Thời xưa trị tội làm tiền giả

Từ thời kỳ bắt đầu xây dựng nền độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã phát hành tiền đồng để lưu hành trong nhân dân. Tiền là biểu tượng quyền lực của nhà vua, nên các hành vi làm tiền giả đều bị nghiêm trị với mức án cao nhất.

Cuối thời Trần, đời vua Trần Thuận Tông, sau khi thực hiện chỉ đạo của Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”, triều đình đặt ra quy định xử tử người làm tiền giấy giả, ruộng đất, tài sản của kẻ phạm tội đều bị tịch thu. Khi nhà Hồ thay nhà Trần, các quy định này vẫn được giữ nguyên.

Hình vẽ mô tả hoạt động đúc tiền thời xưa

Hình vẽ mô tả hoạt động đúc tiền thời xưa

Thời Lê, trong chương 8 (Trá ngụy) bộ “Quốc triều hình luật”, hay còn gọi là Luật Hồng Đức, có điều 522 quy định về việc xử tội đúc tiền giả như sau: “Những kẻ đúc trộm tiền đồng, thì không kể thủ phạm hay tòng phạm, đều xử tội chém; chủ chứa xử cùng tội; láng giềng biết mà không báo thì xử nhẹ hơn 2 bậc; quan lộ, quan huyện vô tình không biết, thì xử biếm hay phạt, xã quan phải tội đồ, thưởng cho người tố giác hay bắt được hai tư (tức hai bậc “điểm hạnh kiểm” để sau có thể trừ khi phạm tội, lỗi, hoặc cộng dồn khi thăng thưởng).

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, đã cho lập sở đúc tiền ở kinh đô, đặt tên là sở Bảo giá, và sở đúc tiền ở Bắc thành, đặt tên là sở Bảo tuyền. Luật hình thời Nguyễn, tức bộ “Hoàng Việt luật lệ”, ban hành thời Vua Gia Long nên còn gọi là Luật Gia Long, trong chương Trá ngụy cũng có điều số 325, quy định xử phạt tội đúc tiền giả với mức án cao nhất là xử chém.

Sang thời Vua Minh Mạng, ngay trong năm Minh Mạng thứ nhất (1820), theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, nhà vua cho định lệnh cấm đúc trộm tiền. Đó là khi nhà vua sắc hỏi Phó tổng trấn Bắc Thành Lê Văn Phong rằng: “Tiền kẽm mới đúc dùng ở Bắc Thành thế nào?”. Khi Lê Văn Phong tâu nói: “Dùng thì tiện, chỉ sợ có tệ đúc trộm thôi”, nhà vua cho là phải, và dụ rằng: “Đúc tiền là để lợi cho việc dùng của dân. Nhà nước mới đúc tiền kẽm, từ Quảng Bình vào Nam, đều đã tiêu dùng. Duy từ Nghệ An ra Bắc vẫn dùng tiền đồng cũ, từ trước đến nay, ngày càng hao bớt, dân dùng không đủ. Vậy đặc chuẩn từ nay về sau, kho tàng xuất thu, dân gian mua bán, đều dùng kẽm tiền “Gia Long thông bảo” và “Minh Mạng thông bảo” để cho cái lợi tiền tệ đến khắp mọi nơi”.

Sau đó, Vua Minh Mạng chuẩn định điều cấm, ai dám đúc trộm thì phải tội giảo giam hậu (thắt cổ nhưng giam lại chưa thi hành án), tịch thu gia sản. Người tố cáo được thưởng 50 lạng bạc. Người chở trộm và mua bán trộm kẽm thì xử 60 trượng, đồ 1 năm, thuyền và hàng hóa, một thu vào nhà nước, lại lấy 3 phần 10 tang vật thưởng cho người tố cáo. Các quan phủ huyện và đồn thủ không kiểm soát được thì xử tội thất sát. Biết tình mà cố ý dung túng thì đồng tội với người phạm. Những người ở trường đúc cục Bảo tuyền và Đồ gia Bắc Thành, có ai mang khối kẽm đúc tiền ra ngoài thì theo luật lấy trộm tiền lương ở kho, tính tang vật xử tội.

