Thói quen bẻ đốt ngón tay gây hại sức khỏe?

Hầu hết các bậc phụ huynh đều cảnh báo con cái của họ không nên bẻ các đốt ngón tay, với lí do thói quen này sẽ khiến bàn tay của chúng trở nên thô xấu và đau nhức khi về già. Thực tế có đúng như vậy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một cậu bé hoài nghi lời cảnh báo của mẹ về thói quen bẻ đốt ngón tay đã tiến hành một thí nghiệm trên chính bản thân mình để tìm ra sự thật. Donald Unger, đến từ California, Mỹ, bắt đầu bẻ các đốt ngón tay trên bàn tay trái của mình ít nhất 2 lần/ngày, nhưng không hề đụng tới các đốt ngón tay của bàn tay phải nhằm so sánh chúng với nhau.

Sau gần 60 năm thí nghiệm, Unger đã không phát triển chứng viêm khớp, nên tuyên bố mẹ mình đã sai khi đưa ra lời cảnh báo. "Tôi nhìn các ngón tay của mình và ở cả 2 bàn tay đều không có bất kỳ dấu hiệu nhỏ nhất nào về chứng viêm khớp", Unger, hiện đã là một người đàn ông trung niên, nói trên tờ LA Times sau khi cho đăng tải phát hiện của mình trên tạp chí Arthritis and Rheumatism.

Tuy nhiên, dù không có nghiên cứu nào tìm thấy mối liên hệ giữa hành động bẻ các đốt ngón tay với chứng viêm khớp, nhưng thói quen này có thể không hoàn toàn vô hại. Các nhà nghiên cứu khám phá thấy rằng, nó có thể liên quan đến những tổn thương dây chằng và mô mềm.

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Annals of Rheumatic Diseases đã quy thói quen bẻ các đốt ngón tay với tình trạng sưng phồng bàn tay và lực bóp tay yếu hơn. Họ kết luận, nó sẽ dẫn tới việc "làm suy yếu bàn tay".

Các tác giả nghiên cứu cũng phát hiện, hành động bẻ khớp ngón tay dường như gắn liền với lao động chân tay, thói quen cắn móng tay, hút thuốc và uống rượu, bia.

Y học cũng ghi nhận các tai nạn trong quá trình bẻ đốt ngón tay. Theo một bài báo đăng tải trên tạp chí American Journal of Orthopaedics, thao tác và lực cần thiết để tạo ra tiếng động nghe rõ ở đốt ngón tay được bẻ có thể dẫn tới các chấn thương nghiêm trọng.

Sammy Margo, một chuyên gia vật lý trị liệu, cho biết: "Hiện chúng ta vẫn chưa thu được bằng chứng khẳng định, bẻ các khớp có thể gây bệnh viêm khớp. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì có quá nhiều bậc cha mẹ muốn nhờ cậy chúng tôi nói với con cái họ từ bỏ thói quen bẻ đốt ngón tay. Thói quen này không là điều đáng ngại đối với các chuyên gia vật lí trị liệu, trừ khi nó gắn với cảm giác đau hoặc sự sưng phồng".

Theo bà Margo, nhiều khớp tạo ra tiếng động và các khớp đầu gối thuộc loại phổ biến nhất. Dẫu vậy, mọi người cần phải đi khám bác sĩ ngay nếu các tiếng bẻ khớp "không khỏe" đi kèm với cơn đau hoặc tình trạng sưng, do đây có thể là dấu hiệu tổn thương hoặc mòn, đứt sụn, xương va chạm xương hoặc bệnh viêm khớp xương mãn tính.

Hiệp hội nghiên cứu chứng viêm khớp Anh thống kê có 2 loại viêm khớp khác nhau và rất khó để nêu ra các nguyên nhân gây bệnh. Tổ chức này nói, các dạng viêm khớp phổ biến nhất lây lan trong gia đình ở phạm vi hẹp. Đôi khi, chấn thương, việc tiêm thuốc hoặc phản ứng dị ứng có thể gây ra bệnh.

Các yếu tố lối sống khác, kể cả công việc đòi hỏi thể chất, đặc biệt nếu nó liên quan đến hành động mang vác nặng, lặp đi lặp lại, có thể làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng viêm khớp. Một số thực phẩm dường như khiến chứng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn, dù chế độ ăn hoặc sự không dung nạp thực phẩm ít có khả năng trực tiếp gây ra căn bệnh này.

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/thoi-quen-be-dot-ngon-tay-gay-hai-suc-khoe/20210130115309818