Thời hoa lửa ở vùng đất Thành đồng
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, trong ký ức của ông Phạm Chánh Trực (sinh năm 1939, bí danh Năm Nghị) vẫn vẹn nguyên những cảm xúc trong thời khắc ngày toàn thắng.
Ông nguyên là Bí thư Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định, cũng là Bí thư đầu tiên của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sau ngày 30-4-1975.
Hừng hực khí thế trong nội thành
Ông Phạm Chánh Trực hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TP Hồ Chí Minh. Tháng Tư về đã đánh thức bao ký ức một thời hoa lửa mà ông và đồng đội-học sinh, sinh viên, thanh niên Sài Gòn-Gia Định xung kích đấu tranh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ông kể, từ thập niên 1960, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, thanh niên các đô thị miền Nam, nhất là tại Sài Gòn-Gia Định dâng cao. Lớp lớp thanh niên ngày ấy ăm ắp lý tưởng cách mạng, luôn xung kích, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định được cấp trên chỉ thị chuẩn bị tham gia nổi dậy khởi nghĩa trong nội thành. Triển khai nhiệm vụ này, Thành đoàn khẩn trương, bí mật triển khai lực lượng sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền khi ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ tại 5 điểm khởi nghĩa gồm: Ngã Bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối, Cầu Kiệu-Phú Nhuận, Cầu Bông-Bà Chiểu, Xóm Chiếu-Khánh Hội và Tân Phú-Tân Sơn-Bà Quẹo. 5 địa điểm này được lựa chọn kỹ lưỡng, gần các cơ quan đầu não của địch, tập trung lực lượng ở đây có thể tiếp ứng cho các mũi tiến công của Quân giải phóng khi tiến vào Sài Gòn. Ban chỉ huy các điểm khởi nghĩa chuẩn bị may cờ, loa phát thanh, dụng cụ cứu thương, lương thực...; vận động một số nhà dân che giấu lực lượng, hậu cần. Trong bối cảnh ấy, cuối tháng 3-1975, đồng chí Phạm Chánh Trực cùng một số cán bộ được cử vào nội thành làm công tác chuẩn bị kế hoạch tấn công nổi dậy giành chính quyền. Ông được giao đảm nhiệm chiếm lĩnh quận 11. “9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh ra lệnh cho ngụy quyền Sài Gòn án binh bất động, ngừng bắn chờ Quân giải phóng vào, tôi nhận rõ đây là thời cơ chín muồi, đã cùng các đồng đội cơ động nhanh về địa bàn quận 11, chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng theo kế hoạch”, ông Trực nhớ lại.
“Lúc bấy giờ, cảnh sát, quân đội của ngụy quyền Sài Gòn đã bắt đầu bỏ chạy. Khi thấy chúng tôi cầm cờ giải phóng chạy về hướng quận 11 trong sự hò reo, phấn khởi của người dân, nhiều người còn dùng xe máy để chở chúng tôi đến các mục tiêu đầu não của địch nhanh hơn. Dòng người tiến về ty cảnh sát rồi dinh quận 11 không gặp sự kháng cự nào. Khí thế quần chúng tại thời điểm lịch sử ấy cao ngất, mạnh mẽ như thác đổ. Đó là những khoảnh khắc khó quên trong khi toàn thắng đã đến rất gần”, ông Trực xúc động kể.

Đồng chí Phạm Chánh Trực giao lưu, chia sẻ với tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh.
