Thời trang tuần hoàn: Sống 'mới' với đồ 'cũ'

Thời trang tuần hoàn được xem là một xu hướng phát triển tiềm năng trong ngành công nghiệp may mặc. Trong đó, bảo vệ môi trường là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

 Dự án thời trang tuần hoàn có tên gọi là Urban Circular Space (UCS) giúp gia tăng vòng đời của các sản phẩm thời trang.

Dự án thời trang tuần hoàn có tên gọi là Urban Circular Space (UCS) giúp gia tăng vòng đời của các sản phẩm thời trang.

Cũ người - mới ta

Thuật ngữ "thời trang tuần hoàn" được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014 gắn liền với xu hướng thời trang bền vững, được đón nhận nồng nhiệt trong lĩnh vực thời trang trên thế giới.

Thời trang tuần hoàn tập trung vào việc tái sử dụng, tái chế những sản phẩm cũ, và dùng đi dùng lại trong một thời gian cố định lâu dài, từ đó giảm thiểu chất thải ra môi trường. Với phương châm cũ người - mới ta, khách hàng hoàn toàn có thể sở hữu những bộ đồ mới với chi phí rẻ hơn nhiều lần. Đồng thời sử dụng những món đồ tái chế xinh xắn, hữu ích làm từ các sản phẩm may mặc bị lỗi, hỏng.

Bạn Phan Thị Minh Thu, một người yêu thích các món đồ tái chế chia sẻ: “Mình hay mua đồ secondhand và đặc biệt thích những chiếc túi tái chế từ quần jean hỏng. Mình không nghĩ là những chiếc quần jeans hỏng sẽ làm được những chiếc túi xinh như thế. Nó rất bắt mắt và mình rất thích thú. Cảm giác như những đồ vật đã cũ đã hỏng được hồi sinh vậy.”

Tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường chính là điểm cộng mà bạn Nguyễn Khánh Dung dành cho đồ secondhand (đồ đã qua sử dụng) : “Một phần nữa là do nhu cầu cá nhân của mình, mình cũng cảm thấy là những cái phong cách đồ secondhand rất là phù hợp với mình. Mặc dù là đồ cũ nhưng mà mình cảm thấy là nó vẫn còn sử dụng được thì mình sẽ sử dụng”.

Thời trang tuần hoàn: xu thế tất yếu trong ngành thời trang

Tính trên phạm vi toàn cầu, thì mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang tạo ra 92 triệu tấn vải phế liệu. Thời trang ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở mức báo động, và 85% trong số 53 triệu tấn hàng dệt được sản xuất mỗi năm cuối cùng cũng bị thải hoặc bị thiêu hủy. Trong toàn ngành công nghiệp, chỉ có 13% hàng dệt được tái chế. Ít hơn 1% hàng dệt may được tái chế thành quần áo mới, gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD nguyên liệu mỗi năm. Mô hình tuyến tính của thời trang cần một sự chuyển đổi căn bản và tính tuần hoàn có thể đáp ứng điều đó.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, giá trị tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn của thời trang có thể lên tới 5 nghìn tỷ USD. Mô hình kinh tế thời trang tuần hoàn tái sử dụng đồ cũ nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm lâu nhất có thể là xu thế tất yếu vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế cao.

Xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, nhận thấy hậu quả nghiêm trọng mà ngành thời trang nhanh đang dần giết chết hành tinh của chúng ta. Nhiều bạn trẻ đã rất có ý thức trong việc sử dụng thời trang, ưu tiên, chú trọng thời trang tuần hoàn. Những bộ quần áo cũ vốn ở bãi rác và bị bỏ đi một cách không thương tiếc nay được hồi sinh ở những gian hàng nhỏ.

Một nhóm bạn trẻ tại Việt Nam đã sáng lập, vận hành dự án thời trang tuần hoàn có tên gọi là Urban Circular Space (UCS) giúp gia tăng vòng đời của các sản phẩm thời trang.

Bạn Trần Thúy Nga, quản lý dự án thời trang tuần hoàn hiện tại thay cho người sáng lập là chị Trần Thị Thu Hà chia sẻ: “Thời trang tuần hoàn tại UCS ấy thì mọi người có thể hiểu đơn giản là một vòng khép kín, tức là sử dụng những cái sản phẩm thời trang và đến khi nào mà nó không thể sử dụng được nữa. Về những cái đồ còn mới thì bọn mình sẽ bán lại ở cửa hàng để có cái chi phí duy trì cho mặt bằng nhân viên. Với những cái đồ tầm trung thì bọn mình sẽ gom và phương tặng cho các đoàn hay là những cái cá nhân đi từ thiện. Về các sản phẩm mà nó bị rách, hỏng không thể sử dụng được nữa thì bọn mình sẽ dành cái phần đó để làm một số những cái sản phẩm tái chế, hay là những cái túi đựng này hay là những cái lót ly lót bàn để có thể là tái sử dụng lại những cái món đồ đó sao cho cái công năng của nó được hoạt động tối đa nhất có thể.”

