Thổi ngọn lửa gìn giữ văn hóa làng

Tam Nông vốn được biết đến với những lễ hội truyền thống nổi tiếng và nét văn hóa độc đáo lâu đời, trong đó không thể không nhắc đến diễn xướng dân gian đặc sắc 'Bách nghệ trình làng' ở xã Dị Nậu.

Trình diễn diễn xướng dân gian “Bách nghệ trình làng” tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông. (Ảnh tư liệu)

“Bách nghệ trình làng” hay còn gọi “Bách gia chi nghiệp” là trò diễn xướng đặc sắc, đại diện cho nét đặc thù xã hội của xã Dị Nậu có từ thời Hùng Vương. “Bách nghệ trình làng” với ý nghĩa giới thiệu về nghề đặc trưng, phản ánh xã hội, tập quán sản xuất, đời sống sinh hoạt của người Dị Nậu xưa, được trình diễn trong lễ hội đầu Xuân, tái hiện được bức tranh cuộc sống của người dân qua các tiểu phẩm diễn xướng mang tính chất u mua (hài hước) gợi ra các các nghề đặc trưng: Sĩ, nông, công, thương của tổng Dị Nậu xưa. Đây đều là những nghề đã gắn bó bao đời với người dân, trở thành nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của mỗi người con sinh ra trên đất Dị Nậu. Trải qua thăng trầm của lịch sử, trò “Bách nghệ trình làng” tưởng chừng như đã bị mai một, năm 2016, “Bách nghệ trình làng” được khôi phục lại bởi sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và bởi tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ gìn “hồn cốt” của những người con sinh ra trên chính mảnh đất ấy.

Ông Tạ Đình Hạp (người thứ 2 từ phải sang) cùng thành viên trong Hội Người cao tuổi của xã ôn lại truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa quê hương.

Là người sưu tầm, khởi xướng phục dựng lại tích trò diễn xướng của quê hương, nhà giáo Tạ Đình Hạp không khỏi vui mừng khi tích trò “Bách nghệ trình làng” được trình diễn trước sau nhiều năm bị lãng quên: Trước kia, diễn xướng “Bách nghệ trình làng” được người dân Dị Nậu tổ chức vào ngày mồng Bốn tháng Giêng âm lịch, trong tiến trình lịch sử lễ hội dân gian và trò diễn “Bách nghệ trình làng” bị thất truyền trong thời gian khá dài (từ năm 1949 đến 2013). Để phục dựng lại lễ hội truyền thống và đặc biệt là diễn xướng dân gian này, tôi đã nghiên cứu sưu tầm, tập hợp những tài liệu để phục dựng lại vào năm 2014. Do từng bị mai một trong thời gian dài nên nhiều nội dung tư liệu bị đứt gãy, đặc biệt là các bậc cao niên trong làng đều đã tuổi cao, sức khỏe và trí lực không còn được như xưa. Song với sự nỗ lực và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và đông đảo bà con nhân dân, vào năm 2016, tích trò đã được hồi sinh trong sự vui mừng, xúc động của dân làng Dị Nậu. Đây không phải là công sức của riêng tôi mà là công sức của cả cộng đồng, làng xã để giữ gìn “hồn cốt của làng”.

Khác với các diễn xướng dân gian khác, “Bách nghệ trình làng” đề cao lao động, thành quả sản xuất. Các diễn viên tuy là những người dân một nắng hai sương quanh năm gắn với ruộng đồng nhưng trên “sân khấu” lại trở thành những diễn viên xuất chúng mang đến tiếng cười, niềm háo hức cho người xem. Ông Tạ Đình Trực ở khu 4 cho biết: Vài năm gần đây do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức lễ hội bị hạn chế, tuy nhiên tôi và các anh chị em trong đội văn nghệ diễn xướng vẫn tổ chức các buổi giao lưu, ôn lại các bài diễn; thường xuyên truyền dạy các điệu hát, múa và căn dặn con cháu về những nét đẹp trong văn hóa làng xã để bồi đắp thêm niềm tự hào, truyền thống của làng cũng như nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của quê hương cho thế hệ sau.

Văn hóa làng được thể hiện rõ qua các tập quán sản xuất truyền thống, quy ước, hương ước, giọng điệu, thổ ngữ riêng tái hiện qua từng tiểu phẩm diễn xướng. Các dụng cụ dùng trong biểu diễn cũng là những vật dụng quen thuộc được biến tấu như: Chiếc bừa cũ, chiếc cuốc mòn, chiếc giỏ đựng cá hỏng hay chiếc nẳng đựng nhựa sơn thủng đáy... nhằm gợi ra những hình ảnh nói lên truyền thống lao động cần cù, chất phác, lạc quan trước mọi hoàn cảnh của người dân Dị Nậu.

Trong guồng quay nhịp sống hiện đại nhiều giá trị có thể bị thay thế, song với những tấm lòng trọn vẹn với nét đẹp truyền thống quê hương, tin chắc với ngọn lửa tình yêu văn hóa làng xã sẽ mãi được giữ gìn, vun đắp ở Dị Nậu.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202202/thoi-ngon-lua-gin-giu-van-hoa-lang-182746