Cùng với hướng của ông Năm Nghị, các hướng khác do Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định đảm nhiệm đã bám trụ, xây dựng được cơ sở trong nội thành, phất cờ khởi nghĩa đúng vào thời điểm ngày 30-4-1975 lịch sử. Thành đoàn đã cùng các lực lượng cách mạng nội thành phát động quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền cơ sở, làm tan rã ngụy quyền, các cơ quan đầu não của địch tê liệt, hỗ trợ đội chủ lực và các mũi tổng tiến công, giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Viết tiếp bản lĩnh, tinh thần: Sống là cống hiến
Là người Bí thư Thành đoàn đầu tiên sau ngày giải phóng, ông Phạm Chánh Trực vẫn không quên những khó khăn thuở ban đầu khi đất nước hòa bình, thống nhất. Lúc bấy giờ, ông đã tổ chức các đội, nhóm thanh niên thu gom vũ khí của địch bỏ lại khắp đường phố, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, xóa tàn tích văn hóa tuyên truyền của chế độ cũ; phối hợp tổ chức cho binh lính, sĩ quan, công chức ngụy quyền Sài Gòn ra trình diện, học tập cải tạo. Thanh niên thành phố còn tham gia tích cực vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, sản xuất, khôi phục các nhà xưởng, nhà máy, giữ cho thành phố không bị mất điện, mất nước sạch..., giúp sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Nhắc lại thời kỳ này, ông Trực cho biết: "Trước yêu cầu của tình hình mới, Thành đoàn mạnh dạn xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng thanh niên ra huyện Củ Chi khai hoang sản xuất nông nghiệp. Ngày 28-3-1976, tôi trực tiếp nhận cờ xung kích do đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy trao trong đợt ra quân 10.000 thanh niên xung phong tham gia thực hiện kế hoạch. Những người trẻ ngày ấy đã thể hiện khí phách, tiên phong, không ngại gian khổ, hy sinh trong đấu tranh và cả trên mặt trận kinh tế, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới".
Theo ông Trực, tổ chức lực lượng thanh niên xung phong sau giải phóng chính là nét sáng tạo của TP Hồ Chí Minh. Đây là lực lượng được tập hợp rất đa dạng, gồm cán bộ, đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ, sinh viên, học sinh và cả lực lượng ngụy quân rã ngũ, thanh niên lao động thất nghiệp... do cán bộ, đoàn viên, thanh niên cộng sản làm nòng cốt. Họ không chỉ về vùng ven thành phố khai hoang, canh tác, các đội, tổng đội thanh niên xung phong còn đi đến nhiều địa phương tại miền Nam, hỗ trợ khai hoang, triển khai nhiều mô hình kinh tế mới. Những mô hình, cách làm mới của tuổi trẻ thành phố trong hoạt động tình nguyện, xây dựng tổ chức, hội nhập thanh niên, ứng dụng công nghệ... đã lan tỏa, nhân rộng cả nước.
Năm 2025, ông Phạm Chánh Trực dù đã 86 tuổi nhưng vẫn tham gia đều đặn những chương trình sinh hoạt truyền thống của các cơ sở đoàn, tổ chức chính trị-xã hội. Đi đến đâu, ông cũng được gọi với cái tên thân thương là “Anh Năm Nghị”, “Chú Năm Nghị”. Vì lẽ, nhiệt huyết, sức trẻ, niềm đam mê cống hiến dù qua bao năm tháng trong ông vẫn không vơi cạn, luôn là hạt nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên. Ông vẫn thường nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng, sống là cống hiến. Dù ở thời kỳ nào, hoài bão, khát vọng và tinh thần tiên phong chính là nền tảng để tuổi trẻ thành phố khẳng định vai trò, thương hiệu riêng.
Trao đổi thêm về sự phát triển của thành phố nửa thế kỷ qua, ông Phạm Chánh Trực khẳng định: "TP Hồ Chí Minh là thành phố năng động, luôn đi đầu, là cái nôi của nhiều phong trào như thanh niên xung phong, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, bảo trợ bệnh nhân nghèo... Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm đã tạo nên sự năng động, sáng tạo của con người Thành phố mang tên Bác, làm nên những cái mới, mô hình mới. Đó cũng chính là truyền thống của vùng đất anh hùng "Thành đồng Tổ quốc". Tôi luôn tin tưởng và kỳ vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống ấy, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố sẽ luôn giữ vai trò tiên phong, đi đầu trong các phong trào, hoạt động, tiến thân vào khoa học; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, đột phá trong giai đoạn phát triển mới”.
Cuộc đời của đồng chí Phạm Chánh Trực trải qua hai thời kỳ hoạt động rõ rệt: Thời tuổi trẻ theo cách mạng, tham gia đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước ngay trong lòng đô thị Sài Gòn; sau ngày thống nhất, ông trải qua các cương vị ở TP Hồ Chí Minh như Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao, Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh... Với nhiều cống hiến tích cực, mới đây, ông được thành phố đề nghị xét chọn là một trong 50 cá nhân có đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của thành phố 50 năm qua.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thoi-hoa-lua-o-vung-dat-thanh-dong-826227