Thổi hồn vào gỗ
Những khúc gỗ thô tưởng chừng như vô tri nhưng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lại trở thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo mang đậm hồn Việt. Và mỗi độ xuân về, những người thợ, nghệ nhân ở TP. Đồng Xoài lại miệt mài sáng tạo, thổi hồn vào gỗ, tạo ra sản phẩm làm đẹp cho đời, mang tết ý nghĩa hơn đến với mọi nhà trong năm mới.
Bằng đôi bàn tay tài hoa, những người thợ ở TP. Đồng Xoài vẫn ngày ngày say mê chế tác, mang đến những tác phẩm gỗ điêu khắc độc đáo, giá trị, góp phần làm đẹp cho không gian ngày tết. Anh Trần Văn Xuân ở phường Tân Phú cho biết: Tôi đến với nghề điêu khắc gỗ đã hơn 6 năm. Với tôi, mỗi sản phẩm không chỉ là gỗ mà còn chứa đựng cả tâm hồn. Tôi luôn cố gắng sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm hơi thở của mùa xuân để các tác phẩm không chỉ đẹp mà còn mang lại sự may mắn, ấm áp cho mọi người dịp tết đến, xuân về.
Anh Đào Đình Năng ở phường Tân Bình cho hay: Tôi đã chuẩn bị kỹ về kỹ thuật cho đến ý tưởng. Chất liệu gỗ để làm sản phẩm tết phải là loại tốt, có độ bền và vân đẹp. Tôi còn kết hợp thêm yếu tố phong thủy để mang lại may mắn cho người sở hữu.
Mỗi sản phẩm chế tác đều được những người thợ, nghệ nhân chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ, từng đường nét đều toát lên hơi thở truyền thống độc đáo riêng. Mỗi sản phẩm không chỉ là câu chuyện mà còn mang theo ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Những hình tượng như: tượng phật, thần tài, phúc - lộc - thọ, hay các linh vật trong năm mới không chỉ tượng trưng cho sự sung túc, may mắn vào ngày tết mà còn thể hiện tinh hoa, nghệ thuật, linh hồn của tác phẩm. “Theo tôi, gỗ không chỉ là vật liệu bình thường mà còn chứa linh hồn của vẻ đẹp thiên nhiên và mình phải đánh thức linh hồn đó để tạo ra một tác phẩm đẹp, giá trị mang đến thị trường rộng rãi hơn. Đặc biệt trong dịp tết này, tôi muốn gửi gắm vào đó niềm vui và hy vọng một năm mới an khang, thịnh vượng” - anh Năng cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo, các nghệ nhân còn dành nhiều tâm huyết để truyền dạy nghề điêu khắc cho người đam mê. Đối với họ, việc giữ gìn phát triển nghệ thuật truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Anh Nguyễn Văn Khánh ở phường Tân Bình bày tỏ: Được học nghề điêu khắc gỗ là niềm vinh dự lớn với tôi. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn vì công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Nhưng nhờ sự tận tâm chỉ dạy nhiệt tình của anh Năng, tôi dần hiểu từng nét khắc, ý nghĩa trên mỗi sản phẩm. Nghề này không chỉ là công việc mà còn là nghệ thuật, là cách lưu giữ văn hóa. Nay tôi cũng đã thành nghề và đang cùng anh Năng hoàn thành tất cả sản phẩm để đưa vào phục vụ tốt nhất cho bà con dịp tết.
Với tài năng và tâm huyết, những người thợ, nghệ nhân đã và đang viết tiếp câu chuyện của nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Mỗi tác phẩm của họ tạo ra, không những làm đẹp cho đời mà còn là cầu nối, tô điểm cho không gian ngày tết.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168241/thoi-hon-vao-go