Với hi vọng giúp mọi người có thể hiểu và nhận thức rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lại những sản phẩm thời trang đã cũ.

Từ đó thì mọi người cũng có thể là giảm thiểu được cái lượng rác thải về thời trang lên môi trường. Thứ hai là tiết kiệm chi phí, chi phí tiêu dùng, chi trả hàng tháng cho các sản phẩm về thời trang” quản lý dự án cho biết.

Hơn ba năm đi vào hoạt động, UCS đã tái sinh hàng ngàn sản phẩm, mang lại cơ hội cho những bộ quần áo cũ được sống thêm lần nữa. 1000 - 2000 sản phẩm thời trang được UCS tuần hoàn hàng tháng, tháng đỉnh điểm có thể lên đến 4000 sản phẩm. Đây là những con số minh chứng cho sự nỗ lực khi lan tỏa tinh thần tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng của nhóm bạn trẻ được khách hàng đón nhận và ủng hộ.

Thời trang tuần hoàn ngày càng thịnh hành và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bạn Lý Vân Anh chia sẻ: “Đồ secondhand thì ngày càng chất lượng, mẫu mã phong phú, giá thành thì khá là rẻ và đối tượng mua đồ secondhand cũng rất là đa dạng. Mình cũng rất thích sử dụng đồ second hand, vì sử dụng đồ secondhand theo mình biết là một trong những biện pháp để bảo vệ môi trường”.

Trong thời trang tuần hoàn, không chỉ tái sử dụng những sản phẩm thời trang mà còn tái chế những đồ đã lỗi, hỏng thành một phiên bản mới và mang một ý nghĩa mới.

Những chiếc quần jeans cũ đã được chị Bùi Thị Kim Ngân “tái sinh” trong hình hài là những chiếc túi xách thời trang độc đáo với mục đích kéo dài vòng đời của sản phẩm thời trang, hạn chế tối đa việc xả rác thời trang ra môi trường.

Chị Ngân cho hay : “Dự án tái chế quần jeans bắt đầu từ năm 2013, bắt đầu thương mại sản phẩm của năm 2019 và tới nay thì bên mình đã tái chế được khoảng 5000 chiếc túi xách, tương đương với khoảng hơn 5000 chiếc quần jeans được giải cứu. Ngoài chất liệu jeans thì bên mình còn giải cứu cả áo da, áo lông. Hiện tại thì ngoài cái cửa hàng tại Hoàn Kiếm thì bên mình có bốn điểm bán khác ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang.

Dưới bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ của chị Ngân, những sản phẩm được làm từ quần jeans cũ có mẫu mã đa dạng, họa tiết bắt mắt và cũng không kém phần thời thượng. Đó là những chiếc túi tròn, túi đựng mắt kính, túi xách du lịch, túi bao tử,...được xếp gọn gàng trên kệ đồ. Vòng đời của chiếc quần jeans cũ cứ như vậy được lặp lại ở phiên bản của một chiếc túi có tính hữu dụng.

Mô hình tuần hoàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho ngành thời trang nhưng rõ ràng nó mang trong mình đầy tiềm năng. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể diện đồ không những mới mà còn độc đáo, thỏa sức sáng tạo với những bộ cánh mang màu sắc cá nhân trong thời trang tuần hoàn.

Và để sản phẩm thời trang thực sự được tuần hoàn, thì nó cần xuất phát từ ý thức của người tiêu dùng về việc tận dụng các sản phẩm thời trang quần áo của mình.

Chị Kim Ngân, chủ cửa hàng Tái chế quần jeans chia sẻ: “Không phải bạn cứ mua thời trang ở những cái hãng mà người ta làm nhà tái chế hay tuần hoàn thì mới là tuần hoàn. Bạn có thể mua thời trang nhanh bình thường, nhưng mà bạn tận dụng cái sản phẩm đấy một cách tối ưu. Bạn dùng nó lâu nhất có thể, sau đó thì bạn có thể cho tặng quyên góp hoặc là tái chế, tái sử dụng nó với bất kỳ hình thức nào thì để kéo dài vòng đời thì nó thì nó đã là từ trong tuần hoàn và bền vững rồi.

Sống mới với đồ cũ, mang lại cuộc đời mới cho các sản phẩm thời trang nhằm góp phần bảo vệ môi trường là điều mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể làm được. Chỉ cần bạn thay đổi hành vi mua sắm, một chiếc áo cũ đã được tuần hoàn và một chiếc quần jeans lỗi đã được tái chế.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thoi-trang-tuan-hoan-song-moi-voi-cu-2142411.html