Thời thiếu niên trăn trở về chứng 'nghiện mềm' của chuyên gia Mỹ

Lớn lên giữa thành phố công nghiệp Flint, Tiểu bang Michigan, lúc nào tôi cũng chỉ thèm khát được ngập trong đống snack và đồ ăn nhanh. Bất luận tôi đã ăn gì và làm gì, mọi thứ dường như là không đủ, sự thèm khát vẫn cứ dai dẳng.

Lớn lên giữa thành phố công nghiệp Flint, Tiểu bang Michigan, lúc nào tôi cũng chỉ thèm khát được ngập trong đống snack và đồ ăn nhanh. Bất luận tôi đã ăn gì và làm gì, mọi thứ dường như là không đủ, sự thèm khát vẫn cứ dai dẳng. Tôi đã luôn cảm thấy rằng cuộc đời mình đang thiếu đi cái gì đó. Vào lúc ấy, tôi không biết rằng trong lòng mình hóa ra có một khoảng trống tâm thức đang cần được lấp đầy.

Khi còn bé, tôi đã có cảm giác hình như có gì đó thiếu thiếu, có cái gì đó sai sai, nhưng tôi không mô tả được. Đó là sự thiếu vắng một điều gì đó, không chỉ bên trong tôi, mà còn cả thế giới xung quanh tôi.

Mọi người có vẻ không mấy hạnh phúc và không thực sự sống. Họ có nơi ở, nhưng không gọi là nhà, họ bận rộn nhưng không say mê. Ngay cả khi họ giải trí, họ cũng chẳng thực sự vui. Họ nói chuyện nhưng không tạo ra kết nối. Đó là một cuộc sống thật trống rỗng, được lấp đầy bởi những hoạt động thiếu sự gắn kết - những hoạt động thiếu đi phần hồn, thay vào đó là những khoảng trống hờ hững và những khuôn mặt hờ hững.

Mọi thứ thật mông lung, như thể ai nấy đều ẩn mình trong một lớp vải bông. Đôi lúc tôi hoài nghi rằng có khi chính mình mới là kẻ điên giữa thế giới bình thường. Nhưng sâu bên trong, tôi biết chắc rằng đang thiếu đi một điều gì đó trong cách mà người ta đang sống. Khi ấy, tôi không thể luận giải được cuộc sống như thế nào mới là đúng, vậy nên tôi tiếp tục đắm chìm với những cơn nghiện mềm - ăn uống quá độ, dán mắt vào TV, cắn móng tay và vùi đầu vào việc học.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Depositphotos.

Ảnh minh họa. Nguồn: Depositphotos.

Thiếu những tấm gương

Thời đó xung quanh tôi không có những tấm gương đang được sống cuộc đời mà họ mong muốn. Hầu hết mọi người đều sống cuộc đời được ai đó sắp đặt, hoặc luôn phàn nàn về cuộc sống mà chẳng làm gì để thay đổi. Họ dần rời bỏ những ước mơ rồi an phận với mức thu nhập và phúc lợi ổn định. Lối suy nghĩ đó thậm chí còn là dấu hiệu của sự trưởng thành, nhưng tôi chẳng mấy hứng thú với điều đó! Tất cả những gì tôi biết là tôi muốn cái gì đó nhiều hơn thế; nhưng khi ấy, tôi không biết đó là gì, làm sao để có được nó, mà thậm chí là chẳng biết liệu nó có tồn tại hay không nữa.

Nói theo một cách nào đó, tôi đã sống ở hai thế giới song song. Một mặt, tôi cố gắng làm mọi thứ để có một cuộc sống tốt hơn - cố gắng hết mình làm con ngoan trò giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp. Tôi dành toàn bộ thời gian ngoài giờ lên lớp để học bài, tham gia lớp khiêu vũ hoặc âm nhạc, tham giá các trại hè, hoạt động tình nguyện và Hội Hướng Đạo Sinh.

Tôi cũng đọc rất nhiều sách, đạp xe và chơi với đám trẻ hàng xóm. Chúng tôi viết những vở kịch rồi cùng nhau nhập vai, thiết kế phục trang, bán vé và phục vụ nước giải khát cho buổi diễn.

Chúng tôi còn tổ chức các lễ hội hóa trang, biểu diễn ở nhà hàng, cửa hàng giày dép và siêu thị địa phương. Tôi mở các quầy bán nước chanh, lập ra một trạm sách nhỏ trong khu phố và làm cây viết cho một tờ báo địa phương. Lên cấp ba, tôi trở thành cán bộ lớp và là hội trưởng hội học sinh. Tôi cũng chính thức làm biên tập viên cho cuốn kỷ yếu của trường, một cán bộ lớp mẫn cán và là “chiếc dùi vàng” trong đội trống nghi lễ của trường (đúng vậy, tôi đã từng múa may cây dùi và đi đôi ủng màu trắng đó).

Với một khu lao động chân tay như nơi tôi đang sống, giỏi bất cứ thứ gì ngoài thể thao thì đều chẳng nghĩa lý gì, và ở đó, sự bình thường được đề cao hơn sự ưu tú. Tất cả những thành tựu của tôi đều bị phớt lờ, không được ghi nhận, và thậm chí còn bị cười nhạo. Mặc dù không được ghi nhận, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đang thực sự được sống khi có tâm huyết với những thứ mình làm; và tôi thấy bớt đói đi nhiều.

Tuy nhiên, với tất cả những hoạt động và thành tích kể trên, tôi vẫn là một đứa trẻ thừa cân và thiếu vui vẻ. Tôi vẫn thường trở về nhà sau mỗi buổi học, ngồi phịch xuống ghế tựa, bật TV lên và ăn như mất trí, từ bánh quy sô cô la đến sữa hộp. Ăn chán, tôi lại chuyển sang ngồi cắn móng tay rồi uể oải lướt qua đống tạp chí khi TV chuyển qua quảng cáo. Trong một trạng thái hờ hững, tôi nướng hết buổi chiều cho đến khi buộc mình đứng dậy đi làm bài tập về nhà, hoặc có vài người bạn tới dựng tôi dậy đi chơi.

Dr.Juidth Wright/Bách Việt Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-thieu-nien-tran-tro-ve-chung-nghien-mem-cua-chuyen-gia-my-post1525687.html