Thời trang đồng loạt giảm giá nhưng vẫn ít khách mua
Để kích cầu tiêu dùng, hiện nhiều hãng thời trang đồng loạt giảm giá bán sản phẩm, nhưng sức mua của người tiêu dùng không tăng như mong muốn.
Cửa hàng truyền thống giảm giá sâu
Những ngày này tại các con phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang trên địa bàn Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Xuân Thủy... người tiêu dùng thường bắt gặp những biển hiệu quảng cáo, mua 1 tặng 1, sale off (giảm giá) toàn bộ cửa hàng 50 - 70%... của các hãng thời trang từ bình dân đến cao cấp. Cá biệt, để đánh vào tâm lý khách hàng thích đồ rẻ, chất lượng tốt, nhiều cửa hàng còn đưa ra mức khuyến mại hấp dẫn như 89K, 99K, 149K, 199K/sản phẩm.
Tại Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh, nhãn hàng thời trang H&M giảm giá nhiều mẫu áo đầm, áo croptop, đầm sơ mi thời trang mùa hè xuống còn từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Nhãn hàng thời trang Ivy Moda có chương trình giảm giá tới 70% các sản phẩm hè, Hãng thời trang GenViet Jeans tổ chức chương trình khuyến mại “Trợ giá mùa dịch” giảm giá từ 40 - 70% cho tất cả sản phẩm thời trang jeans. Tương tự, các thương hiệu thời trang như Seven Am, Format, Friday, Lalya… tổ chức chương trình khuyến mại “Hà Nội trở lại rồi”, qua đó giảm giá lên đến 80% cho sản phẩm thời trang. Đại diện nhãn hàng thời trang Seven Am cho biết, nhiều sản phẩm thời trang của đơn vị như sơ mi chiffon cổ tròn xếp ly, áo cộc tay cổ vạt chéo… được giảm giá chỉ còn 99.000 đồng/sản phẩm, một số mẫu váy công sở hoặc đi chơi cũng giá chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng/sản phẩm.
Chị Thanh Hương, chủ một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho hay, đang vào thời điểm giao mùa nên nhiều cửa hàng xả hết hàng tồn đọng chuẩn bị mẫu thời trang mùa đông. Việc đưa ra các chương trình khuyến mại ngoài để thu hút khách hàng còn là sự cạnh tranh giữa các cửa hàng.
Không có tác dụng kích cầu tiêu dùng
Thực tế cho thấy, mặc dù các cửa hàng kinh doanh thời trang đồng loạt giảm giá thế nhưng sức mua không tăng như mong muốn. Chị Minh Hải, chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết, mặc dù đã giảm giá sản phẩm đến 60-70% nhưng doanh số chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải nguyên nhân khiến người tiêu dùng không mặn mà mua đồ thời trang đang được giảm giá tại các cửa hàng kinh doanh theo phương thức truyền thống, chị Thanh Lan ở số 2 phố Trần Hữu Tước (quận Đống Đa) nêu rõ, trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 người tiêu dùng vẫn có thể mua đồ thời trang trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo… với nhiều chương trình giảm giá tới 70%. “Các sàn thương mại điện tử đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vì vậy chúng tôi ngại đến cửa hàng thời trang mua trực tiếp” - chị Lan chia sẻ.
Phân tích nguyên nhân khiến mặt hàng thời trang ế ẩm mặc dù các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh đã giảm giá hết mức, Chủ tịch Hội dệt may TP Hà Nội Nguyễn Văn Đồng nêu rõ, hiện hầu hết sản phẩm giảm giá là hàng tồn kho doanh nghiệp đưa ra tiêu thụ để thu hồi vốn. Trong khi hàng thời trang có đặc điểm là nếu khách có nhu cầu, họ sẽ mua mà không cần giảm giá, ở chiều ngược lại, nếu không có nhu cầu dù doanh nghiệp giảm giá, khách cũng không mua. Vì vậy việc giảm giá sản phẩm thời trang vào thời điểm người dân đang lo chống dịch Covid-19 không có tác dụng kích cầu như mong muốn.