Huyện biên giới ở Cao Bằng phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng
Huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng để thu hút, phát triển du lịch hiệu quả hơn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trùng Khánh là huyện biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng, có bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo, nhiều danh thắng nổi tiếng nên thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Hiện trên địa bàn huyện có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó, có 4 di tích quốc gia gồm: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (xã Đàm Thủy), địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978) (thị trấn Trùng Khánh) và Mắt Thần núi (xã Cao Chương).
Trùng Khánh nằm trọn trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái hấp dẫn.
Đặc biệt, bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Trùng Khánh được giữ gìn và phát huy, tiêu biểu như làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky (xã Đàm Thủy), các giá trị về văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Dá Hai, Sli Giang, Hà Lều, Phong Slư, hát Then, hát Lượn... Mỗi năm có nhiều lễ hội hấp dẫn được tổ chức để thu hút du khách như lễ hội thác Bản Giốc, đền Hoàng Lục, Co Sầu...
Theo ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh, địa phương có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng.
Huyện Trùng Khánh xác định, thời gian tới sẽ tập trung khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng, trong đó, đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thông qua du lịch cộng đồng, nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc được bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Huyện đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú với nhiều loại hình dịch vụ tiện ích, các mô hình homestay.
Huyện Trùng Khánh đang triển khai một làng du lịch cộng đồng ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, với 22 dịch vụ lưu trú homestay. Làng đá Khuổi Ky nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 80km. Những năm gần đây, ngôi làng cổ thu hút nhiều du khách nhờ nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa truyền thống.
Người dân địa phương đã tận dụng những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, được xây hoàn toàn bằng đá, lợp ngói âm dương truyền thống để làm homestay đón khách lưu trú. Năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống bà con tại đây được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, Trùng Khánh cũng đang xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương. Các xã, thị trấn đăng ký mỗi xã một sản phẩm OCOP, tập trung vào các sản phẩm: Gạo nếp ong, cam, quýt, vịt cỏ, tương, rượu nếp ong - hạt dẻ và các sản phẩm đan lát, các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Huyện duy trì các làn điệu hát Lượn, hát Then, Sli Giang, Dá Hai, Hà Lều...; thành lập các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thị trấn. Đến nay, huyện thành lập 67 câu lạc bộ dân ca với 1.349 thành viên, 7 đội văn nghệ quần chúng với 163 thành viên, 1 đội Dá Hai với 24 thành viên.
Huyện Trùng Khánh xác định sẽ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu đón 500.000 lượt khách du lịch. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, số lượt khách đã đạt 95% mục tiêu.