'Thổi hồn' vào gỗ

Từ những khúc gỗ lũa, gốc cây khô sần sùi tưởng chừng chỉ có thể làm củi, nhưng dưới đôi tay khéo léo và óc sáng tạo của người thợ mộc đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao.

Sinh ra ở một ngôi làng có nghề truyền thống nổi tiếng làm nghề điêu khắc gỗ ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nên ngay từ khi mới 4 - 5 tuổi, Hoàng Hải đã được làm quen với đồ nghề như đục, cưa, khoan… và hằng ngày được ngắm những tác phẩm mà bố và anh mình chế tác ra. Khi vào lớp 1, buổi sáng Hải đến trường học chữ, trưa và chiều “lấy trộm” đục của bố kỳ cạch bắt chước đục đẽo. Mặc dù những lần như thế chỉ phá gỗ, nhưng Hải vẫn được bố và anh tạo điều kiện tìm tòi, học hỏi bởi hơn ai hết, họ biết mình trở thành nghệ nhân cũng từ những lần như thế.

“Học hết lớp 5 tôi đã biết giúp bố và anh đục các sản phẩm đơn giản như bông hoa, quả, chim, cò, chữ… Hết lớp 9, tôi được bố truyền dạy cho tất cả những kỹ năng của một người thợ lành nghề, đục được tất cả những gì mà khách hàng khó tính nhất yêu cầu” - Hải tâm sự.

Tác phẩm “Di Lặc ngồi gốc tùng” đang được hoàn thiện.

Tác phẩm “Di Lặc ngồi gốc tùng” đang được hoàn thiện.

Sau khi có cái nghề trong tay, Hải quyết định lên Lào Cai lập nghiệp. Khi “chân ướt, chân ráo” lên mảnh đất biên cương, chưa có nhiều vốn và các mối quan hệ với khách hàng, Hải làm thuê cho các xưởng mộc, các cơ sở chế tác đồ gỗ. Khi có được vài chục triệu đồng tiền vốn, Hải mạnh dạn thuê một căn nhà ở phường Bình Minh để tự làm. Hải cho biết: “Ở Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung có nhiều loại gỗ lũa, gỗ quý như dổi, gù hương, pơ mu, nghiến, trai, mít, kháo… Những loại gỗ này có thể bị chôn lấp hàng trăm năm dưới đất hoặc đáy sông, nhưng khi được thu gom về sẽ trở thành gỗ lũa, hình thù rất đẹp, lõi cứng như đá. Những loại gỗ này khi được vệ sinh sạch sẽ, chế tác thành những tác phẩm Di Lặc ngồi dưới gốc tùng, tùng, hạc, bộ tam đa… hoặc cũng có thể đục thành những bộ bàn ghế rất đẹp”.

Khi đã có lượng khách đáng kể, hàng ngày nhận được những đơn hàng với số lượng lớn, một mình không thể kham nổi, Hải quyết định về quê mời thêm một số anh em lên cùng làm. Giờ đây, cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ của Hải có 3 người thợ làm thường xuyên nhưng vẫn không hết việc. Không chỉ làm cho những khách quen trên địa bàn thành phố Lào Cai, chàng trai 30 tuổi người Nam Định còn chế tác nhiều tác phẩm nghệ thuật từ gỗ cho khách hàng ở Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng và nhiều tỉnh khu vực phía Nam.

Theo Hải, để thu hút được khách đã khó, giữ chân khách còn khó hơn. Trước mắt, những sản phẩm mình chế tác ra phải thật đẹp và có hồn, chứ không thể cứng đơ đơ như đục bằng… máy. Để có được những tác phẩm nghệ thuật đẹp, người thợ trước tiên phải có tay nghề cao, đồng thời có trí tưởng tượng, óc sáng tạo phong phú. Có như thế, khi nhìn vào bất kể khúc gỗ to, nhỏ, cao, thấp, méo hay vuông, tròn đều có thể tư vấn cho khách hàng nên đục ra món đồ gì sẽ đẹp nhất, ý nghĩa nhất.
Cùng làm việc với Hải, Nguyễn Văn Diện đảm nhiệm khâu “quật” gỗ. Đây là công việc không đòi hỏi quá nhiều óc sáng tạo, nhưng người thợ phải rất cần cù, chịu khó và cẩn thận từng ly từng tý. Những tác phẩm nghệ thuật khi hoàn thành việc đục thô sẽ được đưa cho Diện “quật” bằng giấy ráp. Đánh giấy ráp vào những tác phẩm nghệ thuật là rất khó, vì bề mặt của chúng đa phần là gồ ghề, lồi, lõm. Dù khó đến đâu, người thợ cũng phải làm cho thật sạch, nhẵn, bóng, nhưng tuyệt đối không được thay đổi những chi tiết dù là nhỏ nhất của tác phẩm. Có như vậy thì một tác phẩm nghệ thuật mới đẹp toàn diện, chiều lòng được kể cả những khách hàng khó tính.

Những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ được tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người thợ.

Những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ được tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người thợ.

Công việc của những người thợ “thổi hồn vào gỗ” tuy có vất vả, bụi bặm suốt ngày, nhưng bù lại thu nhập cũng rất xứng đáng. Công đục một bức tượng Di Lặc, cóc thiềm thừ (cóc 3 chân ngậm tiền) hay tiểu cảnh tùng, hạc… có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy vào kích thước cũng như độ tinh xảo, sắc nét theo yêu cầu của khách hàng. Tính ra nếu làm đều trong tháng, thu nhập của Hải, Diện cũng được trên dưới chục triệu đồng. Diện tâm sự: “Chế tác đồ gỗ cũng như viết văn, làm thơ. Để tạo ra những tác phẩm đẹp, có hồn đòi hỏi người thợ cần làm việc trong môi trường thoải mái, không bị ràng buộc về không gian và thời gian. Nếu tâm trạng bất an thì có khi cả ngày ngồi kỳ cạch cũng chẳng đục nổi bông hoa, mà có thành thì cũng chẳng ra gì”.

Giờ đây, khi công nghệ đục bằng máy tính phát triển, một bộ máy cùng lúc có thể tạo ra hàng chục bức tranh giống nhau như đúc, nhưng nhiều người vẫn tìm đến nhờ cậy vào đôi tay của những người thợ tài hoa, bởi chỉ có họ mới tạo ra sự khác biệt và những bức tranh mới có hồn. Hơn nữa, nhiều bức tranh khách yêu cầu phải đục sâu, kênh bong như thật, hoặc những pho tượng Di Lặc, tiểu cảnh tùng, hạc… thì không máy nào làm được. Đó là lý do mà Hải, Diện và nhiều người thợ thủ công khác vẫn đeo đuổi nghề “thổi hồn vào gỗ”. Cũng nhờ những người như Hải, Diện mà không gian phòng khách, phòng thờ của nhiều gia đình trở nên đẹp hơn, ấn tượng hơn.

Trung Nguyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/thoi-hon-vao-go-z5n20191120142020492.htm