Thời trang và văn học: 'Mối tình' vượt thời gian

Qua hàng thập kỷ, thời trang thế giới đã luôn song hành, thậm chí có mối quan hệ mật thiết với một loại hình nghệ thuật khác, vốn cũng hướng tới thể hiện lý tưởng về cái đẹp.

Chanel biến Grand Palais thành thư viện khổng lồ trong bộ sưu tập Thu - Đông 2019 nhằm tôn vinh niềm đam mê sách của Karl Lagerfeld. (Nguồn: AFP)

Chanel biến Grand Palais thành thư viện khổng lồ trong bộ sưu tập Thu - Đông 2019 nhằm tôn vinh niềm đam mê sách của Karl Lagerfeld. (Nguồn: AFP)

Từ kiệt tác Orlando của tiểu thuyết gia Virginia Woolf (1882-1941), cho đến những tập thơ gốc của Jack Kerouac (1922-1969) và Bữa sáng ở Tiffany’s kinh điển của nhà văn Truman Capote (1924-1984), có lẽ khó ai có thể điểm lại hết những “câu chuyện tình” đẹp nhất giữa thời trang và văn học.

Thơ văn “bứt phá” đường băng

Tháng 12 năm ngoái tại London, nhà thiết kế Kim Jones đã trình làng bộ sưu tập Dior Homme Thu – Đông 2022 trên đường băng lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết du hành huyền thoại Trên đường của nhà văn Jack Kerouac.

Đây không phải lần đầu tiên văn học "quyến rũ" vị giám đốc nghệ thuật đến từ nhà mốt nước Pháp. Khai thác ý tưởng từ nhân vật chuyển giới trong Orlando, ông từng “thổi hồn” kiệt tác một thời của Virginia Woolf vào dòng thời trang cao cấp (Haute Couture) của Fendi hồi đầu năm.

Tuy thường hướng đến văn hóa đại chúng, song thời trang chưa từng từ bỏ tình yêu dành cho các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất từ nhiều thập kỷ, hay thậm chí là hàng thế kỷ qua.

Điển hình là Burberry với nguồn cảm hứng từ tác phẩm của Virginia Woolf, Givenchy với những bộ sưu tập gắn liền với cả phiên bản trên giấy và màn ảnh nhỏ của Bữa sáng ở Tiffany’s, và cả bộ sưu tập Chanel Haute Couture Thu - Đông 2019 khó quên trên đường băng chủ đề thư viện tại Grand Palais, Pháp.

Bộ sưu tập của Burberry với nguồn cảm hứng từ tác phẩm Orlando của Virginia Woolf. (Nguồn: Elle)

Bộ sưu tập của Burberry với nguồn cảm hứng từ tác phẩm Orlando của Virginia Woolf. (Nguồn: Elle)

Từ nhà văn đến nhà mốt

Giải thích về gốc rễ của mối liên hệ chặt chẽ trên, Thierry Tessier, nhà sử học nghệ thuật và chuyên gia thời trang những năm 1850-1950 cho rằng, bản chất của thời trang là phải bắt kịp toàn bộ xu hướng, bất kể từ đường phố, âm nhạc, điện ảnh hay nghệ thuật.

Trong đó, văn học, đặc biệt là những cuốn sách và tập thơ huyền thoại, luôn dễ dàng khơi dậy sự sáng tạo của các giám đốc nghệ thuật.

Các tác phẩm văn học, nhất là những chủ đề đã quá đỗi quen thuộc như Cuộc chiến thành Troy, Chuyện tình Hoa hồng hay Tiểu sử Marie Antoinette…, vốn đóng vai trò như cầu nối giao tiếp trong bộ sưu tập của các nhà mốt hàng đầu, giúp họ tiếp cận lượng đối tượng rộng nhất. Bởi vậy, rất hiếm khi các thương hiệu lấy cảm hứng từ những tác giả xa lạ và không rõ tên tuổi.

Mỗi bộ sưu tập cần có khả năng thu hút đa dạng đối tượng khán giả, từ “người qua đường”, người có hứng thú, đam mê với lĩnh vực cho đến các chuyên gia, nhà bình.

