Thời tiết cực đoan, giá cà phê khó giảm
Giá cà phê tăng trên toàn cầu do EU sắp ban hành luật quy định chống phá rừng, dẫn tới xu hướng mua tích trữ hàng mạnh mẽ trước khi luật có hiệu lực vào 30-12-2024.
Luật chống phá rừng của EU
Mặc dù mùa vụ cà phê thế giới 2023-2024 dư thừa khoảng 1,64 triệu bao, nhưng giá cà phê thời gian qua đã tăng liên tục và mạnh mẽ. Tính tới hết quý III, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.
Nguyên nhân do các quốc gia tiêu thụ tranh thủ nhập khẩu lượng cà phê dư thừa này trước khi luật Luật chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực. Luật mới này cấm người mua ở châu Âu nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất trên đất bị phá rừng bắt đầu từ năm 2025.
Song song đó, để chuẩn bị đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EUDR, một số công ty thương mại cà phê lớn nhất thế giới đã bắt đầu triển khai ký hợp đồng cung ứng các loại cà phê với giá cao hơn gần 5 cent/pound so với giá hợp đồng tương lai tham chiếu trên sàn New York.
Các nhà phân tích tham gia trong cuộc thăm dò của hãng thông tấn Reuters, cho biết nguồn cung cà phê sẽ thắt chặt hơn trong suốt mùa vụ mới, từ tháng 10 đến tháng 9-2025. Do đó cán cân cung - cầu có khả năng cân bằng hơn so với mùa vụ vừa qua.
Dự báo trung bình là sản lượng toàn cầu chỉ cao hơn nhu cầu 150.000 bao, so với mức thặng dư ước tính là 700.000 bao trong vụ 2023-2024. Mức thặng dư 150.000 bao chỉ tương đương với khoảng 0,1% nhu cầu tiêu thụ. Đó là mức thặng dư không đáng kể, và có thể chuyển sang thiếu hụt nhanh chóng bởi vì nguồn cung có đặc điểm biến thiên lớn do tác động của thời tiết.
Lý do chính dẫn đến thắt chặt nguồn cung này là do Việt Nam, quốc gia sản xuất hạt cà phê Robusta lớn nhất thế giới, không duy trì được khả năng sản xuất ở mức quanh 30 triệu bao như những năm trước. Thậm chí, các chuyên gia trong ngành còn đánh giá sản lượng của Việt Nam có khả năng giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính diện tích đất trồng cà phê ngày càng thu hẹp và thời tiết khí hậu bất lợi những năm gần đây sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch của cả nước khoảng từ 10-15% trong niên vụ 2023-2024, xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn.
Sản lượng của mùa vụ 2024-2025 dự kiến cũng sẽ trong trạng thái đi xuống. Nguyên nhân của xu hướng giảm diện tích trồng cà phê do nông dân chuyển sang các loại cây trồng phù hợp như bơ và sầu riêng. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ ra rằng ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam cũng gặp thách thức tăng sản lượng bởi nguồn nước ngầm giảm trong khi nông dân sử dụng giếng khoan để tưới.
Trong khi đó, nguồn cung cà phê Việt Nam giảm được bù đắp bởi sản lượng của Brazil dự kiến tăng, với dự báo trung bình là 70,75 triệu bao (tương đương 4,25 triệu tấn) cho niên vụ ở nước này từ tháng 7-2025 đến tháng 6-2026, tăng 3,9% so với mức 68,1 triệu bao của vụ trước.
Tuy nhiên, với mức thặng dư cung - cầu thấp, yếu tố chính có thể làm cho cán cân chuyển thành thiếu hụt vẫn là thời tiết. Điều kiện thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến vụ mùa cà phê ở nhiều vùng trên thế giới, và sản lượng cà phê Robusta đã giảm ở châu Á trong mùa vụ trước, trong khi nông dân đang cố gắng phục hồi sản lượng trong năm nay.
Diện tích trồng của Brazil đang nhỏ hơn so dự kiến lúc ban đầu, trong khi điều kiện trồng cho vụ mùa mới được đánh giá rất khắc nghiệt, với độ ẩm đất ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Điều đó nghĩa sản lượng dự kiến tăng ở Brazil là còn nhiều rủi ro. Hãng tư vấn J.Ganes Consulting cho biết có mối lo ngại lớn về vụ mùa cà phê ở Brazil do tình trạng khô hạn kéo dài ở đó có khả năng ảnh hưởng xấu tới giai đoạn ra hoa và đậu quả.
Triển vọng giá trong dài hạn
Hồi đầu tháng 10, Ủy ban châu Âu đã có ý định tạm hoãn thực thi luật EUDR khiến cho giá cà phê nối tiếp xu hướng giảm từ giữa tháng 9 đến nay. Thế nhưng, việc thực thi chắc chắn sẽ được áp dụng bởi nó nằm trong xu thế toàn cầu hiện tại. Đó là quan tâm tới môi trường sống với lộ trình giảm phát thải khí Carbon và sản xuất theo tiêu chuẩn xanh hơn.
Thực tế, EUDR đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thế giới tiến tới mục tiêu Net Zero. Đây là yếu tố gây biến động mạnh cho giá cà phê theo cả 2 chiều và làm gián đoạn các mối tương quan thường thấy trong định giá của hạt cà phê do tính đầu cơ né thời điểm hiệu lực của luật. Giá cà phê đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua và có khả năng điều chỉnh với mức giảm giá đáng kể để quay trở về vùng giá hợp lý sau khi có hiệu lực của luật EUDR.
Tuy nhiên, khả năng giảm giá kéo dài của cà phê cũng được hạn chế bởi xu hướng nguồn cung thắt chặt do thời tiết được dự báo trở nên khắc nghiệt và dị thường hơn, thể hiện qua các cơn bão như Yagi, Trami… Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ khá sáng sủa.
Số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), cho thấy mức tiêu thụ cà phê trong mùa vụ vừa qua đã đạt mức 177 triệu bao, tăng 2,3% so với vụ trước, vượt qua mức đỉnh tiêu thụ được thiết lập trong mùa vụ 2021-2022 là 176,6 triệu bao. Cần nhớ lại là mùa vụ 2021-2022, các ngành nghề đều chứng kiến mức tiêu thụ bù cho giai đoạn ngăn cách trong thời gian diễn ra đại dịch trước đó.
Vì vậy mức tiêu thụ 177 triệu bao ở mùa vụ vừa rồi đã cho thấy khả năng phục hồi vững vàng của kinh tế toàn cầu. Điều kiện tăng trưởng kinh tế của năm 2025 được đánh giá tốt hơn so với năm 2024 nhờ xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn và quan điểm thực thi chính sách tài khóa theo trường phái kinh tế học Keynes lên ngôi.
Do đó, mặc dù tạm thời giá cà phê có thể điều chỉnh giảm trở lại vùng định giá phù hợp sau thời gian diễn ra hoạt động đầu cơ, nhưng yếu tố nhu cầu tăng trưởng vững chắc và năng lực mở rộng nguồn cung còn nhiều rủi ro sẽ hỗ trợ cho giá cà phê có động lực duy trì ổn định ở vùng giá cao.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thoi-tiet-cuc-doan-gia-ca-phe-kho-giam-post118593.html