Thời giá xăng đắt đỏ: Giày dép 'bắt tay' bút bi để giảm chi phí
Ngày 17-6, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo 'Cần làm gì trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe hậu đại dịch'.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, quản lý cấp cao tại Nielseniq Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu của Nielseniq cho thấy mối quan tâm người tiêu dùng (NTD) rất đa dạng. NTD sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm họ tin rằng mang lại nhiều giá trị sức khỏe.
Bên cạnh đó, NTD Việt Nam cũng như châu Á rất nhạy cảm thay đổi về giá và sẵn sàng giảm số lượng nếu giá tăng.
Có hiện tượng doanh nghiệp "lén" giảm chất lượng
Sự nhạy cảm về giá của NTD là vấn đề đau đầu đối với doanh nghiệp (DN). Sắp tới, DN phải tìm cách ứng phó khi phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, những quy định khắt khe hơn của các thị trường xuất khẩu.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC), hiện nay có hiện tượng một số DN thừa nhận giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng do cạnh tranh nên không thể tăng giá đầu ra. Do đó, DN "lén” giảm chất lượng và cho rằng NTD khó phát hiện được.
Bên cạnh đó, DN đưa ra hai giải pháp. Thứ nhất là phải xem toàn bộ quy trình, hiệu năng của thiết bị dây chuyển để làm sao có giá thành sản phẩm tối ưu nhất. Thứ hai là DN phải liên kết, nhưng đây là điểm yếu nhất của DN Việt.
“Ngày 16-6, Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) làm việc cùng Hội DN HVNCLC giới thiệu sáng kiến hợp tác của Bitis và Thiên Long. Cụ thể, Công ty Thiên Long thấy Bitis có chuỗi cửa hàng rộng khắp nên đề nghị tại mỗi cửa hàng của Bitis cho Thiên Long đặt một tủ trưng bày viết, văn phòng phẩm.
Như vậy, vừa không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau bởi nếu khách đến không mua bút, viết, tập có thể mua giày dép Bitis. Theo đó, cuối tháng 4 hai bên bắt tay nhau và 10 cửa hàng đầu tiên đã ra đời. Có nhiều giải pháp để DN hợp tác cùng giảm chi phí” - bà Hạnh kể.
Theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, quá trình thu thập dữ liệu thị trường cho thấy sản phẩm của DN có sự giảm trọng lượng nhưng rất ít, NTD khó nhận ra.
“Ví dụ có sản phẩm từ 380ml còn 360ml, 200gr xuống còn 180gr nhưng mã vạch không đổi cho thấy giá không đổi. Điều này cho thấy sự nhanh nhạy của DN trong cân bằng chi phí” - bà Dung nói.
Giảm giá không giảm chất lượng
Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM nhận định vấn đề chi phí của DN sản xuất không phải lúc nào cũng giảm được vì giảm rồi không thể nào thay đổi được.
Ông dẫn chứng, thời gian gần đây nếu bóp một vỏ chai nước suối NTD sẽ cảm nhận vỏ chai cứ xì ra vì chất lượng giảm.
“DN chỉ thay đổi bên ngoài đến một lúc nào đó chứ không thể thay đổi trong ruột được. Tuy nhiên, DN sản xuất không đợi đến lúc có sóng giá mới thay đổi mà trong quá trình sản xuất DN luôn tìm mọi cách để giảm giá thành” - ông Việt Anh nói.
Cụ thể, qua chia sẻ với lãnh đạo một công ty dệt may về cách quản trị sản xuất, vị này cho biết đã tính toán để may một chiếc áo tiết kiệm được 16 giây.
“Điều này cho thấy DN đã giảm thiểu chi phí hết mức. Vì vậy, bây giờ đừng hỏi DN sản xuất về chuyện giảm chi phí khi giá xăng dầu nguyên liệu đầu vào tăng cao. Câu hỏi này không công bằng so với những ngành khác ” - ông Việt Anh chia sẻ.
Theo ông Việt Anh, NTD cần chia sẻ gánh nặng này với DN sản xuất. Tất nhiên, DN sẽ giảm giá cho một số mặt hàng, chấp nhận lỗ chứ không giảm giá bằng cách đánh vào chất lượng sản phẩm.
Nếu một sản phẩm đang in bảy màu thành năm màu, một chiếc túi đang dài 70 cm chỉ còn 65 cm... đây không phải là chính sách để giảm giá thành. Chính sách phải nghiên cứu cả quy trình, thay đổi những vấn đề tạo nên giá thành trong quá trình sản xuất nhưng không được giảm thu nhập người lao động.