Thói quen nhiều người mắc có thể tăng nguy cơ ung thư

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh có thể gây rối loạn hệ thống sinh học, gián đoạn sinh học và ức chế melatonin, làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Ánh sáng xanh vào ban đêm có thể ngăn chặn sự tiết melatonin và thay đổi nhịp sinh học nhiều hơn so với ánh sáng trắng. Ảnh minh họa.

Ánh sáng xanh vào ban đêm có thể ngăn chặn sự tiết melatonin và thay đổi nhịp sinh học nhiều hơn so với ánh sáng trắng. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam dẫn chứng, trước đây, các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có thể làm giảm lượng hormone melatonin, làm gián đoạn nhịp sinh học chi phối cơn buồn ngủ và sự tỉnh táo.

Đây cũng là hormone được xem là có đặc tính chống ung thư và do đó sự thiếu hụt hormone này sẽ dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.

Chuyên gia này giải thích, ánh sáng chói vào buổi tối, đặc biệt là ánh sáng xanh, có khả năng gây rối loạn nghiêm trọng đối với hệ thống sinh học, gây gián đoạn sinh học và ức chế melatonin. Điều này làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẩy nhanh sự phát triển của khối u.

Điều thực sự ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học nằm ở bước sóng ánh sáng xanh trong khoảng 440–495 nanomet (nm), giống với ánh sáng ban ngày tự nhiên.

Cơ thể chúng ta nhạy cảm với ánh sáng xanh có bước sóng 440–495 nm hơn 25 lần so với ánh sáng trắng.

Ánh sáng xanh vào ban đêm có thể ngăn chặn sự tiết melatonin và thay đổi nhịp sinh học nhiều hơn so với ánh sáng trắng. Ngoài việc làm gián đoạn bài tiết hormone, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh còn có thể làm xáo trộn thời gian và chất lượng giấc ngủ. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như trầm cảm và tiểu đường.

Ánh sáng chói vào buổi tối, đặc biệt là ánh sáng xanh, có khả năng gây rối loạn nghiêm trọng đối với hệ thống sinh học. Ảnh minh họa.

Ánh sáng chói vào buổi tối, đặc biệt là ánh sáng xanh, có khả năng gây rối loạn nghiêm trọng đối với hệ thống sinh học. Ảnh minh họa.

Mặc dù nhiều loại đèn ngày nay có xu hướng giàu ánh sáng xanh, nhưng vẫn có nhiều cách để bảo vệ chúng ta khỏi những tác động tiềm ẩn.

Bác sĩ Hoài Thu khuyến cáo, mọi người có thể chọn đèn không có màu xanh vào buổi tối, ngủ trong phòng tối.

Đặc biệt, nên hạn chế tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính quá nhiều trước khi đi ngủ. Việc mua rèm cản sáng hoặc rèm che có thể giúp hỗ trợ mọi người có một giấc ngủ ngon chất lượng hơn.

"Mặc dù bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh và nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao ở một số nghiên cứu, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu mức độ của mối liên hệ này", bác sĩ Thu cho biết.

Theo chuyên gia này, các yếu tố như tính nhạy cảm do di truyền của từng cá nhân, thời gian tiếp xúc và các yếu tố lối sống khác cũng góp phần vào mối tương tác phức tạp giữa việc tiếp xúc với ánh sáng và sự phát triển ung thư.

Do đó, mọi người cần duy trì một lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của bản thân.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-quen-nhieu-nguoi-mac-co-the-tang-nguy-co-ung-thu-post678717.html