Việc đúc bạc đĩnh cũng được Vua Minh Mạng quy định, qua việc chế sáu hạng đĩnh bạc mẫu, gửi cho cục Tạo tác ở Bắc Thành theo quy thức mà chế tạo. Nếu đĩnh bạc được đúc ra mà kém phân li thì thợ đúc bị xử theo luật “cắt xén vành tiền” tăng thêm một bậc. Người quản thợ để xảy ra lỗi này thì xử tội kém người thợ hai bậc. Ai dám đúc riêng thì xử theo luật “đúc tiền tư”. Ai pha lẫn đồng chì vào thì xử theo luật “làm vàng giả”.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), triều Nguyễn tiếp tục định lại lệnh cấm đúc tiền trộm. “Đại Nam thực lục” chép lời nhà vua bảo bộ Hộ rằng: “Nhà nước đúc tiền là để nguồn của dồi dào dân được tiện dụng. Từ trước đến nay số tiền lưu thông ở dân gian, đã thấy đầy đủ. Như nay hai cục Bảo hóa, Bảo tuyền ở Kinh và ở ngoài, đã sai thôi đúc, nhưng còn nghĩ bọn hèn mọn hám lợi khỏi sao cái tệ đúc trộm, sẽ đến nỗi tiền mất giá, hàng đắt lên, giá các thứ cao vọt. Nên dụ sai quan Bắc Thành chuyển sức cho phủ huyện các trấn trong hạt nghiêm ngặt dò xét có đồng tiền nào dị dạng mới đúc thì xét cho ra để trừng trị”.

Tiền đồng thời Minh Mạng

Tiền đồng thời Minh Mạng

Năm 1828, ở Lạng Sơn phát hiện ngoài chợ phố có thứ tiền dáng lạ, số lượng hơn 100 quan. Trấn thần là Hoàng Văn Tài và Đào Đức Lung vì không xét rõ được kẻ gian, đều bị giáng xuống một cấp. Sắc cho thành thần nghiêm cấm dân trong hạt không được dùng tiền đúc riêng tiêu lẫn với tiền của nhà nước. Ai phạm điều ấy thì phải tội. Quan sở tại không xét được cũng phải nghiêm trị.

Nhân sự kiện này, Vua Minh Mạng bảo bộ Hộ rằng: “Cục Bảo Tuyền là chỗ của cải từ đấy mà ra, bọn lại ty dễ mượn để làm gian, nếu không hạn chế mà ngăn dứt thì cái tệ đúc tiền trộm như ở Lạng Sơn sẽ không ít đâu. Nên truyền dụ cho thành thần rút thợ đúc. Lại sức cho nhân dân, ai có chứa kẽm cũ thì hạn trong một năm phải đem bán cho nhà nước. Từ sang năm về sau ai chứa 100 cân kẽm trở lên thì bị tội. Trong cục Bảo Tuyền phải kiểm soát lẫn nhau, ai đúc trộm thì chém để răn kẻ khác. Nếu mặc kệ không xem xét, sự phát giác thì đều trị tội nặng”. Mặc dù có lệnh cấm nhưng vì cái lợi của việc đúc tiền kẽm lớn nên nạn đúc trộm tiền vẫn diễn ra, giá trị của tiền kẽm vì thế mà sụt giảm.

