Thời tiết cực đoan gia tăng
Từ đầu năm tới nay, nước Mỹ liên tục hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nắng nóng, mưa bão, cháy rừng… Tuy nhiên, cũng không phải chỉ riêng nước Mỹ vì thực tế cho thấy thời tiết cực đoan đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Tính đến ngày 10/9, trong vòng 7 năm đã có 4 trận bão mạnh quét qua bang Florida của Mỹ, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, khiến hàng triệu người phải sơ tán. Mô tả của hãng thông tấn AP, bão Idalia cuối tháng 8 vừa qua đã "xé toạc" bang Florida với tốc độ của một đoàn tàu siêu tốc, làm đổ cây cối, tốc mái các ngôi nhà và biến những chiếc ô tô trở thành thuyền. 5.500 vệ binh quốc gia, nhân viên liên bang và đội cứu hộ đã được huy động để tìm kiếm nạn nhân và dọn dẹp đống đổ nát sau cơn bão.
Nói với báo chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh không ai có thể phủ nhận những hậu quả của biến đổi khí hậu. Bằng chứng là các đợt nắng nóng cực độ, hạn hán nghiêm trọng, cháy rừng thảm khốc và lũ lụt lịch sử mà thế giới đã phải hứng chịu.
Các cuộc khảo sát cho thấy, 1/4 người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa khẩn cấp, từ đó cảm giác lo lắng và sợ hãi của họ cũng nhiều hơn. Còn theo tờ The Hill, nếu như tháng 9/2013 chỉ 12% số người cho biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa khẩn cấp, thì đến ngày 10/9/2023 đã tăng gấp hơn 2 lần: lên 26%.
Thống kê của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, từ đầu năm đến tháng 9/2023, nước Mỹ có tới 15 thảm họa về thời tiết và khí hậu cực đoan.
Tại châu Á, trong khi bang Telangana của Ấn Độ đang đối mặt với mưa lũ kỷ lục, thì tại Hàn Quốc, cảnh báo nắng nóng được ban bố ở hầu hết các vùng trên cả nước. Seoul đã phải ban bố cảnh báo sóng nhiệt khi nắng nóng trở lại sau mùa mưa. Hàn Quốc thường đưa ra cảnh báo sóng nhiệt khi nhiệt độ cao nhất được dự báo từ 35 độ C trở lên trong hơn 2 ngày liên tiếp hoặc dự báo sóng nhiệt gây thiệt hại lớn.
Còn với Trung Quốc, mùa hè năm nay cũng ghi nhận nhiều thảm họa do thời tiết cực đoan mang tới. Truyền thông Trung Quốc cho biết, hơn 800 nghìn người dân ở tỉnh Phúc Kiến đã bị ảnh hưởng sau khi bão Doksuri đổ bộ vào bờ biển tỉnh này (ngày 28/7). Doksuri là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Phúc Kiến kể từ cơn bão Saomi năm 2006. Siêu bão Doksuri đổ bộ vào 10 tỉnh miền Trung Trung Quốc trước khi kịp để lại những hoang tàn trên đường nó đi qua.
Trong bối cảnh đó, châu Âu cũng không là ngoại lệ. Mùa hè là thời điểm đông khách du lịch nhất tại các khu nghỉ dưỡng dọc Địa Trung Hải nhưng năm nay các trận cháy rừng xảy ra liên tiếp, khiến du lịch thất thu. Hòn đảo Ciovo - địa điểm du lịch nổi tiếng ở Croatia đã chứng kiến một trận cháy rừng lan rộng tới 400ha. Còn tại Tây Ban Nha, ngày 9/9, Cơ quan Thời tiết nước này đã phải ban bố cảnh báo đỏ - mức cực kỳ nguy hiểm, về mưa lũ tại thủ đô Madrid và một số khu vực ở miền nam nước này. Thị trưởng Madrid, ông Jose Luis Martinez-Almeida đã kêu gọi tất cả cư dân thành phố ở trong nhà để tránh thương vong đáng tiếc.
Trong nhiều ngày đầu tháng 9, mây đen giăng kín bầu trời thủ đô của Tây Ban Nha. Giải bóng đá La Liga đã hoãn trận đấu giữa Atletico Madrid và Sevilla tại sân Wanda Metropolitano.
Manuel Loro (43 tuổi) - cư dân thành phố Madrid, nói: "Tôi nghĩ điều tốt nhất nên làm là không sử dụng ô tô trong trời mưa bão và tốt nhất là chúng ta hãy ở trong nhà". Còn F.Carlos - chuyên gia khí tượng học nói rằng, thời tiết cực đoan gây mưa lũ và cháy rừng không chỉ giáng họa xuống một mình Tây Ban Nha mà là cả châu Âu.
“Mùa hè năm 2022, nhiều cánh rừng ở châu Âu bốc cháy, nhiều dòng sông cạn kiệt. Những tưởng điều đó không bao giờ trở lại nhưng mùa hè năm nay còn dữ dội hơn, xô đổ mọi kỳ lục cả về nắng nóng, cháy rừng lẫn lũ lụt. Đáng tiếc là mối đe dọa thiên tai vẫn không chấm dứt khi nhiều dự báo cho thấy nhiệt độ khắp châu lục sẽ gia tăng, trong khi nhiều nước đã quay lại với các nhà máy nhiệt điện khí thải carbon cực lớn” - tiến sĩ F.Carlos nói.
Ngày 10/9, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, Nhật Bản đang phải trải qua mùa hè nóng nhất trong vòng 125 năm. Nhiệt độ trung bình dựa trên quan sát tại 15 địa điểm trên khắp nước Nhật cho thấy đã tăng thêm 1,76 độ C, mức cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được ghi nhận vào năm 1898. Đáng chú ý, tại nhiều địa điểm như thành phố Itoigawa, tỉnh Niigata không chỉ nhiệt độ tối đa mà nhiệt độ tối thiểu cũng đạt mức cao kỷ lục. Theo JMA, tháng 7/2023 chính thức là tháng nóng nhất trong 100 năm qua ở Nhật Bản, với ít nhất 53 người tử vong vì sốc nhiệt và gần 50.000 người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt nước biển xung quanh Nhật Bản cũng tăng cao hơn 1 độ C so với mức trung bình. Đó cũng là mức ấm nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1982. Hisashi Nakamura - người đứng đầu Hội đồng của JMA và là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của Đại học Tokyo, cho biết, mùa hè năm 2023 phải được coi là một mùa hè bất thường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-tiet-cuc-doan-gia-tang-5727946.html