Thôn Năm một lòng theo Đảng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù kẻ thù nhiều lần tổ chức các trận càn quy mô lớn đánh phá các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị và phân khu Bình Trị Thiên đóng tại Chiến khu Ba Lòng, nhưng có 5 hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Hải Phúc, huyện Đakrông không đi sơ tán mà tình nguyện bám trụ ở lại phục vụ cách mạng. Với sự đùm bọc, giúp đỡ của các hộ dân này, Chiến khu Ba Lòng được bảo vệ an toàn, là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến và nhân dân Quảng Trị đánh giặc, giải phóng quê hương.

 Cơ sở chiết xuất tinh dầu sả HTX Dược liệu Vân Pa, mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở huyện Đakrông. Ảnh: N.T.H

Cơ sở chiết xuất tinh dầu sả HTX Dược liệu Vân Pa, mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở huyện Đakrông. Ảnh: N.T.H

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Hải Phúc lấy câu chuyện của 5 hộ gia đình bám trụ phục vụ cách mạng ở vùng Chiến khu Ba Lòng đặt tên cho thôn là Thôn Năm để giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu, nguyện một lòng theo Đảng, tiên phong đổi mới xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Một lòng theo Đảng

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài, ngày 14/4/1947, Tỉnh ủy Quảng Trị họp và quyết định xây dựng Ba Lòng (gồm 3 xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hải Phúc, huyện Đakrông ngày nay) thành chiến khu cách mạng của tỉnh, vì nơi đây có địa thế rất lợi hại “tiến có thể đánh và lui có thế giữ”. Thực hiện chủ trương đó, các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương xây dựng cơ sở tại Ba Lòng. Được sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân địa phương, Chiến khu Ba Lòng nhanh chóng được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, làm hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng Quảng Trị và chỗ dừng chân cho lực lượng vũ trang phân khu Bình Trị Thiên. Nơi đây, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 4 kì đại hội, đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, xây dựng cuộc sống, vừa đánh giặc, giải phóng quê hương, đất nước, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi tại chiến trường tỉnh Quảng Trị...

Cùng với sự ra đời của Chiến khu Ba Lòng, dưới ánh sáng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đồng bào Vân Kiều xã Hải Phúc đã sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng. Khi Chiến khu Ba Lòng trở thành mục tiêu trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ vào những năm 1960, nhân dân quanh khu vực chiến khu được lệnh đi sơ tán, thì 5 hộ gia đình gồm: Hồ Mó, Hồ Vang, Hồ Nhing, Hồ Nang, Hồ Ka Nung vẫn quyết tâm bám trụ ở 5 quả đồi quanh khu vực Khe Su để giúp đỡ các lực lượng kháng chiến. Với lợi thế thông thạo địa hình đồi núi, dễ qua mắt các lực lượng tình báo, gián điệp của địch, nên việc đưa đón cán bộ, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược… qua lại vùng chiến khu của các hộ dân này đều bảo đảm bí mật, an toàn, góp phần làm thất bại âm mưu đánh phá, tiêu diệt các cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng của tỉnh Quảng Trị tại Ba Lòng.

Chủ tịch UBND xã Hải Phúc Hồ Xuân Hoàng cho biết: “Trải qua hai cuộc kháng chiến, Thôn Năm với vỏn vẹn 50 hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống thì đã có tới 15 liệt sĩ, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Đảng và Nhà nước ghi công. Chi bộ đảng đầu tiên của xã Hải Phúc được thành lập từ Thôn Năm này, với số đảng viên chiếm hơn một nửa đảng viên toàn Đảng bộ xã. Trong đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, người dân thường lấy tên con sông, ngọn núi lớn nơi mình ở để đặt tên cho bản làng, song người dân Thôn Năm lấy câu chuyện của 5 hộ gia đình bám trụ phục vụ cách mạng tại Chiến khu Ba Lòng đặt tên thôn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu sau này. Và gần đây, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố, hai thôn lân cận là Thôn Năm và Văn Vận sáp nhập lại một thì người dân vẫn biểu quyết lấy tên thôn mới là Thôn Năm, nguyện một lòng theo Đảng”.

Đi đầu xây dựng quê hương

Trở lại Chiến khu Ba Lòng hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay diệu kì trong đời sống và cách nghĩ, cách làm xây dựng quê hương của đồng bào Vân Kiều ở Thôn Năm, xã Hải Phúc. Hơn 20 năm trước, Thôn Năm là bản làng người dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện Đakrông đã xóa bỏ tập quán canh tác nương rẫy “phát, đốt, cốt, trỉa” kiểu gieo hạt rồi phó mặc cho trời, chuyển sang trồng rừng sản xuất và canh tác lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực. Đến nay, xã Hải Phúc có 700 ha rừng sản xuất, trong đó diện tích rừng của Thôn Năm chiếm hơn một nửa diện tích toàn xã, chia bình quân mỗi hộ gia đình có gần 7 ha rừng sản xuất, có thể sống được với nghề trồng rừng và vươn lên thoát nghèo từ kinh tế rừng. Năm 2017, Hợp tác xã Dược liệu Vân Pa là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở Đakrông được thành lập tại Thôn Năm, với tổng số 24 thành viên, chuyên sản xuất, chế biến tinh dầu sả. Từ chỗ sản xuất tự túc, tự cấp, giờ người dân Thôn Năm chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với thị trường. Có thể nói, đây là “cuộc cách mạng” lớn trong nhận thức, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.

Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Vân Pa Đoàn Văn Linh chia sẻ: “Khi chúng tôi chọn Thôn Năm là thôn toàn đồng bào Vân Kiều sinh sống để khởi động thành lập Hợp tác xã Dược liệu Vân Pa, có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng tổ chức sản xuất kinh tế tập thể của người dân ở đây. Thế nhưng, chứng kiến họ phân công công việc và chấm công lao động của các hộ thành viên trên diện tích 10 ha sả nguyên liệu chung của hợp tác xã, rồi họ tận dụng trồng sả ở bất cứ chỗ đất nào còn trống ở vườn nhà, bìa rừng của gia đình mình để nhập thêm lá sả nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến tinh dầu sả, thì chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm ăn phát triển kinh tế của bà con. Bây giờ, từ Thôn Năm, vùng sả nguyên liệu của hợp tác xã đã mở rộng ra các thôn của xã Hải Phúc và xã Ba Lòng với quy mô hơn 20 ha. Riêng đối với xã viên Hợp tác xã Dược liệu Vân Pa chỉ đóng góp ngày công trồng, thu hoạch lá sả và được chia thu nhập từ hợp tác xã giá trị khoảng 40- 50 triệu đồng/ha, nên ai cũng phấn khởi”.

Trưởng Thôn Năm Hồ Văn Cư cho biết thêm: “Ở Thôn Năm, hơn 90% hộ gia đình có công với cách mạng, nhân dân một lòng tin theo Đảng, nên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tếxã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, xây dựng nông thôn mới đều được người dân tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện có hiệu quả. Người dân luôn đi đầu thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới. Mỗi một gia đình đều ý thức rõ nguồn gốc tên thôn của mình và giáo dục con cháu luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương”.

Mùa xuân này, cuộc sống của người dân Thôn Năm ở Chiến khu xưa Ba Lòng có nhiều đổi mới, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã thay thế cho những ngôi nhà sàn cũ kĩ, đường quê được bê tông hóa sạch đẹp và sáng lung linh ánh điện về đêm, tràn trề niềm tin và hi vọng vào tương lai.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145544