Thời tiết khắc nghiệt trở thành 'bình thường mới'?
Các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải trải qua những ngày giá rét kỷ lục. Thời tiết khắc nghiệt khiến cho mọi hoạt động di chuyển của người dân, cũng như khách du lịch trong dịp lễ Tết trở nên khó khăn.
Chống chọi với mức nhiệt độ giảm sâu
Ngay những ngày đầu năm mới, Cơ quan khí tượng của Trung Quốc đã dự báo nhiệt độ giảm mạnh ở nhiều vùng, đồng thời đưa ra cảnh báo về một đợt lạnh sâu. Thành phố Mạc Hà (tỉnh Hắc Long Giang) đã ghi nhận mức nhiệt độ thấp âm 53 độ C. Mức nhiệt này được ghi nhận thấp chưa từng có, phá vỡ kỷ lục âm 52,3 độ C của năm 1969. Chính quyền địa phương cho biết, sương mù băng - một hiện tượng thời tiết chỉ xảy ra khi cực lạnh, cũng có thể xuất hiện ở thành phố trong những ngày sắp tới. Cơ quan khí tượng của Trung Quốc cũng đã dự báo nhiệt độ giảm mạnh ở các vùng của đất nước và hồi đầu tuần đã đưa ra cảnh báo xanh về một đợt lạnh mới. Cảnh báo xanh là mức thấp nhất trong hệ thống cảnh báo bốn cấp.
Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo tuyết dày khi nhiệt độ ở thủ đô Seoul xuống thấp bất thường tới âm 15 độ C và giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục ở các thành phố khác. Tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju, thời tiết khắc nghiệt đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, trong khi các tàu chở khách buộc phải ở lại cảng do sóng lớn. Đợt lạnh ở Hàn Quốc năm nay được giải thích một phần là do sự tan chảy của các chỏm băng ở Bắc Cực do khí hậu ấm lên. Bên kia biên giới, ở Bình Nhưỡng, giới chức Triều Tiên cũng cảnh báo về điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi đợt lạnh tràn qua Bán đảo Triều Tiên. Theo trang Yonhap, nhiệt độ ở các vùng của Triều Tiên dự kiến sẽ giảm xuống dưới âm 30 độ C.
Tại Nhật Bản, nhiệt độ lạnh kỷ lục cũng được ghi nhận ở một số vùng. Tại các vùng núi và vùng duyên hải thuộc khu vực Chugoku, tuyết rơi nhiều. Thành phố Maniwa ở tỉnh Okayama ghi nhận lượng tuyết dày 93cm trong 24 giờ, là mức cao nhất được ghi nhận. Hàng trăm chuyến bay nội địa đã bị hủy trong 2 ngày qua do tuyết rơi dày và gió mạnh cản trở tầm nhìn. Các hãng hàng không lớn Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy tổng cộng 229 chuyến bay. Trong khi đó, Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản cho biết, các chuyến tàu cao tốc giữa các ga phía bắc Fukushima và Shinjo đã bị đình chỉ.
Trong khi đó, khu vực Nam Á cũng đang có một mùa đông lạnh giá. Chính phủ cho biết, một số bang của Ấn Độ đã trải qua “đợt sóng lạnh nghiêm trọng” vào giữa tháng 1. Và tại Afghanistan, nơi nhiệt độ ở một số khu vực xuống tới âm 18,3 độ C, nhà chức trách cho biết ít nhất 162 người đã tử vong vì lạnh ngày 10.1 vừa qua.
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt
Trước diễn biến thời tiết đáng ngại, nhiều chuyên gia cho rằng, lạnh sâu sẽ ngày càng nghiêm trọng và trở thành “bình thường mới” ở nhiều nước châu Á. Theo Giáo sư chuyên ngành khí hậu học tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc) Yeh Sang-wook, gió Bắc Cực từ Siberia đưa hơi nước tăng cường từ băng giá Bắc Cực tan chảy đã dẫn đến lượng tuyết nhiều bất thường ở các quốc gia phía Bắc châu Á. Trong khi đó, theo Giáo sư Kevin Trenberth tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), hiện tượng chu kỳ khí hậu La Nina và El Nino ở Thái Bình Dương, hiện tượng thường có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đợt lạnh giá hiện nay. Tuy nhiên, tác động của biến đổi đang ngày càng trở nên rõ rệt và các nhà khoa học toàn cầu có chung dự đoán rằng loại hiện tượng lạnh giá đang diễn ra tại các nước Đông Á sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng cực lạnh ở châu Á phần lớn là kết quả của cái gọi là xoáy cực, hiện tượng thời tiết tương tự đã mang đến thời tiết cực lạnh cho Mỹ vào tháng trước. Thuật ngữ này đề cập đến một dải không khí lạnh thường bao quanh Bắc Cực nhưng đôi khi dịch chuyển về phía nam từ Bắc Cực. Xoáy cực được giữ cố định bởi sự quay của Trái đất và sự chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ trung bình. Khi những thay đổi về nhiệt độ đó tăng lên, xoáy cực có thể dịch chuyển về phía nam. Điều này xảy ra một cách tự nhiên, nhưng các nhà khoa học cho rằng, khi hành tinh nóng lên, sự dịch chuyển của xoáy cực có thể sẽ trở nên thường xuyên và rõ rệt hơn.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã ghi nhận trong một báo cáo năm 2022 rằng, tần suất và cường độ của các đợt lạnh cực đoan trên khắp thế giới đã giảm đi kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, những hiện tượng đang thực sự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới là thời tiết lạnh hơn và thời tiết khắc nghiệt hơn. Giáo sư Kevin Trenberth cho biết thêm, trong khi các nhà khoa học có cái nhìn dài hạn về biến đổi khí hậu thì chúng ta có thể coi thời tiết khắc nghiệt này - cực nóng vào mùa hè và cực lạnh vào mùa đông - là một trong những tín hiệu của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan là bình thường mới, và không chỉ các chuyên gia mà người dân trên trái đất này cũng chắc chắn có thể dự đoán rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tồi tệ hơn trước đây.
Trong bối cảnh nhiệt độ thấp đang làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội, việc ứng phó trở thành thách thức lớn không chỉ đối với người dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng mà còn đối với ngay cả các hoạt động tầm quốc gia. Khó khăn càng nặng nề hơn khi nhiều nền kinh tế đang phải chật vật ứng phó với sự leo thang chóng mặt của giá nhiên liệu, tình trạng thiếu điện… Do đó, giờ chính là lúc các quốc gia cần sớm có những giải pháp phòng ngừa và ứng phó, như cải thiện nguồn cung năng lượng theo hướng đa dạng hóa, thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh và các giải pháp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ người dân sưởi ấm kịp thời trong những giai đoạn khó khăn.