Thói quen nói tục của không ít cha mẹ làm gương xấu cho con

Mẹ Hùng xô ra và trừng mắt quát: 'Tại sao đi học mà mày chửi cả thầy cô! Đ…m… mày chớ! Nói không bao giờ nghe cả'.

Đang đi trên sân trường, bất ngờ một đám học trò lớp tôi chạy tới, em nào cũng tranh nhau nói với cô. “Từ từ thôi! Từng bạn một bạn nói cô mới hiểu được”, tôi vội lên tiếng để dẹp đi những âm thanh đang quá ồn ào của đám trẻ”.

Cô bé Mai Lan, lớp trưởng lên tiếng trước: “Cô ơi! Hôm nay, bạn Hùng lại bị ghi tên vào sổ trực vì tội nói tục, chửi bậy. Tuần này, bạn Hùng bị ghi tên nhiều lần lắm rồi ạ”.

Dứt lời, cậu bé Gia Huy tiếp lời: “Hùng còn chửi đ…m… con nữa”. Và cứ tiếp, cứ tiếp hàng chục đứa trẻ thi nhau mách cô bị bạn Hùng chửi bậy.

Trấn an bọn trẻ để các em về lớp, tôi không bất ngờ vì những điều bọn trẻ vừa nói. Bởi chuyện này đã xảy ra nhiều lần, thậm chí nhiều năm. Theo cô giáo chủ nhiệm lớp trước, nói tục, chửi thề với Hùng là chuyện bình thường.

 Ảnh minh họa: Ngọc Trâm

Ảnh minh họa: Ngọc Trâm

Những ngôn từ ấy thường được em này thốt ra. Giáo viên cũng đã tìm mọi biện pháp để giáo dục, từ nhẹ nhàng nhắc nhở đến nghiêm khắc răn đe nhưng cũng chỉ được ít ngày thì đâu lại vào đấy.

Đầu năm nhận lớp, tôi cũng được giáo viên chủ nhiệm cũ trao đổi về Hùng. Tôi cũng đã gặp riêng em nhiều lần, mời cả ba, mẹ em lên trường nói chuyện nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn. Cuốn sổ trực của các bạn sao đỏ mỗi ngày đều dài thêm những dòng ghi chú: “Hùng, lớp 3A nói tục, chửi thề”.

Đã không ít lần bực quá, tôi đã la mắng em trước lớp. Không nói gì, em chỉ cúi gằm mặt xuống bàn, có lần lại dùng ánh mắt nhìn trừng trừng vào tôi như thách thức.

Cũng có lần, tôi phạt em đứng trước lớp để hứa, viết hàng chục tờ biên bản cam kết và nhiều lần tôi đưa thẳng em lên phòng Đội nhờ giáo viên tổng phụ trách răn đe. Tuy thế, tình trạng chửi tục của em vẫn không hề thuyên giảm.

Ngỡ ngàng

Tôi bước vội vào phòng hội đồng, đầu đang miên man suy nghĩ làm cách nào để cậu bé không còn nói tục, chửi thề nữa? Lẽ nào lại bất lực với đứa trẻ mới vào lớp 3?

Vừa ngồi chưa ấm chỗ, cô giáo Mai Trúc bước vào nói: “Học trò lớp chị, chửi đ…m… em nữa đó. Em phải dằn lại làm ngơ như không nghe thấy để dạy cho hết giờ". Dù chưa kịp hỏi tên nhưng tôi đã đoán chắc: “Lại cậu Hùng ngồi bàn đầu phải không em?”.

Chửi tục với cả thầy cô thì không còn là chuyện nhỏ. Tôi quyết định buổi chiều sau khi dạy về đến thẳng nhà em, gặp trực tiếp ba mẹ em trao đổi để tìm biện pháp giáo dục tích cực.

Hỏi thăm loanh quanh thì tôi cũng đến được nhà em. Đó là căn nhà nhỏ nằm ngay cuối khu làng chài ven biển. Cũng thật không may là gia đình em đang có tiệc nhậu. Mà ở khu làng này, ngày nào không có tiệc nhậu mới là ngày bất thường. Ngư dân đi biển sáng đi tối về, lại sẵn mồi tươi nên nhậu nhẹt đã trở thành chuyện quá ư quen thuộc.

Thấy tôi, ba em đang ngồi nhậu cùng bạn ngoài bậc cửa, gọi vọng vào nhà: “Em ơi! Cô thằng Hùng đến nè!”, rồi quay lại nói với tôi: “Cô vào nhà! Mẹ nó ở trong đó” rồi quay qua vui cùng các bạn.

Ngồi cùng mẹ Hùng ở phòng khách, tiếng dô…dô, tiếng chúc tụng, cười nói của mấy người đàn ông nhậu bên ngoài vẫn cứ vang lên át cả tiếng nói chuyện của chúng tôi. Điều bất ngờ là trước một câu nói, lại có thêm tiếng đệm đ…m... nghe chói tai vô cùng.

Tự nhiên tôi không muốn nói về lý do mình đến thăm nhà vì có tác dụng gì khi chính ba của em và những người bạn vẫn đang vô tư, hồn nhiên nói. Đắn đo, lưỡng lự một hồi rồi…cuối cùng tôi cũng nói ra.

Vừa nghe xong, mẹ cậu bé gọi lớn vào trong: “Hùng! Ra đây tao bảo!”. Nghe thế, Hùng đi ra, lấm lét nhìn tôi rồi nép sau lưng mẹ. Mẹ Hùng xô ra và trừng mắt quát: “Tại sao đi học mà mày chửi cả thầy cô! Đ…m… mày chớ! Nói không bao giờ nghe cả”.

