Thời trang giá rẻ với tham vọng sắp xếp lại thị trường hàng may mặc ở Mỹ
Với chiếc áo phông có giá bán thấp ở mức 5 đô la Mỹ, các thương hiệu thời trang giá rẻ như Primark và Shein đang giành được cảm tình của những người mua sắm ở Mỹ trong thời kỳ lạm phát, khiến nhiều người nhạy cảm hơn với giá cả. Giờ đây, họ đang lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào đầu tháng này, thương hiệu thời trang giảm giá GU đã mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ để bán các mặt hàng như áo len dài tay trị giá 30 đô la Mỹ và áo khoác gió giá 60 đô la Mỹ. GU, một đơn vị của Công ty Fast Retailing (Nhật Bản), cung cấp quần áo và phụ kiện với giá rẻ hơn khoảng 20% so với các sản phẩm của chuỗi bán lẻ Uniqlo, cũng thuộc sở hữu của công ty này.
“Với giá trị mà chúng tôi mang lại cho người tiêu dùng, đây là thời điểm hoàn hảo để GU vào Mỹ”, Giám đốc điều hành GU Osamu Yunoki cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại cửa hàng mới ở khu SoHo của Manhattan, New York.
Thế hệ mới của các nhà bán lẻ thời trang giá rẻ này đang hướng tới mục tiêu sắp xếp lại thị trường hàng may mặc Mỹ giống như cách mà các chuỗi cửa hàng thời trang nhanh như H&M (Thụy Điển) và Zara (Tây Ban Nha) đã làm cách đây vài thập niên. Shein, Primark và GU đưa ra mức giá thấp mỗi ngày thay vì để người tiêu dùng phải chờ đợi các đợt bán giảm giá.
Các nhà bán lẻ quần áo giá rẻ khác ở Mỹ như Walmart, T.J.Maxx và Ross Stores đã giành được khách hàng từ các chuỗi thời trang bán giá cao trong những năm gần đây. Theo hãng nghiên cứu GlobalData, các chuỗi cửa hàng giá rẻ chiếm 22,4% trong tổng chi tiêu cho hàng may mặc ở Mỹ vào năm 2021, tăng từ 19,1% vào năm 2014.
Xu hướng gặm nhấm thị phần này đang gây sức ép cho cho các nhà bán lẻ thời trang cao cấp hơn như Gap và Macy’s khi họ đối mặt triển vọng chi tiêu không chắc chắn của người tiêu dùng đang bị tổn thương bởi tác động của lạm phát.
Chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ đã chậm lại trong tháng 9 so với tháng trước đó khi giá cả tăng cao, khiến mọi thứ từ thực phẩm đến thiết bị điện tử đều trở nên đắt đỏ với nhiều người dân. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập niên. Trong tháng 9, giá quần áo tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương hiệu Primark, thuộc sở hữu của Associated British Foods (Anh), có kế hoạch nâng số cửa hàng tại Mỹ lên 60 vào cuối năm 2026, so với 13 hiện tại. Shein, nhà bán lẻ áo quần trực tuyến của Trung Quốc nổi tiếng với hàng may mặc hợp thời trang và giá rẻ, đang tăng cường sự hiện diện ở Mỹ bằng cách mở các trung tâm phân phối mới dù gần đây thương hiệu này vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội về tác hại môi trường của thời trang nhanh.
Sau khi thoát ra khỏi tình trạng phá sản vào năm 2020 với các chủ sở hữu mới, tuần trước, nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Forever 21 đã cho biết họ sẽ mở 14 cửa hàng mới ở Mỹ trong 8 tháng tới. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục đổ xô mua sắm ở các cửa hàng thời trang nhanh của Zara và H&M.
Melissa Sheer, chủ sở hữu một công ty quan hệ công chúng ở Summit, bang New Jersey, từng mua áo phông của Gap, nhưng gần đây đã chuyển sang Shein.
“Khi có thể mua một chiếc áo phông với giá 5 đô la Mỹ tại Shein, tại sao tôi phải trả 24,99 đô la Mỹ tại Gap?”, Sheer nói.
Cô cho biết dù những chiếc áo phông của Shein có chất lượng thấp hơn, được làm từ sợi polyester pha cotton, chứ không phải từ sợi cotton và sợi model của gỗ sồi như áo phông của Gap, chúng vẫn đủ tốt. Cô nói: “Với tình hình lạm phát cao, tôi ưu tiên giá cả hơn là chất lượng”.
Một báo cáo phân tích của Neil Saunders, nhà tư vấn bán lẻ của GlobalData, chỉ ra rằng các sản phẩm thời trang Primark có giá thấp nhất trên một một giỏ hàng tương tự, tiếp theo là Shein, H&M và Forever 21. Áo quần thương hiệu Old Navy, Gap và Uniqlo đắt hơn, đôi khi cao gấp bốn lần so với các thương hiệu giá rẻ. Giỏ hàng trong báo cáo phân tích bao gồm áo hai dây và quần jean bó của phụ nữ, áo phông họa tiết và quần nỉ bo gấu của nam giới.
Được thành lập vào năm 2006, GU có khoảng 450 cửa hàng, chủ yếu ở Nhật Bản và các nơi khác ở châu Á.
Giám đốc điều hành GU Osamu Yunoki cho biết hợp đồng thuê mặt bằng bán lẻ rộng 270 mét vuông ở khu SoHo của New York chỉ có thời hạn một năm. GU đang tìm kiếm một địa điểm khác ở New York có diện tích gấp ba lần cửa hàng ở SoHo hiện nay.
Ông tiết lộ GU giảm chi phí bằng cách sản xuất ít chủng loại quần áo hơn so với các chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang truyền thống, sản xuất chục nghìn mặt hàng mỗi mùa. Ông cho biết việc sản xuất quy mô nhỏ hơn cũng làm giảm thiệt hại cho môi trường, đồng thời giúp người tiêu dùng phối hợp trang phục dễ dàng hơn.
Các nhà bán lẻ từ Target cho đến Kohl’s đang ngồi trên núi hàng thời trang tồn kho một phần là do người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ăn uống ở tiệm và tham dự các sự kiện khác bên ngoài. Sự mất cân đối cung cầu này khiến các nhà bán lẻ tăng cường bán giảm giá để giải phóng hàng tồn kho.
“Cạnh tranh về giá ở Mỹ rất gay gắt”, Yunoki nói và cho biết thêm rằng GU đang cố gắng thiết lập chỗ đứng hơn là chỉ dựa vào giá thấp. Với những mặt hàng như quần túi hộp ống rộng và áo len crop top, GU mang đến nhiều sự lựa chọn thời trang hơn Uniqlo.
GU cũng có các chuyên gia tư vấn thời trang để giúp người mua sắm phối trang phục miễn phí, điều mà ông Yunoki nói là không bình thường đối với một nhà bán lẻ giá rẻ.
Trong khi đó, Primark không chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo truyền thống và không bán hàng trực tuyến, giúp giữ chi phí ở mức thấp. John Bason, Giám đốc tài chính Associated British Foods, công ty mẹ của Primark, nói: “Thương mại điện tử là một cách cung cấp sản phẩm rất tốn kém cho khách hàng”.
Nhiều nhà bán lẻ kiếm được ít hơn hoặc thậm chí thua lỗ khi bán hàng trực tuyến sau khi tính chi phí vận chuyển, xử lý và tỷ lệ trả hàng khá lớn so với các cửa hàng truyền thống.
Theo WSJ
Khánh Lan