Nhớ quê

Ai cũng có một tuổi thơ gắn liền với miền quê thân thương. Nơi đó có ba mẹ, anh chị em sum vầy, ríu rít tiếng cười, đầy ắp niềm vui. Đi qua những ngày cuối năm, một người con xa xứ như tôi lại bồi hồi tìm về ký ức xưa.

 Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Quê tôi là vùng trung du nghèo khó, đồi núi trập trùng. Những thửa ruộng xanh mướt nơi chân đồi, nơi có dòng sông An Lão hiền hòa len lỏi giữa những bãi cát trắng, thấp thoáng nếp nhà lưa thưa, heo hút. Bắt đầu từ quốc lộ 1A ở thị trấn Bồng Sơn (thuộc huyện Hoài Nhơn, nay là thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), con đường đất đỏ hơn 20 km dẫn đến huyện An Lão.

Đó là con đường mà mùa nắng thì chỉ thấy xe chạy phía trước qua đám bụi đỏ quạch, mùa mưa thì vật lộn với lớp bùn dẻo quẹo bám trên lốp xe đạp, bám chặt vào đôi dép nhựa như không thể rời xa... Con đường uốn lượn theo bờ sông An Lão, có những lúc tưởng như mất hút, có khi lại rộng mở, in đậm trong tâm trí của người quê.

Hồi trước, tôi từng hỏi ba tôi rằng: Tại sao tên thôn là Hội Long. Ba tôi bảo: Cái tên này đã có từ rất xa xưa, mang ý nghĩa là nơi những con rồng hội tụ. Có lẽ vì thế mà được người dân chọn để lập làng. Với thế đất một bên núi, một bên sông, rất thuận lợi để an cư lạc nghiệp cho nên đến nay, thôn Hội Long vẫn giữ vị trí trung tâm của xã, là nơi có chợ, trường học, trạm y tế.

Quê tôi một thời ghi dấu sự lam lũ, tần tảo của bà con nông dân một nắng hai sương bám ruộng bám đồng nhưng vẫn không đủ để lo chuyện cơm áo cho gia đình. Người dân quê tôi làm đủ thứ nghề nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Hồi trước giải phóng, ba má tôi làm nghề thợ may. Khi hòa bình lập lại, các cụ bám vào ruộng đồng, trồng lúa và có thêm nghề đan lát. Những chiếc thúng, mủng, nong, nia, giần, sàng… qua đôi bàn tay khéo léo của ba tôi đã có mặt ở nhiều gia đình. Anh chị em tôi lớn lên, ăn học cũng từ đôi bàn tay khéo léo của ba và nỗi vất vả của má.

Trước nhà tôi, băng qua con đường lớn là xóm Soi với vài nóc nhà. Đất bồi ở xóm Soi rất tốt vì được cung cấp phù sa sau những ngày ngập lụt. Ở quê tôi thời đó, ngập lụt là một chuyện rất đỗi bình thường, mỗi năm có vài ba trận lụt. Nhà tôi ở phía núi, sau lưng là 2 quả đồi thấp, được người dân gọi là giông Đồn (ở phía tay phải) và giông Trực (ở phía tay trái).

Mỗi lần đi qua giữa 2 ngọn đồi này, tôi đều liên tưởng đến bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao: “Lối ta đi giữa hai sườn núi/Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi”. Vào mùa hè, nơi này hoa sim, hoa mua tím ngắt cả một vùng trời, làm dịu bớt đi cái nắng chói chang. Khi những quả sim mọng tím rung rinh trước gió cũng là lúc tụi nhỏ chúng tôi đội nón, len qua những gốc cây để hái.

Quê tôi ngày đó, cuộc sống tuy còn khó khăn, vất vả nhưng nhiều gia đình đã ý thức việc chăm lo sự học cho con em. Nhiều gia đình có con đậu đại học. Gia đình tôi cũng vậy. Thật may mắn khi 5 anh chị em tôi đều từng là sinh viên, giờ đều là công chức, viên chức nhà nước.

Ngày nay, con đường quê đất đỏ năm nào đã được thay thế bằng đường rải nhựa, những ngôi nhà ngói đỏ cao tầng thay thế cho mái nhà tranh vách đất. Nhưng người dân quê tôi vẫn chân chất, mộc mạc, vẫn ấm tình làng nghĩa xóm. Mỗi lần thăm quê là mỗi lần rưng rưng nước mắt. Ký ức như thước phim chiếu chậm trở về trong trái tim của người con xa xứ.

VÕ VĂN TÚ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nho-que-post308630.html