nhất. Mà xã hội Việt Nam hôm nay thì đang hành xử gần với cảm tính hơn là gần với khoa học và lý tính.
Thế nên, nếu nhận một việc gì, trước hết nên định lượng thời gian của mình. Sau đó, hãy có một kế hoạch cho nó và phân bổ thời gian hợp lý để thực hiện kế hoạch ấy. Chính những việc tưởng như bé xíu ấy mang lại những kết quả rất lớn nếu chúng ta nhìn vào cái tổng thể chung của mọi người mà chúng ta chỉ là một nhân tố đóng góp trong đó. Nếu một người đúng hạn, nó sẽ kéo theo một tổ hợp đúng hạn và dẫn tới cả một tập thể đúng hạn. Vượt trên hết, trong một tập thể mà ai cũng tôn trọng cam kết, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy mình không thể nào “lòi ra” là một khác biệt thiếu tích cực chỉ vì đánh mất cam kết của riêng mình.
Đồng nghiệp! Chúng tôi vẫn chờ các bạn thực hiện đúng cam kết của mình.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Thoi-dung-loi-hen-i622345/