Thôn người Dao canh cánh nỗi nhọc nhằn
Nằm tít hút trên dãy núi cao quanh năm mây phủ ít người biết tới, Ít Nộc - nơi sinh sống của hơn 100 hộ người Dao - là thôn đặc biệt khó khăn duy nhất, cao nhất, xa nhất của xã Làng Giàng (huyện Văn Bàn). Ở nơi xa xôi, nhiều hộ vẫn canh cánh nỗi lo thiên tai, mơ ước sớm ổn định cuộc sống.
Canh cánh nỗi lo sạt lở đất
Con suối Chút chảy róc rách từ những cánh rừng cổ thụ cao vời vợi nơi thượng nguồn đổ về thôn Ít Nộc trong những ngày đầu xuân tạo thành bức tranh thơ mộng và bình yên cho bản người Dao nơi đây. Tuy nằm trên sườn núi cao nhất xã Làng Giàng nhưng Ít Nộc lại là nơi có nhiều khe suối. Từ xưa, đồng bào Dao vẫn sinh sống ở ven những khe suối ấy để thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, theo anh Bàn Văn Chầu, Trưởng thôn Ít Nộc, cuộc sống bên những khe suối lại đầy ắp nỗi lo khi mùa mưa tới.
Lý giải điều mình nói, Trưởng thôn Bàn Văn Chầu không ngần ngại dùng xe máy đưa tôi vượt qua những đoạn đường dốc ngược và trơn trượt đến thăm một số hộ ven khe Cò Ton. Đứng bên ngôi nhà gỗ cũ nằm trên sườn núi, nhìn xuống khe, bà Bàn Thị Sính, 70 tuổi chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt và sụt lún dọc theo hiên nhà kéo dài cả chục mét, có chỗ vết nứt khá sâu đã được bà Sính lấp đi nhìn cho đỡ sợ. Bà Bàn Thị Sính bảo, vết nứt này xuất hiện từ năm 2021 và ngày càng rộng thêm. Gia đình có 6 người, trong đó có 2 người già, 2 cháu nhỏ từ 5 - 8 tuổi nhưng vẫn phải sống chung với nỗi lo sạt lở đất khi mùa mưa tới.
Cách nhà bà Sính không xa là nhà anh Triệu Tá Chiên nằm ngay bên cạnh khe Cò Ton. Anh Chiên cho biết: Gia đình tôi sống ở đây đã 2 đời. Cách đây hơn 1 năm, tôi thấy khu đồi cây phía sau nhà xuất hiện nhiều vết nứt và đất bị sụt lún mạnh. Vào những ngày mưa, nước tràn từ trên núi xuống, nguy cơ sạt lở rất cao. Gia đình tôi có 7 người, những đêm mưa to phải chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ. Phía dưới nhà tôi là gia đình các ông Bàn Phúc Kim, Bàn Tiến Nguyện, Bàn Phúc Thịnh đều rất nguy hiểm nếu cả mảng đồi sạt xuống.
Trưởng thôn Bàn Văn Chầu cho biết: Do địa hình của thôn nhiều núi cao, khe suối, nhưng địa chất yếu, đất pha cát nên rất dễ sạt lở. Năm 2009, trên địa bàn thôn xảy ra 1 vụ sạt lở đất khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Sau đó có 10 hộ được di chuyển khỏi khu vực sạt lở đến nơi ở mới, nhưng vị trí đó cũng không an toàn nên một số hộ lại quay về xóm cũ như Triệu Văn Khánh, Triệu Tá Yên, Triệu Tá Vượng.
Từ năm 2021 đến nay, thôn Ít Nộc có 3 hộ được chính quyền xã đưa vào danh sách hỗ trợ di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở là Triệu Thị Diện, Đặng Văn Lai, Triệu Phúc Quý, nhưng vẫn còn một số hộ có nguyện vọng di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.
Dân Làng Giàng giữ đất Dương Quỳ
Lần đầu đến thôn Ít Nộc, chúng tôi không chỉ ái ngại khi chứng kiến những hộ hằng ngày phải sống trong nỗi lo sạt lở đất nguy hiểm tới tính mạng, mà còn hiểu thêm nhiều khó khăn của đồng bào Dao đỏ nơi “ốc đảo” trên đỉnh núi này. Đặc biệt, ở Ít Nộc vẫn có chuyện lạ là người dân có hộ khẩu thuộc xã Làng Giàng nhưng đất lại do xã Dương Quỳ quản lý.
