Thời gian để tính số ngày nghỉ việc hằng năm

Ông Phùng Văn Mến (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) thắc mắc, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sắp tới đây sẽ được quy định ra sao?

- Về nội dung này, luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, theo Điều 65, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (có hiệu lực từ ngày 1-2-2021) thì thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau: thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1, Điều 115 của Bộ luật Lao động. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng trong một năm. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng trong một năm. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Đoàn Phú (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202102/thoi-gian-de-tinh-so-ngay-nghi-viec-hang-nam-3044586/