Đó là lý do tại sao các giám đốc nghệ thuật lựa chọn thiết kế sàn diễn lấy cảm hứng từ các nhân vật văn học, với mong muốn truyền tải hiệu quả thông điệp, dụng ý của nhà mốt.

Orlando và Bữa sáng ở Tiffany’s là những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến thời trang thế giới.

Orlando và Bữa sáng ở Tiffany’s là những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến thời trang thế giới.

Lịch sử “tình trường” đằng đẵng

Dưới ảnh hưởng của văn học, những thiết kế thời trang đầu tiên đã ra đời. Ấn tượng đầu tiên phải kể đến là những chiếc đầm lộng lẫy như bước ra từ bộ sưu tập Haute Couture lần đầu xuất hiện tại Dạ hội năm 1971, mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn người Pháp Marcel Proust.

Bên cạnh đó, Dạ hội Trắng – Đen năm 1966 của nhà văn Truman Capote tại New York cũng được coi là nơi tụ họp những “bộ cánh” thế kỷ.

Orlando của Virginia Woolf, được cho là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thời trang, đã trở thành nguồn cảm hứng chính cho rất nhiều bộ sưu tập mang hơi thở trung tính, đồng thời gợi lên những quan niệm về bản dạng giới trên các đường băng.

Từ đó, giới thời trang càng nhắc tới nhiều hơn các nhân vật như họa sĩ minh họa người Anh Aubrey Beardsley, hay tài phiệt người Pháp Robert de Montesquiou.

Hàng năm, không thiếu nhà thiết kế lấy cảm hứng từ Alice ở xứ sở thần tiên hay những mẩu chuyện trong Đêm Arab. Ngoài Virginia Woolf, vô số tên tuổi có tầm ảnh hưởng đến thời trang khác như Dante, Oscar Wilde, Joris-Karl Huysmans, Jean Cocteau, Charles Dickens và Jules Verne.

Có văn học là có tất cả?

Những nhà thiết kế hàng đầu như Chanel, Karl Lagerfeld, Yves Saint Laurent hay Kim Jones đều có chung một niềm say mê vô hạn với sách. Thế nhưng, liệu có nhất thiết phải “ghiền” văn học để trở thành một nhà thiết kế giỏi?

Câu trả lời là không hẳn, bởi những nhân vật kể trên vốn sở hữu học thức sâu rộng và hiểu biết nhất định về thế hệ của họ. Họ đào sâu nghiên cứu và tự phản ánh cuộc sống, họ xem phim, “nghiền ngẫm” các buổi triển lãm và “lục tung” các kho tàng lưu trữ, nhằm “bòn rút” ý tưởng từ mọi nguồn có thể.

Điểm hẹn Văn học Cambon phiên bản thứ 4 với sự tham gia của nhà văn Jeanette Winterson (thứ hai từ phải) và Đại sứ Chanel Keira Knightly (ngoài cùng bên phải). (Nguồn: Twitter @CHANEL)

Điểm hẹn Văn học Cambon phiên bản thứ 4 với sự tham gia của nhà văn Jeanette Winterson (thứ hai từ phải) và Đại sứ Chanel Keira Knightly (ngoài cùng bên phải). (Nguồn: Twitter @CHANEL)

Ví dụ rõ nhất chính là Chanel, khi bà táo bạo đưa ra dự án “Điểm hẹn văn học Cambon” ngay giữa thời điểm game và các loạt phim truyền hình đang lấn át thời trang.

Với bà, việc cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng để bù lại mức giá mua “ngất ngưởng” là ưu tiên hàng đầu, bởi nghệ thuật tiếp thị chính là cầu nối lớn nhất giữa thương hiệu và khách hàng.

Bản thân Chanel chưa từng tự nhận mình là một nghệ sĩ. Bà chỉ là một nữ doanh nhân hiểu rất rõ thế hệ của mình, đồng thời biết cách đoán định xu hướng từ những hiện tượng nhỏ nhặt xung quanh trong nền công nghiệp luôn xoay vần này.

(theo The Star)

Thúy Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoi-trang-va-van-hoc-moi-tinh-vuot-thoi-gian-178977.html