Thời hạn 15/12 liệu có tạo áp lực lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung?

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục diễn ra, các nhà đàm phán duy trì liên lạc chặt chẽ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dường như Trung Quốc một lần nữa lại muốn trấn an các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donlad Trump tuyên bố không loại trừ khả năng thỏa thuận thương mại chỉ đạt được sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh một hiệp định chỉ có thể được ký nếu Mỹ giảm thuế. Trước đó tại Washington, thông tin cho biết Mỹ không vội vàng để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Trong khi đó, thời hạn áp dụng thuế quan thường xuyên đối với các sản phẩm Trung Quốc là ngày 15/12 đang đến gần.

Trong vài tuần qua, Mỹ và Trung Quốc chờ cái gọi là "thỏa thuận Giai đoạn một". Người ta cho rằng để đạt được đồng thuận, ít nhất không nên có bất kỳ sự leo thang căng thẳng thương mại nào: Tăng thuế quan hiện hành hoặc đưa ra các biểu thuế mới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của các phóng viên ngày 5/12 vừa qua, ông Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên nữa hay không. Tuy nhiên, ông Trump lưu ý vào ngày 15/12 tới, "điều gì đó có thể xảy ra".

Washington cũng không phủ nhận việc các cuộc đàm phán đang diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin nói với các phóng viên ngày 5/12 rằng các phó trưởng đoàn của cả hai bên đang liên lạc chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mnuchin nhấn mạnh Mỹ không đưa ra một thời hạn nào để hoàn tất đàm phán. Theo Bộ trưởng Mnuchin, đây là những gì ông Trump đã nghĩ đến khi ông nói rằng một hiệp định có thể được ký kết sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bộ trưởng Mnuchin lưu ý đối với Mỹ, điều quan trọng không chỉ là việc ký kết một giao dịch mà còn phải là một "giao dịch đúng đắn". Do đó, không cần phải giới hạn thời gian.

Thời hạn đang hết dần và điều này không làm các nhà quan sát và đầu tư từ cả hai phía lo ngại. Mỹ đã lên kế hoạch vào ngày 15/12 áp dụng mức 15% thuế quan đối với các hàng hóa Trung Quốc tổng trị giá 160 tỷ USD.

Các nhà phân tích thuộc Pepperstone Group Ltd. tính toán trong trường hợp này, chỉ số S&P 500 sẽ ngay lập tức giảm 2%. Pepperstone Group Ltd. cảnh báo đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc và thậm chí đồng đôla Australia (AUD) sẽ mất giá. Nhiều loại sản phẩm tiêu dùng sẽ bị áp thuế.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố ngay cả khi áp dụng mức thuế nhập khẩu, họ sẽ không làm hỏng lễ Giáng sinh của người Mỹ vì tất cả các nhà bán lẻ đã lấp đầy kho hàng bằng các sản phẩm Trung Quốc từ trước.

Tuy nhiên, việc áp thuế mới có thể tác động bất lợi tới tất cả các công việc được các nhà đàm phán từ cả hai bên thực hiện. Đầu tiên, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một thỏa thuận chỉ có thể diễn ra nếu Mỹ giảm thuế. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng thương mại nào đều khiến việc đạt được một tài liệu chung trở nên khó khăn hơn.

Hiện chỉ còn rất ít thời gian cho đến ngày 15/12 và không chắc đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại giai đoạn này.

Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia Wang Zhimin thuộc Viện Kinh tế và Thương mại Trung Quốc nói với Đài Sputnik: "Nếu hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến ban đầu được tổ chức tại Chile, diễn ra, thì có lẽ (hai bên) đã đạt được thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump và cộng sự của ông luôn sử dụng chiến thuật gây áp lực tối đa để đạt được mục tiêu của mình, thường thêm các điều kiện bất ngờ ngay trước khi ký kết. Như vậy, có quá nhiều biến số, yếu tố không chắc chắn.

Tôi nghĩ rằng những thay đổi tích cực khó có thể xảy ra trong giai đoạn này. Ngược lại, tình hình thậm chí có thể xấu đi vì cả hai bên đã bắt đầu đối đầu trong lĩnh vực chính trị".

Chuyên gia Wang Zhimin nhận định mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc cả hai bên nhượng bộ lẫn nhau đến đâu. Chuyên gia Wang Zhimin cho rằng câu hỏi được đặt ra là mỗi bên có thể nhân nhượng những gì.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng bị các yếu tố chính trị làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời, các biện pháp đối phó của Trung Quốc làm gia tăng áp lực chính trị đối với ông Trump, và không có lợi cho đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Chuyên gia Wang Zhimin lưu ý: "Ảnh hưởng của các yếu tố chính trị có thể tác động xấu đến việc ký kết hiệp định. Thỏa thuận của giai đoạn đầu cơ bản đã hoàn thành và khả năng đạt được rất cao. Tuy nhiên, dựa trên tình hình hiện tại, thật khó để đánh giá liệu một thỏa thuận cuối cùng có thể được ký kết hay không".

Trước đó, hãng tin Bloomberg trích dẫn các nguồn tin trong Chính quyền Mỹ lưu ý cho đến nay, vấn đề chưa được giải quyết là làm thế nào để đảm bảo việc Trung Quốc mua một số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp Mỹ và theo đó Mỹ sẵn sàng giảm thuế quan theo thỏa thuận tạm thời.

Đồng thời, về phần mình, Trung Quốc đang thực hiện các bước nhượng bộ với Mỹ. Ngày 6/12, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, Trung Quốc bãi bỏ trong một số trường hợp việc áp thuế nhập khẩu thịt lợn và đậu nành từ Mỹ. Ngoại lệ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu từ các công ty nhập khẩu nhất định. Hiện tại, thịt lợn và đậu nành Mỹ phải chịu thuế nhập khẩu 25%.

Ngày 8/12, Chính phủ Trung Quốc công bố các số liệu thống kê cho biết tháng 11/2019 là tháng thứ tư liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này bị sụt giảm. Theo các số liệu do Hải quan Trung Quốc cung cấp, thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ bị giảm mạnh 6,9% trong vòng một tháng từ 26,42 tỷ USD xuống còn 24,61 tỷ USD.

Gộp chung cả nước, khối lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 1,1% trong tháng 11/2019, sau khi đã bị sụt giảm 0,9% trong tháng 10/2019, do nhu cầu thế giới giảm sút. Kết quả này trái với dự đoán của hãng tin Bloomberg với dự báo mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc là 0,8%. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên 0,3% sau nhiều tháng suy giảm, ngược với dự báo giảm 1,4% được đưa ra trước đó.

Theo nhận định của nhà kinh tế Zhou Hao thuộc Ngân hàng Commerzbank ở Singapore với hãng tin Bloomberg, những con số này khá bất ngờ và cho rằng "tình hình có thể sẽ được cải thiện trong ngành nhập khẩu trong tháng Mười Hai này./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thoi-han-15-12-lieu-co-tao-ap-luc-len-dam-phan-thuong-mai-my-trung-/142097.html