Thổi hồn vào gốc cà phê

Những tác phẩm mỹ nghệ được chế tác từ cây cà phê với nhiều sắc thái, câu chuyện đậm chất văn hóa truyền thống tại Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê năm 2023 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã để lại cho người dân và du khách những ấn tượng đẹp. Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã thổi hồn vào thớ gỗ, biến những gốc cây cà phê xù xì thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Nghệ nhân Y Ser Bkrông bên những bức tượng vừa chế tác. Ảnh: Quỳnh Anh

Nghệ nhân Y Ser Bkrông bên những bức tượng vừa chế tác. Ảnh: Quỳnh Anh

Những bàn tay tài hoa

Tham gia Hội thi chế tác, nhóm của nghệ nhân Y Ser Bkrông (sinh năm 1985) ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gồm 3 người tạo ra 6 tác phẩm tượng gỗ dân gian từ chất liệu gốc cà phê. Các tác phẩm gồm: “Lễ hội”, “Đi rẫy” và “Cô gái tắm”. Mỗi tác phẩm mang chủ đề khác nhau nhưng đều chất chứa câu chuyện văn hóa truyền thống, sinh hoạt đời thường của người Ê Đê.

Nghệ nhân trẻ Y Ser Bkrông cho biết: Các tác phẩm của nhóm mình tái hiện văn hóa, đời sống thật của người Ê Đê ngày xưa. Tác phẩm “Lễ hội” gồm 2 tượng là 2 người đàn ông uống rượu cần và người đàn ông múa khiên thể hiện không gian lễ hội. Ngày xưa mỗi khi có lễ hội là có diễn tấu cồng chiêng, chủ nhà đều phải mời các già làng, người có uy tín đến mừng lễ hội và phải có người đàn ông múa khiên, già làng, người uy tín uống rượu dưới cây nêu. Tác phẩm “Đi rẫy” gồm ông già vác xà gạc và người phụ nữ gùi nước, tái hiện cảnh ông già đi rẫy đợi người vợ đi lấy nước. Tác phẩm “Cô gái tắm” kể về một cảnh sinh hoạt ngày xưa, bà con trong buôn ra suối tắm. Cô gái thường tìm chỗ kín đáo để tắm, nhưng ở suối thường có nhiều cây cối nên vẫn có con khỉ và cú mèo trong rừng nhìn trộm.

Sinh ra và lớn lên ở buôn làng, Nghệ nhân Ưu tú Y Nay Ksơr ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo lại mang câu chuyện lễ bỏ mả của đồng bào Gia Rai tái hiện qua tác phẩm “Lễ bỏ mả người Gia Rai”.

Nghệ nhân Y Nay bảo: Văn hóa của đồng bào Gia Rai phong phú lắm, nơi mình sống, bà con còn giữ được nét đẹp truyền thống. Từ nhỏ, mình có máu văn hóa trong người, mình biết đánh chiêng khi mới 10 tuổi, biết chế tác nhạc cụ từ khi còn thanh niên, do ông mình truyền dạy. Bây giờ, mình không chỉ biết đánh chiêng, sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc, mà còn biết chế tác các loại nhạc cụ đó. Riêng đối với chế tác tượng gỗ dân gian, không ai dạy mà mình tự mày mò, tự học hỏi. Từ thực tế cuộc sống, bà con buôn làng tổ chức các lễ bỏ mả, người già trong làng làm tượng để ở nhà mồ. Mỗi lần có lễ, mình quan sát rất kỹ để học theo và mình biết chế tác tượng cũng nhiều năm rồi.

Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, người chết về với rừng, khi làm lễ bỏ mả sẽ đặt 4 bức tượng này vào 4 góc nhà mồ tượng trưng 4 hướng. Bức tượng bỏ mả có hình các con vật trong rừng, búp măng và khuôn mặt người tượng hình của người quá cố.

Phát huy giá trị văn hóa

Đây là lần thứ 3 hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Nếu như 2 lần trước, các nghệ nhân chế tác trên các loại gỗ muồng, keo thì năm nay, chất liệu để nghệ nhân tạo nên tác phẩm mỹ nghệ là từ những gốc cà phê già. Năm nay, Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê với chủ đề “Văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên, con người Tây Nguyên” thu hút 53 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.

Sau 3 ngày, các nghệ nhân đã hoàn thành 48 tác phẩm mỹ nghệ khắc họa đậm chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên. Mỗi tác phẩm mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều được chế tác hoàn toàn thủ công và được tạo hình bởi ý tưởng và bằng đôi tay tài hoa của nghệ nhân.

Theo đánh giá của ban tổ chức hội thi, các nghệ nhân đã thể hiện được tài năng, sức sáng tạo, có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, ngoài việc đạt được các yêu cầu, tiêu chí của hội thi, nhiều nghệ nhân với sự chuyên nghiệp của mình đã làm nên nhiều tác phẩm mới lạ, mang tính thẩm mỹ cao. Các tác phẩm hoàn thiện sẽ được trưng bày giới thiệu đến nhân dân và du khách.

Theo ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, hội thi là dịp để các nghệ nhân có dịp thể hiện niềm đam mê, sáng tạo trong nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê. Qua đó, phát huy giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị cây cà phê, giúp người nông dân có thêm thu nhập sau khi phá bỏ cây cà phê già cỗi.

Có thể khẳng định rằng, hội thi lần này rất sôi nổi, lan tỏa được tinh thần tích cực, ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân. Đồng thời, tạo hiệu ứng tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên.

Quỳnh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thoi-hon-vao-goc-ca-phe-post459792.html