Trưởng thôn Bàn Văn Chầu thông tin thêm: Thôn Ít Nộc có 122 hộ với hơn 620 nhân khẩu, chia làm 2 khu dân cư chính, trong đó khu ngoài có 30 hộ, khu trong có hơn 90 hộ. Dù là khu ngoài hay khu trong thì hầu như toàn bộ diện tích đất của thôn là do UBND xã Dương Quỳ quản lý. Chính vì dân của xã này, đất của xã khác nên gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục liên quan đến xây dựng nhà ở và các công trình. Bà con đều bày tỏ rất ngại khi phải đi xa xuống xã Dương Quỳ làm các thủ tục liên quan đến đất đai, nhà ở.
Dạo quanh xóm ngoài của thôn Ít Nộc, tôi nghe Trưởng thôn Bàn Văn Chầu chia sẻ thêm những khó khăn của thôn. Ở xóm ngoài, bà con sống rải rác, chủ yếu là nhà gỗ, nhiều nhà sống 3 thế hệ nhưng diện tích hẹp. Nguyên nhân là do cuộc sống chưa ổn định nên bà con không muốn xây nhà trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Hiện nay, 2 hộ trong thôn đã di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Thêm khó khăn nữa là thôn chưa có internet, dù bà con có điện thoại thông minh nhưng muốn tiếp cận các thông tin mới, những mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả đều hạn chế.
Mơ ước sớm ổn định cuộc sống
Trong câu chuyện với Trưởng thôn Bàn Văn Chầu, tôi không khỏi băn khoăn về chuyện ở nơi bộn bề khó khăn như vậy, bà con thôn Ít Nộc làm gì để phát triển kinh tế?
Nhìn ra những cánh rừng bát ngát quanh thôn, Trưởng thôn Bàn Văn Chầu tâm tư: Trước đây, người Dao đỏ ở Ít Nộc sống nhờ vào cây thảo quả, rồi cây sa nhân, cây sắn, nhưng giờ đây những loại cây này hiệu quả kinh tế thấp, lại ảnh hưởng tới diện tích rừng. Mấy năm gần đây, bà con tập trung phát triển cây quế với hy vọng thoát nghèo. Hiện nay, cả thôn có gần 26,5 ha quế, trong đó một số hộ đã tỉa cành bán. Mùa xuân này, nhiều hộ đang tích cực mua quế giống về trồng. Bà con trong thôn mong được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở tập trung an toàn hơn và có mạng internet.
Chia tay người dân thôn Ít Nộc trở về trung tâm xã Làng Giàng, tôi có cuộc trò chuyện với anh Phạm Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Làng Giàng. Anh Phạm Quang Vinh cho biết: Ít Nộc là thôn vùng 3 khó khăn nhất của xã Làng Giàng. Từ lâu, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã biết và hiểu những khó khăn, vướng mắc của đồng bào Dao đỏ của thôn, đồng thời tìm nhiều giải pháp tháo gỡ cho bà con. Đối với những hộ có nguyện vọng di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, xã sẽ tiếp tục rà soát tình hình thực tế để lập danh sách và đề xuất với huyện, đồng thời đề nghị ngành chức năng của huyện sớm chi trả chế độ hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, xã tiếp tục đề nghị cấp trên điều chỉnh địa giới hành chính thôn Ít Nộc thuộc xã Làng Giàng để thuận lợi trong quản lý và đỡ thiệt thòi cho người dân.
Hiện nay, thôn Ít Nộc vẫn còn 26 hộ nghèo. Thời gian tới, để giúp người dân có cuộc sống ấm no, cấp ủy đảng, chính quyền xã Làng Giàng đẩy mạnh tuyên truyền bà con cấy lúa 2 vụ và thêm vụ đông, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó, 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng và mở rộng diện tích cây quế. Ngoài ra, thôn Ít Nộc có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và khí hậu mát mẻ, đồng bào Dao đỏ giàu bản sắc văn hóa, nên xã định hướng sẽ khai thác tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2023, tín hiệu vui là tuyến đường vào khu sản xuất và xóm trong của thôn sẽ được cải tạo, nâng cấp, cùng với nhà văn hóa thôn được xây mới.
Nghe anh Phạm Quang Vinh nói về những giải pháp của xã, tôi tin tưởng những khó khăn của Ít Nộc sẽ dần qua đi, để cuộc sống của vùng cao này vơi bớt gian nan…
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365213-thon-nguoi-dao-canh-canh-noi-nhoc-nhan