Thời tiết trở lạnh, nhiều bệnh diễn biến phức tạp

Thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là người già, trẻ em và những người mắc các bệnh mạn tính. Tại Thừa Thiên - Huế ghi nhận tình trạng tăng đột biến một số bệnh liên quan đến lây nhiễm, hô hấp, đột quỵ…

Bệnh nhi 1 tuổi bị tim bẩm sinh mắc bệnh sởi gặp biến chứng suy hô hấp và viêm phổi.

Bệnh nhi 1 tuổi bị tim bẩm sinh mắc bệnh sởi gặp biến chứng suy hô hấp và viêm phổi.

Biến chứng do sởi

Nằm trong phòng bệnh cách ly, Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhi Y Ly N (4 tuổi, trú tỉnh Kon Tum) liên tục ho, mệt vì biến chứng của bệnh sởi. Đôi môi bé khô nứt nẻ, khó thở, các ban đỏ xuất hiện khắp cơ thể. Các bác sĩ phải bổ trợ oxy cùng kháng sinh chống viêm phổi và điều trị sởi theo phác đồ của Bộ Y tế cho bé. Trong những ngày tới, các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ cùng hội chẩn biến chứng viêm loét giác mạc ở bệnh nhi.

Nằm cùng phòng bệnh, bé L.B.M.Q (1 tuổi, trú thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mắc bệnh sởi và cũng gặp các biến chứng tương tự bệnh nhi N là viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, bé Q đang có dấu hiệu đáp ứng điều trị. Những ngày tới, bé sẽ được chuyển ra khỏi khu hồi sức để tiếp tục điều trị chuyên khoa.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Kiều Lộc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, từ cuối tháng 11/2024, số ca bệnh nhi mắc sởi tăng lên rõ rệt. Vừa qua, khoa tiếp nhận 5 ca bệnh sởi có biến chứng, nặng nhưng đều được cứu sống kịp thời. Hai bệnh nhi N và Q đều mắc bệnh nền tim bẩm sinh, chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, do đó tiến triển bệnh nặng, phải được theo dõi sát qua monitor.

Một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh sởi tăng nhiều xuất phát từ tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng những năm qua, khiến nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ liều, gây ra "lỗ hổng" trong "hàng rào" miễn dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi khoa chia sẻ, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hay xảy ra vào mùa Đông Xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ. Khả năng lây nhiễm của sởi cao hơn nhiều so với các bệnh lây khác, một người có thể lây cho 9 đến 12 người tiếp xúc gần mà chưa có miễn dịch. Những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh tim, có nguy cơ mắc bệnh sởi, sẽ được truyền Immunoglobulin (IVIg) đồng thời tiêm phòng vaccine sớm.

Một số bệnh diễn biến phức tạp

Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi bị biến chứng.

Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi bị biến chứng.

Với điều kiện thời tiết giao mùa, mưa nắng xen kẽ, tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue ở Thừa Thiên - Huế cũng trở nên phức tạp hơn. Sau khi số ca bệnh có xu hướng giảm dần nhiều tuần liên tiếp, tuần thứ 49 (từ ngày 2 - 8/12) của năm 2024 lại ghi nhận 71 ca bệnh, cao gấp đôi so với tuần thứ 48. Như vậy, tổng số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 1.950 ca, tăng hơn 1.300 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Thời tiết lạnh là một trong những yếu tố dễ làm tổn thương đa hệ thống cơ thể, đặc biệt nguy hiểm đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch, huyết áp… cũng như trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Ở Bệnh viện Trung ương Huế - trung tâm y tế lớn nhất của tỉnh, nhiều bệnh liên quan đến hô hấp, đột quỵ diễn biến phức tạp.

Hầu hết các khoa phòng của Trung tâm Nhi khoa đã vượt quá công suất giường bệnh như Khoa Nhi Hô hấp, Nhi Tiêu hóa - Tiết niệu - Bệnh nhiệt đới… Số bệnh nhi tăng chủ yếu do mắc bệnh cúm, hen, viêm phổi, viêm phế quản

Tương tự, đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cũng làm việc hết công suất vì lượng bệnh nặng, cấp cứu vì đột quỵ tăng đáng kể (từ 20-30%) so với trước thời điểm chuyển mùa. Đối tượng chủ yếu là người trên 60 tuổi có bệnh nền đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, tim mạch…

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế), người dân cần nhanh chóng chuyển người bệnh nghi ngờ đột quỵ đến các cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt; ưu tiên những cơ sở y tế có thể thực hiện được hai liệu pháp tái thông, đặc biệt là can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Nếu được nhập viện kịp thời, tỷ lệ can thiệp tái thông mạch máu não thành công vẫn rất cao và bệnh nhân có thể hồi phục ngoạn mục.

Bài, ảnh: Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/benh-vien-bac-si/thoi-tiet-tro-lanh-nhieu-benh-dien-bien-phuc-tap-20241217155440229.htm