Thổi hồn vào đất

Gần thế kỷ trôi qua, nghề làm nồi đất ở Trù Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vẫn được duy trì. Bằng sự đam mê, bên những lò than đỏ rực, người dân Trù Sơn đã thổi hồn vào đất, duy trì sản phẩm truyền thống.

Nhiều người cao tuổi Trù Sơn vẫn gắn bó với nghề làm nồi đất

Nhiều người cao tuổi Trù Sơn vẫn gắn bó với nghề làm nồi đất

Từ nghề truyền thống…

Tết Canh Tý gần đến, những lò than rực lửa ở Trù Sơn trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Trù Sơn là nơi duy nhất ở tỉnh Nghệ An làm ra các loại nồi bằng đất. Sản phẩm này đun nấu thức ăn hoặc nấu thuốc, hương vị vốn có của món ăn đều được giữ nguyên. Thậm chí, nhiều nơi còn dùng nồi đất của Trù Sơn để nấu vàng.

Bà Phạm Thị Hoàng, 80 tuổi - người được xem là "nghệ nhân" cao tuổi nhất ở Trù Sơn, hầu như mỗi người dân Trù Sơn đều biết làm nồi đất. "Ngày trước, con gái ở làng, nếu không biết làm nồi, sẽ không lấy được chồng" - bà Hoàng móm mém nói. Về Trù Sơn những ngày giáp Tết, đi dạo khắp làng, người ta đều thấy một màu gốm đỏ au với những chiếc nồi đất đủ kích cỡ. Theo lời người dân, thời kỳ hưng thịnh, nồi đất Trù Sơn không những được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến mà còn xuất sang các nước láng giềng.

Các sản phẩm của làng Trù Sơn cũng rất đa dạng, phong phú với hơn 30 loại, từ nồi to nấu nước, nồi vừa nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt, cá… đến các loại chảo rang, siêu sắc thuốc. Thậm chí, người ta còn tạo ra nhiều vật dụng khác như giỏ treo phong lan, chậu trồng hoa, vật dụng đốt hương vàng. Đất để làm nồi phải là loại sét "trong", mịn, không tạp chất. Để tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng của gốm Trù Sơn, đất sét phải trải qua quá trình nhào, nặn rất công phu. Từ những nắm đất sét dẻo, mịn, người dân làm nồi đất bắt tay vào quá trình tạo hình, chế tác sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Nghề làm nồi đất Trù Sơn có sự phân công công việc theo giới. Nếu như đàn ông có trách nhiệm lấy và nhào đất sét, thồ nồi đi bán, việc chế tạo ra những chiếc nồi đất, sanh, siêu đun thuốc... lại là công việc của người phụ nữ.

Điều đặc biệt, sản phẩm gốm Trù Sơn không được tráng men nên có màu đất rất đặc trưng, dân dã, mộc mạc như chính con người nơi đây. Ngày nay, những chiếc sanh đất, nồi đất xuất hiện nhiều hơn trên các bàn tiệc, có khi ở các khách sạn 5 sao, nhà hàng lớn, gắn với các món ăn dân dã. Người dân Trù Sơn cũng "thức thời" hơn khi biết nắm bắt nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Thanh - chủ cơ sở làm nồi đất lớn nhất Trù Sơn - cho biết, nhiều năm nay, ông không tự mang nồi đi bán, vì có các thuơng lái đến mua tại nhà. Sản phẩm nồi đất Trù Sơn chủ yếu được bán cho các nhà hàng làm cơm niêu hay cá kho tộ làng Vũ Đại (Hà Nam). "Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, tất cả các lò nung nơi đây đều tăng số lượng, có khi phải làm cả đêm. Riêng gia đình tôi ra lò trên 2.000 chiếc nồi đất cung cấp cho thị trường vào dịp cuối năm. Có nhiều đơn đặt hàng, nhưng không dám nhận vì làm không kịp" - ông Nguyễn Hữu Thanh nói.

… đến du lịch trải nghiệm

Theo lời ông Lê Xuân Thọ - Phó Chủ tịch xã Trù Sơn, trước đây, làng Trù Sơn rất nhiều hộ theo nghề làm nồi đất. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, nhiều hộ chuyển sang nghề khác bởi thu nhập bấp bênh, không ổn định. Làm nồi đất phần lớn là phụ nữ, người già; nghề cực mà không kiếm được bao nhiêu; chỉ gần Tết, khi thị trường có nhu cầu cao hơn, thu nhập mới tăng thêm. "Chính quyền xã mong muốn các cấp, ngành xây dựng nghề làm nồi đất trở thành làng nghề để khi có thương hiệu, nghề sẽ không bị mai một với thời gian" - ông Thọ nói.

Trải qua nhiều đổi thay, cùng với sự phát triển đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng, làng Trù Sơn cũng phải vật lộn để duy trì, phát triển. Theo những hộ làm nghề nơi đây, bình quân mỗi tháng, làng nghề vẫn làm ra hàng chục nghìn sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện, chỉ còn chưa đến 100 hộ dân thuộc các xóm 10, 11, 12, 13 của Trù Sơn còn gắn bó với nghề làm nồi đất. Người dân chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp để kiếm sống và cố gắng duy trì nghề cha ông để lại.

Không chỉ mong muốn được hồi sinh, làng nghề nồi đất Trù Sơn hiện đang cố trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Hiện, trên địa bàn, một số nhà trường đã thông qua các công ty du lịch đưa đoàn học sinh đến trải nghiệm nhưng cũng mới chỉ là hoạt động tự phát, không có tính bền vững. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nơi đây đang trăn trở để phát triển du lịch trải nghiệm. Đây cũng là một trong những hướng đi đúng mà những người có trách nhiệm và tâm huyết với việc khôi phục, phát triển nghề nồi đất Trù Sơn đang triển khai.

Có một thời, nghề nồi đất Trù Sơn đã theo chân các thương lái đi khắp nơi. Ngày nay, cuộc sống với bao đổi thay, chỉ thi thoảng, hình ảnh những chiếc xe thồ chở theo 2 sọt nồi đất mới xuất hiện trên các đường làng, con phố như điểm chấm phá giữa cuộc sống ồn ã, sôi động.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoi-hon-vao-dat-131521.html