Thói quen thay ốp lưng liên tục: Điện thoại xinh xỉu nhưng 'toang' môi trường
Ốp lưng không chỉ bảo vệ điện thoại mà còn là một 'chiếc áo' giúp tăng tính thẩm mỹ cho 'dế yêu'. Nhưng khi những chiếc ốp lưng cũ hoặc không còn hợp thời - bị người dùng vứt bỏ sẽ lại trở thành rác thải nhựa và để lại tác động không nhỏ với môi trường.
Với nhiều người trẻ, ốp lưng điện thoại không chỉ là một phụ kiện bảo vệ thiết bị mà còn là phụ kiện thể hiện cá tính, sở thích và cả… tâm trạng hôm đó. Thay ốp lưng theo mùa, theo trang phục hay theo xu hướng đã trở thành một thói quen phổ biến trong cộng đồng người trẻ. Thế nhưng, phía sau những chiếc ốp lưng xinh xắn ấy lại là một vấn đề mà ít ai để ý: Rác thải nhựa từ phụ kiện công nghệ.
“Thay áo” như một thói quen
Bạn Đinh Phước Toàn (19 tuổi) có thói quen thay đổi khi ốp bị ố vàng hoặc kiểu dáng không còn thuận tiện để sử dụng. Bạn ưu tiên lựa chọn các loại ốp lưng bằng nhựa dẻo vì mềm mại, tiện lợi và không để lại dấu tay như các loại nhựa cứng hay ốp lưng mặt tráng gương.

Bạn Phước Toàn. (Ảnh: NVCC)
“Ngày trước, cũng có đôi lúc mình đặt mua ốp lưng vì ngẫu hứng hay vì sở thích cá nhân. Bản thân mình còn có cả một “bộ sưu tập” ốp lưng điện thoại ở nhà”, Toàn chia sẻ.

"Bộ sưu tập" ốp lưng của Phước Toàn. (Ảnh: NVCC)
Không chỉ riêng Toàn, việc “thay áo” cho điện thoại cũng là việc mà bạn Nguyễn Hải Dương (20 tuổi) thường làm. Khoảng từ 3 đến 4 tháng Dương sẽ thay ốp lưng ít nhất một lần hoặc khi ốp dần cũ. Bạn thường chọn các ốp lưng được làm từ silicone với đa dạng kiểu dáng, màu sắc, họa tiết.

Bạn Hải Dương (bên trái ảnh). (Ảnh: NVCC)
“Ngoài việc đổi mới lại ốp lưng khi ốp đang dùng đã cũ, mình cũng hay mua ốp lưng vì thấy nhiều mẫu đẹp mắt và giá thành rẻ. Các loại ốp lưng của mình đều có tầm giá từ khoảng 50 nghìn đồng trở lại và có thể mua ở bất kỳ đâu”, Dương chia sẻ.
Nguy cơ tăng "rác thải" từ thời trang
Nhìn vào thực tế, các loại ốp lưng điện thoại thường được làm từ tổng hợp như silicone/TPU, nhựa cứng, nhựa trong… cùng các chất phụ gia (chất ổn định, chất tạo màu, chất chống cháy,...) để tạo màu sắc và thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi dần trở nên cũ kĩ, có dấu hiệu hư hỏng hay thậm chí là “lỗi mốt” thì những “chiếc áo” này sẽ bị vứt bỏ và trở thành rác thải có hại với môi trường.
ThS. Nguyễn Thảo Nguyên (Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Quá trình thải bỏ ốp lưng điện thoại không đúng cách sẽ khiến lượng rác thải nhựa cộng dồn theo thời gian. Các sản phẩm này còn dễ bị phân mảnh cơ học hoặc phân hủy một phần dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ và môi trường, tạo ra các hạt vi nhựa và mảnh vụn nhựa thứ cấp. Riêng với hạt vi nhựa, chúng không chỉ khó phân hủy mà còn có thể mang theo hoặc giải phóng các kim loại nặng và hợp chất vô cơ từ phụ gia, gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái".

Một chiếc ốp lưng cũ bị vứt bỏ bên đường. Ảnh: Fanpage Lại Đây Refill Station
Việc sản xuất ốp lưng cũng đã có những hoạt động gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính. Các sản phẩm đều được sản xuất từ dầu mỏ và cần phải được khai thác, chế biến để tạo ra . Đồng thời, trong các khâu vận chuyển, gia công thành phẩm cũng phần nào sản sinh khí gây ô nhiễm.
Theo cô Nguyên, tỷ lệ phát thải trên mỗi sản phẩm sẽ tăng nếu như ốp lưng chỉ có một “vòng đời” ngắn ngủi bởi thói quen tiêu dùng hiện tại, trong bối cảnh chưa có cơ chế phân loại, thu hồi hoặc tái chế cho loại rác thải phụ kiện điện tử này.
Để ốp lưng cũ có cuộc đời mới
Để hạn chế nguy cơ rác thải nhựa từ những sản phẩm thời trang, nhiều bạn trẻ đã chọn cách sáng tạo lại hoặc kéo dài tuổi thọ cho ốp cũ thay vì vứt bỏ.
Phước Toàn thường “hồi sinh” những chiếc ốp bằng cách vẽ tay lên mặt nhựa, sử dụng màu acrylic để tạo ra các mẫu thiết kế mới, mang cá tính riêng. “Mình xem đó như một cách để giảm lãng phí và cũng vui hơn khi được tự tay làm cho chiếc ốp trở nên đặc biệt.”
Còn Hải Dương thì vệ sinh lại ốp cũ và giữ gìn cẩn thận để tái sử dụng khi cần hoặc mang quyên góp khi có chương trình phù hợp. Bạn cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc chọn ốp từ chất liệu thân thiện hơn với môi trường. “Tác động môi trường từ ốp lưng hoàn toàn có thể giảm nếu chúng ta tiêu dùng hợp lý. Có thể chọn loại dễ phân hủy, hoặc đơn giản là dùng lâu hơn.” - Dương chia sẻ.

Hải Dương giữ lại những chiếc ốp lưng cũ để có thể sử dụng vào các mục đích khác. (Ảnh: NVCC)
Cô Thảo Nguyên mong muốn các bạn trẻ cũng cần quan tâm đến hơn nữa trong cuộc sống của mình. Bằng những hành động nhỏ như tái chế ốp lưng cũ, giảm thiểu mua sắm hay lớn hơn chính là những dự án, chuỗi truyền thông mang tính giáo dục cộng đồng, tất cả đều giúp chiếc ốp lưng không đơn thuần là vật dụng bảo vệ điện thoại, mà còn là biểu tượng cho lối sống xanh và tiêu dùng bền vững trong thời đại mới.
