Thời trang có quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng?
Các thương hiệu thời trang lớn vẫn không ngần ngại ra mắt bộ sưu tập mới lấy cảm hứng từ những đống tro tàn của chiến tranh.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế do đại dịch và những diễn biến chiến tranh khiến nhiều nhà mốt loay hoay trong việc duy trì thương hiệu.
Nhà thiết kế Demna Gvasalia của Balenciaga nói: "Trong thời điểm hiện tại, thời trang mất đi sự phù hợp và quyền tồn tại thực sự của nó. Các thương hiệu cũng gặp nhiều khó khăn để tổ chức tuần lễ thời trang hay ra mắt bộ sưu tập mới".
Thời trang có thể thay đổi nhận thức
Thực tế, Demna Gvasalia từng cân nhắc việc hủy bỏ show diễn tại Tuần lễ thời trang Paris. Nhà thiết kế cho biết: "Cuộc chiến ở Ukraine khơi dậy nỗi đau quá khứ mà tôi đã mang trong mình kể từ năm 1993, khi điều tương tự xảy ra ở quê nhà. Sau đó, tôi nhận ra rằng hủy bỏ buổi biểu diễn có nghĩa là nhượng bộ, đầu hàng trước cái ác".
Giám đốc thời trang của Vogue, Vena Brykalin, tin rằng thời trang có vai trò quan trọng để thay đổi nhận thức con người.
"Thời trang có tiếng nói lớn đến mức các nhà lãnh đạo ngành phải có lập trường về những khủng hoảng đang xảy ra. Chúng tôi với tư cách là công chúng đã được dạy rằng các thương hiệu xa xỉ không chỉ bán một giấc mơ. Họ là những nhà lãnh đạo của sự thay đổi", Vena Brykalin nói.
Nhìn lại hơn 100 năm qua, rõ ràng thời trang thường không chắc chỗ đứng trong thời kỳ khủng hoảng. Nhìn chung, ngành công nghiệp này có xu hướng tiếp tục trưng bày các bộ sưu tập và bán quần áo mà không ngẩng cao đầu quá mức.
Tháng 9/2001, cùng lúc Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công bởi hai chiếc máy bay do bọn khủng bố điều khiển, các buổi trình diễn của Tuần lễ Thời trang New York chuẩn bị bắt đầu tại công viên Bryant.
Trong vòng vài giờ, hầu hết chương trình đều bị hủy bỏ mặc dù Vogue đã tạo cơ hội cho một số thương hiệu mới trình diễn ở những địa điểm nhỏ hơn. Một tuần sau tại châu Âu, các buổi biểu diễn vẫn tiếp tục theo kế hoạch.
Đây có phải là quyết định đúng đắn? Tuần lễ thời trang cách đây 20 năm quan trọng hơn đối với các nhà thiết kế so với bây giờ. Việc hủy bỏ các tuần lễ thời trang ở thành phố bên ngoài New York được cho là phản ứng quá mạnh.
Thời trang phản chiếu hình ảnh chiến tranh
Buổi trình diễn nổi tiếng nhất những năm 1940 là của Dior. Vào năm 1947, hãng ra mắt bộ sưu tập New Look chỉ vài năm sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Đây là thời kỳ mà phần lớn châu Âu sống trong hoàn cảnh khó khăn sau chiến tranh với nỗi kinh hoàng của thảm sát Holocaust.
Sonnet Stanfill, giám tuyển cấp cao tại bảo tàng Victoria & Albert ở London (Anh), cho biết: "Đó là sự khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng thời trang vẫn cần thiết trong những thời điểm như thế. Trang phục nói về một con người khao khát thay đổi và nó trở thành nơi ẩn náu cho những người khao khát thể hiện bản thân".
Diện mạo của Dior thời điểm đó lấy hình bóng chiến tranh làm cảm hứng để thiết kế. Từ đó tượng trưng cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Stanfill cho biết thêm: "Sự tương phản giữa hình bóng chiến tranh và các thiết kế của Dior không chỉ mới mẻ, mà còn mang đến cho phụ nữ sự đối lập với những gì họ đã mặc. Trang phục trong bộ sưu tập đó như nhìn lại thế kỷ 19. Cứ như vậy, bộ sưu tập đã chế ngự tất cả ngoại hình trong suốt 12 năm".
Liệu người ta có thực sự bàn luận về thời trang khi chiến tranh đang diễn ra? Liệu Tuần lễ thời trang Milan có nên tiếp tục trong khi một đất nước đang có chiến sự và các nhà may mặc của Pháp có nên ra mắt bộ sưu tập mới vào năm 1947 khi phần lớn châu Âu đang sống dưới mức nghèo khổ?
Giám đốc thời trang của Vogue, Vena Brykalin, nói: "Rất khó để nhìn mọi người bàn tán về quần áo một cách vô tư khi chiến sự có nhiều điều phức tạp. Tuy nhiên, việc các sự kiện thời trang vẫn phải tiếp tục là điều đúng đắn".
Bằng cách đó, các thương hiệu buộc phải đưa ra tuyên bố, cung cấp nguồn lực và ý tưởng để truyền tải những điều tích cực đến với quốc gia đang gặp khó khăn trên thế giới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-trang-co-quan-trong-trong-thoi-ky-khung-hoang-post1306195.html