Thời tiết cực đoan chỉ cần có nguồn bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát

Nắng nóng khiến chu kỳ phát triển của muỗi rút ngắn lại. Bình thường thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 2 tuần nhưng hiện nay chỉ khoảng từ 7 đến 9 ngày, khiến muỗi sinh sản nhiều hơn.

Sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn, bệnh nhân chuyển nặng nhiều hơn

Ngày thứ 6 điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân Trần Khánh Linh, 23 tuổi ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, HN đã giảm sốt nhưng tiểu cầu, bạch cầu vẫn giảm và có hiện tượng chảy máu chân răng, rong kinh, men gan tăng... đây là những chỉ số cảnh báo bệnh có thể diễn biến nặng.

“Khi vào đây bác sĩ bảo phải theo dõi vì tiểu cầu của em giảm nhiều quá, lúc vào tiểu cầu 60G/L, hôm nay còn có 44” – Khánh Linh cho biết.

TS.BS Đỗ Duy Cường kiểm tra các nốt xuất huyết cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm

TS.BS Đỗ Duy Cường kiểm tra các nốt xuất huyết cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm

Trong gia đình, Linh là thành viên thứ 3 mắc sốt xuất huyết và chỉ có mẹ em được điều trị ở nhà vì bệnh nhẹ, 2 chị em Linh đều phải nhập viện. Trần Phúc Lâm, em trai Linh cho biết, những ngày đầu em sốt cao liên tục, đau mỏi toàn thân. Trước khi nhập viện tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Lâm đã từng vào Bệnh viện TW Quân đội 108 truyền nước nhưng về nhà vẫn liên tục sốt 39 đến 40 độ C. Cũng như chị gái, tiểu cẩu của Lâm giảm chỉ còn dưới 20G/L, bị xuất huyết khi đi tiểu và chảy máu chân răng. Một thanh niên to khỏe như Lâm, nhưng sau hơn 1 tuần bị sốt xuất huyết đã phải thốt lên rằng “bệnh này nguy hiểm quá, em mệt đến không còn sức...”.

TS. BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc TT cho biết, ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150-450G/L. Khi tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây ra tình trạng xuất huyết, máu khó đông, nặng hơn nữa có thể gây xuất huyết nội tạng, xuất huyết não. Điều đáng nói là từ đầu tháng 5 đến nay trung tâm đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng như 2 bệnh nhân trên.“Nhiều bệnh nhân nhập viện có biểu hiện chảy máu, hạ tiểu cầu và máu cô đặc, nhiều trường hợp đi vào sốc...đây là điều bất thường” - TS. BS Đỗ Duy Cường cho biết.

Để đối phó với sự bất thường này, theo TS. BS Đỗ Duy Cường, TTYT y tế dự phòng quận, huyện và các địa phương cần triển khai tốt các biện pháp phòng bệnh như phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường. Đối với các cơ sở điều trị, cần chủ động thuốc, dịch truyền, tiểu cầu hoặc chế phẩm của máu để điều trị trong trường hợp có nhiều bệnh nhân nặng.

Muỗi sinh sôi nhanh hơn, lây bệnh nhiều hơn

Trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.

Năm 2017 số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết rất cao, 2019, 2022 cũng vậy. Năm 2023 không phải chu kỳ của dịch tuy nhiên từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc, 8 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà nội, số ca mắc tính đến thời điểm này đã cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về nguyên nhân khiến quy luật chu kỳ bị phá vỡ, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng, Viện sốt rét – ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho rằng, sự thay đổi cực đoan của thời tiết là yếu tố tác động lớn nhất. Năm nay miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều là điều kiệu thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, nắng nóng cũng khiến chu kỳ phát triển vòng đời của muỗi rút ngắn lại, bình thường thời gian từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 2 tuần nhưng hiện nay chỉ khoảng từ 7 đến 9 ngày, khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cao hơn nên khả năng bùng dịch cũng cao hơn.

BS Nguyễn Văn Dũng tại phòng nghiên cứu tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương

BS Nguyễn Văn Dũng tại phòng nghiên cứu tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương

Trong khi đó, công tác phòng chống dịch hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, từ năm 2021 các địa phương phải tự bố trí kinh phí để triển khai hoạt động phòng chống dịch, tuy nhiên có hiện tượng một số địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí vì thế chưa triển khai hoặc triển khai không hiệu quả các biện pháp phòng chống.

“Tôi đi các địa phương, không chỉ người dân mà nhiều nơi vẫn có hoạt động nhầm lẫn như khơi thông cống rãnh hoặc phát cỏ, hoặc 1 số nơi có phát động ngày cuối tuần tập trung dọn rác, cắt cỏ...đây không phải biện pháp phòng chống sốt xuất huyết vì muỗi SXH thường đẻ trứng ở vùng nước sạch, càng nhà cao tầng, có dụng cụ không dùng để trên sân thượng nước mưa đọng lại là nơi sinh sản của bọ gậy..." - BS Nguyễn Văn Dũng nêu thí dụ.

Cùng với biện pháp phòng dịch của chính quyền địa phương và cơ sở y tế, đối với sốt xuất huyết, phòng bệnh quan trọng nhất phải từ ý thức của người dân. Tuy nhiên TS.BS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, sau dịch Covid-19 dường như nhiều người đã quên khẩu hiệu: “Không có bọ gậy, không có loăng quăng – không có sốt xuất huyết” vì thế không có ý thức chủ động phòng bệnh cho chính mình và gia đình.“Về bản chất phòng chống sốt xuất huyết phải dựa vào dân, tại sao chúng ta nói không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Để diệt bọ gậy phải từ dân chứ không chỉ cán bộ y tế...”.

Trong hướng dẫn mới về phòng chống dịch sốt xuất huyết được Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng xây dựng và đang trình Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Văn Dũng cho biết đã đề xuất thành lập “tổ sốt xuất huyết cộng đồng”, mô hình này được học tập từ "Tổ Covid-19 cộng đồng" và hoạt động rất hiệu quả trong đại dịch vừa qua.

Đinh Trang/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thoi-tiet-cuc-doan-chi-can-co-nguon-benh-sot-xuat-huyet-se-bung-phat-post1032828.vov