Như vậy, những năm này, đã xuất hiện việc người dân lén lút tự đúc tiền để đưa vào lưu thông lẫn với tiền nhà nước. Do đó, Vua Minh Mạng phải dụ bầy tôi rằng: “Điều cấm đúc trộm tiền, phép nước rất nghiêm. Thế mà bọn không tốt coi thường hiến chương, vẫn có kẻ khinh suất xúc phạm như vụ án tiền dị dạng ở Lạng Sơn năm trước đã đủ thấy được. Hiện nay của trọng tiền khinh, vật giá đắt lên, thì cái tệ tiêu tiền lẫn lộn không những chỉ ở các hạt Bắc Thành mà thôi. Nếu không chỉnh đốn nghiêm ngặt thì sợ bọn tiểu dân không biết phạm pháp càng nhiều thì không phải là người nhân đức dụng tâm như thế. Vậy hạ lệnh cho Thừa Thiên cùng các thành trấn đạo nghiêm sức cho phủ huyện trong hạt, gia tâm dò xét, có kẻ nào phạm tội đúc tiền trộm ấy thì chém đầu để răn bảo dân chúng. Lại thông sức cho dân gian, ai trót đã trữ lầm tiền lại đúc trộm thì hẹn cho trước cuối năm nay phải đem nộp hết ở quan để tiêu hủy và cấp trả cho số tiền nhà nước (mỗi 2 đồng, cấp cho 1 đồng tiền nhà nước). Ai dám dùng tiền ấy mua bán với nhau thì phạt 50 roi và thu tiền ấy vào quan. Lại chiếu số tang vật, chiết lấy một nửa số tiền nhà nước để thưởng cho người bắt được. Ngoài hạn ấy, mà còn dám trữ giấu và đem tiêu lẫn lộn thì theo điều luật đúc trộm tiền mà xử tội. Người bắt được thưởng như lệ”.

Ngoài ra, triều đình xét rằng để đúc trộm tiền tất phải dùng bằng thứ kẽm, mà các địa phương Tuyên Quang và Thái Nguyên là những nơi sản xuất ra kẽm, nên hạ lệnh cho quan Bắc Thành nghiêm sức cho các cửa quan, bến đò, phàm các đường tất phải đi qua, ở hai hạt ấy ngày đêm phải khám xét, có người mang lén kẽm đi qua thì bắt trị tội, nếu thiên tư dung túng thì có tội.

Do việc đúc tiền ở Bắc Thành quá nhiều bê bối, nên triều đình đóng cửa cục đúc tiền ở ngoài Bắc, chỉ tập trung ở kinh sư. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Binh bộ Lê Văn Đức tâu rằng: “Ngày gần đây triều đình trừng trị việc nhũng tệ ở Bảo tuyền cục Bắc Thành là nghĩ muốn sửa đổi mối tệ, cho nên bàn đem việc đúc tiền về kinh sư. Thần ngu muội cho rằng địa phương Bắc Thành rộng rãi, chi phí rất nhiều, lại có việc đê chính, hằng năm tiêu đến hàng vạn, nay bỏ Cục ấy sợ không đủ dùng chăng”.

Vua Minh Mạng trả lời rằng: “Đặt Cục ấy ở Bắc Thành, từ trước đến nay đúc tiền trộm nhiều lắm. Nay trong nước kẻ gian đúc tiền trộm chỉ Bắc Thành là tệ hơn cả, vì hạt thành là nơi sản xuất kẽm, lại có Cục ấy để làm sào huyệt, cho nên tiền đúc trộm cùng với tiền nhà nước lẫn lộn, ngày càng xấu mỏng, của thì trọng, tiền thì khinh, mà sự chi dùng của dân do đó thêm quẫn bách. Huống chi trẫm nghe bọn đúc trộm tiền đều là nương tựa ở núi rừng hẻo lánh, nhử mồi bọn dân nghèo, đảng lõa có khi nhiều tới vài trăm người, đến khi việc phát thấy lùng bắt thì họp nhau ẩn nấp, mong sống qua ngày, giặc cướp sinh ra phần nhiều là do ở đấy. Thế thì Cục đúc tiền đem về Kinh, không những trừ được nguồn tệ đúc tiền trộm, mà cũng có thể dẹp được bọn giặc cướp chưa hiện hình. Nếu ở thành chi dùng không đủ, chẳng thà hằng năm chở tiền ở Kinh cấp cho, chứ Cục ấy nhất định không thể đặt ở ngoài được”.