Nghe vợ lớn tiếng, người cha chạy vào cười xởi lởi với tôi: “Cô giáo thông cảm! Để gia đình nhắc nhở cháu!” Nói rồi, người cha buông luôn câu: “ Đ…m…con với chả cái. Đi học toàn bị mắng vốn”.

Như chợt nhận ra điều gì, người cha quay qua nhìn tôi cười ngượng” “Cô giáo đừng cười! Tụi tui dân biển, ăn sóng nói gió nó quen rồi”.

Thấu hiểu và cảm thông

Tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Hiểu vì sao khi tôi nói chuyện, phân tích phải trái chuyện không nên nói tục, chửi thề thì em luôn nghe và hứa sẽ sữa chữa. Nhưng rồi chỉ được vài ba ngày, em lại quên mất. Có lần, vừa buộc miệng nói ra, em vội vàng xin lỗi bạn.

Bước chân ra khỏi nhà em, tôi gặp lại một đồng nghiệp cũ nhà gần đấy. Sau khi nghe câu chuyện của tôi, vị đồng nghiệp cho biết: “Nhiều người ở trong xóm, nói tục thành quen. Từ chửi thề đã trở thành tiếng đệm, quen đến mức người ta không còn nghĩ đó là lời nói tục nữa. Vì thế, đám trẻ ở khu làng chài này, phần đông đều như thế. Đi học ở đâu, thầy cô cũng khổ với chúng”.

Tôi không còn thấy bực tức như trước đó mà cảm thấy thương Hùng nhiều hơn. Em sống trong môi trường mà xung quanh từ hàng xóm, người thân đến cha mẹ vẫn thường hay nói tục, chửi thề thì sao em không bị nhiễm cho được. Ở độ tuổi em, bắt chước người lớn làm theo là phần nhiều, đôi khi còn chưa hiểu được đó là những từ cấm kỵ, không nên nói.

Mưa dầm thấm lâu

Kể từ chuyến đến thăm nhà em hôm ấy, tôi không còn quá khó chịu hay lớn tiếng chỉ trích em như trước nữa. Bởi tôi hiểu, sống trong một môi trường như thế, em cũng dễ bị cuốn theo. Tuổi nhỏ thì thấy ai làm gì cũng thường bắt chước làm, lâu dần không ai sửa, nhắc nhở thì thành quen. Hơn nữa, ba mẹ cũng nói thì sao có thể mắng con?

Tôi đã đổi cách giáo dục, gần gũi, nhẹ nhàng với em hơn. Lên trường, mỗi khi có thời gian rảnh, tôi thường gọi em ngồi nói chuyện. Tôi thường khen một số học sinh ngoan, gương mẫu trong lớp.

Rồi tôi hỏi em: “Con có muốn được cô khen như các bạn không?”. Em lí nhí đáp: "Có cô ạ!". “Em học tốt, năng nổ trong học tập. Chỉ có điều Hùng còn một chuyện làm cô chưa hài lòng. Nếu khắc phục được chuyện này, Hùng sẽ giống các bạn thôi”.

Mắt cậu bé sáng lên: “Là chuyện gì hả cô?”. “Là Hùng hay nói tục, chửi bậy á. Em xem trong lớp mình có bạn nào hay nói như em không? Nói như thế là xấu lắm. Từ nay, em đừng làm thế được không?”. “Dạ. Vâng ạ! Em sẽ không nói nữa”, Hùng cười đáp.

Sau những lần trò chuyện như vậy, việc nói tục, chửi thề của Hùng vẫn còn nhưng tần suất ngày một thưa dần. Điển hình là sổ sao đỏ trước đây thường ghi dày tên em thì giờ đã vơi bớt khá nhiều. Học sinh trong lớp cũng chỉ thi thoảng thưa gửi, không như trước đây ngày nào cũng thi nhau kể tội bạn với cô.

Cứ mỗi lần, Hùng tái phạm, tôi nhắc lại lời hứa của em: "Em đã hứa với cô thế nào?", "Là không bao giờ em chửi tục nữa", Hùng đáp. "Vậy mà lần này vẫn vi phạm, em lỡ lời với bạn đúng không? Em xin lỗi bạn đi và từ sau đừng vi phạm nữa. Thầy cô nào cũng yêu quý học sinh ngoan. Bạn bè nào cũng muốn chơi với các bạn ngoan”.

Cứ thế, tôi luôn kiên trì, nhẫn nại giáo dục bằng kỷ luật mềm. Đồng thời, tôi cũng gặp gỡ phụ huynh thêm một lần nữa để mong sự hợp tác. Sau khi nghe tôi nói, ba Hùng cũng nói, mình sẽ hạn chế và cố gắng không nói tục trước mặt con.

Kể từ những lần đó, Hùng đã tiến bộ hẳn. Cuối năm, ngoài thành tích học sinh giỏi, em còn được tặng giấy khen cháu ngoan Bác Hồ.

Câu chuyện xảy ra đã nhiều năm nhưng mỗi khi nhớ lại vẫn là bài học kinh nghiệm để bản thân áp dụng vào giáo dục học sinh bây giờ.

Điều quý báu tôi nhận ra, có những học sinh la mắng, dùng hình phạt nghiêm khắc càng không nghe lời. Những lời phân tích nhẹ nhàng, những lời động viên hay sự khuyến khích kịp thời sẽ giúp các em mau tiến bộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Huyền Phan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thoi-quen-noi-tuc-cua-khong-it-cha-me-lam-guong-xau-cho-con-post247933.gd