Thời tiết nắng nóng cẩn thận với cơn gout cấp
Cơn đau do gout được xem là nỗi ám ảnh đối với người bệnh. Thời tiết nắng nóng, người bệnh cần làm gì để hạn chế cơn gout cấp tái phát?
Vì sao cơn gout cấp tái phát?
Khi nhiệt độ tăng cao, có những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ khiến cơn gout cấp tái phát, chủ yếu các thói quen liên quan đến chế độ ăn uống và vận động. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
Thời tiết nóng dễ khiến người bệnh có thói quen giải khát bằng các chất kích thích như bia. Khi cơ thể nạp quá nhiều bia hơn so với bình thường là tác nhân khiến cơn gout cấp tái phát. Ngoài ra, trong các cuộc nhậu, người bệnh thường có thói quen uống rượu bia kèm theo hút thuốc lá. Thói quen này cũng dễ khiến bệnh gout tái phát.
Nhiều gia đình thường có các chuyến đi nghỉ mát vào mùa hè. Đây là thời điểm người bệnh dễ tiêu thụ đồ ăn có nhiều purin, hải sản và các loại thịt đỏ. Chế độ ăn nhiều đạm, purin thiếu cân bằng dinh dưỡng là nguyên nhân khiến cơm gout cấp tái phát.
Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ toát mồ hôi nhưng nhiều người lại có thói quen không uống đủ nước. Điều này khiến máu trong cơ thể trở nên đậm đặc và làm tăng nồng độ acid uric. Uống không đủ nước cũng khiến việc đi tiểu giảm, bài tiết trong cơ thể diễn ra ít hơn đồng nghĩa với việc aicd uric cũng bài tiết ít đi. Đây là nguyên nhân khiến cơn gout cấp có nguy cơ tái phát cao hơn.
Hạn chế cơn gout cấp tái phát bằng cách nào?
Bệnh gout ở giai đoạn đầu thường ít có biểu hiện, khi xuất hiện các cơn đau các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn. Cơn đau do bệnh gout gây ra được xem là nỗi sợ hãi với người bệnh vì tính chất đột ngột và đáng sợ. Nếu người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh gout cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ trong đó có cả thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Việc tuân thủ chế độ điều trị vừa giúp kiểm soát tình trạng bệnh tốt vừa giúp hạn chế nguy cơ tái phát cơn gout cấp. Dưới đây là những lưu ý để người bệnh gout hạn chế cơn gout cấp:
Chế độ dinh dưỡng: Đây là yếu tố quan trọng vì khi dinh dưỡng được kiểm soát tốt, tình trạng bệnh cũng sẽ ổn định. Người bệnh không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm nào nhưng cần kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Người bệnh cần hạn chế các loại thịt đỏ, hải sản. Chế độ ăn tốt cho người mắc bệnh gout là các loại thịt màu trắng (lườn gà, thịt lợn nạc, cá nạc…) và cần hạn chế ăn nội tạng động vật. Bên cạnh đó cần kiểm soát lượng protein nạp vào hàng ngày chỉ nên duy trì ở mức 50-100gram mỗi ngày. Bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhiều rau củ quả trái cây để trung hòa acid uric trong cơ thể một cách tự nhiên. Những loại hoa quả trái cây tốt cho người bệnh gout là: dâu tây, quả có múi (cam, quýt), các loại rau họ cải, dưa chuột… Các loại dầu được khuyến khích sử dụng là dầu vừng, dầu oliu, dầu lạc. Người bệnh nên ưu tiên các cách chế biến hấp, luộc thay vì chiên xào.
Cung cấp đủ cho cơ thể từ 2-3 lít nước mỗi ngày đặc biệt là khi thời tiết nóng nực. Lưu ý nên uống nước làm nhiều lần trong ngày sẽ giúp đào thải acid uric qua đường tiểu tốt hơn.
Giảm cân nếu có tình trạng thừa cân béo phì. Duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường thể trạng.
Thăm khám sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ.