Thời trang… túi khí

Tại Nhật Bản, có hơn 3 triệu ô tô bị thải ra hàng năm và phụ tùng của chúng hầu hết được tái sử dụng hoặc tái chế. Tuy nhiên, có một bộ phận hiếm khi được tái sử dụng là túi khí. Điều này bắt đầu thay đổi nhờ những bộ óc sáng tạo đem lại vòng đời mới cho chúng.

Nhà thiết kế thời trang Heron Preston nổi tiếng, được nhiều người biết đến qua việc hợp tác với Nike, GAP và Kanye West. Tuy nhiên, dự án hợp tác mới nhất của Preston đặc biệt hơn cả khi ông cùng Mercedes-Benz tạo ra một dòng thời trang từ túi khí bị vứt bỏ. Hãng ô tô của Đức gửi cho ông Preston những túi khí đã qua sử dụng trong các thử nghiệm va chạm. Preston đã khéo léo sáng tạo, biến chúng thành những ý tưởng thời trang cao cấp. Các trang phục này mô phỏng tính năng phồng lên, xẹp xuống của túi khí và gần đây đã được trưng bày tại khu Roppongi của Tokyo. Ông Tamizane Hiroki, người phát ngôn của Mercedes-Benz Nhật Bản cho biết, ý tưởng này xuất phát từ các cuộc thảo luận về tính bền vững và cách tái sử dụng, tái chế để tăng giá trị cho những thứ thường bị vứt bỏ.

Sản phẩm thời trang từ túi khí của nhà thiết kế Heron Preston

Sản phẩm thời trang từ túi khí của nhà thiết kế Heron Preston

Mercedes-Benz không phải là công ty duy nhất nhận ra tiềm năng thời trang từ túi khí. Công ty tái chế xe hơi Nhật Bản Nishikawa Shokai muốn thu hút sự chú ý vào tính tiện dụng của túi khí, vốn được thiết kế để chịu đựng va chạm và nhiệt độ khắc nghiệt. Công ty đã nhờ đến sự giúp đỡ của nhà thiết kế thời trang theo phong cách tiên phong - Kawanishi Ryohei. Ông Kawanishi cho biết thách thức lớn nhất của dự án là phải lưu ý tới kích thước và hình dáng túi khí. Từ một túi khí thu được rất ít vải, nên mất khoảng 10 túi khí mới có thể sản xuất được một chiếc áo khoác. Thêm vào đó, việc may các mảnh vải với nhau mất nhiều thời gian hơn là cắt từ một tấm vải lớn. Theo nhà thiết kế Kawanishi, điều này là thách thức lớn bởi họ không muốn dự án này chỉ dừng ở một bộ sưu tập mang tính ý tưởng. “Ngoài việc may đo, một thách thức lớn nữa là nghĩ xem làm sao để sản xuất số lượng lớn và thương mại hóa các sản phẩm này”, ông Kawanishi nói.

Cuối cùng, nhà thiết kế Kawanishi tìm được một xưởng may sẵn sàng bỏ nhiều thời gian và công sức cho công việc này. Ông tạo ra 9 thiết kế, trong đó có áo khoác, quần, mũ và túi xách. Chất liệu vải cứng cáp, đường may lộ một cách có chủ ý và họa tiết chắp vá là những điểm tạo nên sức hấp dẫn của các thiết kế này. Ông Kawanishi đưa vào thiết kế các mã số in trên túi khí. Mức giá là khoảng 200 USD cho 1 áo khoác, thấp hơn nhiều so với các thiết kế thông thường của ông.

Cả nhà thiết kế và công ty tái chế đều có quê hương là Tottori, nên họ quyết định ra mắt bộ sưu tập tại đây, bắt đầu với việc khai trương một cửa hàng quần áo ở thành phố Tottori vào tháng 1 vừa qua. Ngay khi mở cửa, cửa hàng đã đón lượng người lớn tới mua sắm. Anh Yasui Daisuke, một khách hàng đặt mua khá nhiều sản phẩm, cho biết: “Tôi thấy thiết kế mã số này thật thú vị. Tôi cũng được biết là mỗi sản phẩm có họa tiết chắp vá khác nhau, nên tôi rất háo hức xem hàng mình đặt sẽ ra sao”.

Công ty Nishikawa Shokai cho biết việc hợp tác với những người trong các lĩnh vực, ngành khác nhau giúp họ suy nghĩ khác về những thứ trước đây bị vứt bỏ. Công ty mong muốn tiếp tục tìm kiếm các cách mới để biến rác thải thành kho báu.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//thoi-trang-tui-khi-800760.html