Có một vụ đúc tiền kém chất lượng bị phát hiện năm 1832 đã khiến Vua Minh Mạng phải đưa ra lời khuyên răn thợ và người làm việc trong xưởng đúc tiền rằng nếu ai dám bớt xén, giả mạo hoặc pha trộn lẫn thì bị xử tử. Nguyên do trong xưởng đúc có người thợ tên là Nguyễn Văn Khê đánh rơi mất đồng kim tiền, nên đã tự tiện lấy chỗ vàng thừa điền vào chỗ thiếu. Một người thợ khác là Nguyễn Văn Tường lấy bạc pha lẫn với vàng, cả hai đều bị người coi quản phát giác ra được, bộ Hình xử án khép Nguyễn Văn Khê vào luật lấy trộm của nả của Nội vụ phủ, xử chém, nhưng cho chịu tội đồ. Nguyễn Văn Tường khép vào luật làm vàng bạc giả, xử phạt trượng và bị tội đồ, còn đốc công sơ sót không xét rõ, thì xin phạt giáng chức.

Vua Minh Mạng xem bản án, ban dụ rằng: “Nguyễn Văn Khê tình dẫu đáng ghét nhưng kim tiền chưa từng vào tay, còn có thể khoan giảm được. Nguyễn Văn Tường quen láu lỉnh, tang vật dẫu không nhiều, nhưng sự tình nặng hơn, lời bàn của bộ chưa được đúng. Vậy Nguyễn Văn Tường đổi ra tội trảm giam hậu; Nguyễn Văn Khê đổi ra tội phạt 100 trượng, cách dịch (tức bãi về, không cho làm việc, chưa phải mức “cách chức” là bậc cao hơn), đóng gông 2 tháng, khi mãn hạn cho về nhập vào sổ dân chịu sai dịch. Lại nữa, việc chế tạo kim tiền hao hụt không đến 1%, thế mà từ trước đến nay, đốc công là bọn Phan Đăng Huyên và Nguyễn Công Điền không hề xem xét tý nào, để cho thợ và người làm quen thói bớt xén, sinh ra mối tệ, không những một lần này thôi đâu. Vậy đều phải đánh ngay 80 trượng”.

Sang đến thời Vua Tự Đức thì nạn đúc trộm tiền quá nhiều, triều đình khó ngăn chặn, do đó từ năm 1849, triều Nguyễn đã buộc phải cho phép dân tự đúc tiền kẽm, nhưng phải theo đúng trọng lượng quy định của nhà nước. Giai đoạn này, triều đình cũng thuê thợ người nước Thanh đến đúc tiền cho triều đình, với chi phí thuê đúc là ba phần mười giá trị. Sau đó, thợ đúc nước Thanh thấy lợi nhuận thấp nên xin thôi.

Tiền giả được người nước Thanh đúc rồi tuồn vào nước ta nhiều từ thời Vua Tự Đức. Do đó, sử triều Nguyễn viết về nạn người buôn gian đúc tiền giả, thay thế tiền đồng của ta, dân nhiều người dùng lầm, khiến Vua Tự Đức phải ra lệnh cho đồn ải các hạt xét bắt tiền giả của người buôn nước Thanh, còn dân trong hạt người lấy lầm phải thì thú nhận đem nộp để tiêu hủy đi.

Đến thời Vua Hàm Nghi, tháng 11/1884, triều đình đã xử án chém 4 thương nhân Trung Quốc do Lý Thành Long cầm đầu, can tội chở lậu 20 bao tiền đồng vào nước ta. Để đối phó tiền đồng giả đã lan tràn trong dân chúng, triều đình ban bố một số điểm sau: Quy định tiền đồng loại nặng 1 đồng cân và 9 phân vẫn ăn 6 đồng tiền kẽm như trước, còn các loại nặng 6-7 phân trở xuống cùng các loại tiền đồng kiểu lạ khác, mỗi đồng chỉ ăn 4 đồng tiền kẽm. “Kẻ nào chuyển tiền đồng của nước ta ra nước ngoài đều bị kết án chém ngay lập tức, hãy trông gương bọn Lý Thành Long”, lệnh của triều đình viết rõ. Mặc dù vậy, lệnh này không thi hành được vì bọn gian thương đút lót, khiến tình hình chợ búa trở nên rắc rối. Do đó, đến tháng 3/1885, triều Nguyễn lại phải cho tự do lưu hành tiền đồng giả nhưng chỉ ăn hai đồng tiền kẽm.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thoi-xua-tri-toi-lam-tien-gia-i710654/