Thông điệp chuyển đổi trong giáo dục toàn cầu
Giáo dục là 'khoản đầu tư' quan trọng đối với tương lai của mỗi người dân, cũng như bất kỳ quốc gia nào. Nhấn mạnh thông điệp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế dùng hành động thay lời nói, chung tay ứng phó thách thức đối với nền giáo dục toàn cầu.
Thông điệp nêu trên được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra tại một sự kiện về chuyển đổi giáo dục, được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) đang diễn ra tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ).
Tại sự kiện, ông Guterres cảnh báo, khoảng 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường vào năm 2030 nếu nỗ lực chuyển đổi nền giáo dục toàn cầu không được thúc đẩy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 4 về bảo đảm giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Theo Tổng Thư ký LHQ, nhiều trẻ em ở khu vực châu Phi hạ Sahara không thể đọc được một văn bản đơn giản và tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực này. Trên thế giới, tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc trung học đang tăng, nhưng với tốc độ quá chậm. Trong khi đó, việc học tập khi còn nhỏ, cũng như lúc trưởng thành thường chỉ là một trong số nhiều lựa chọn. Hệ quả là người dân không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bước ra thế giới đang đổi thay nhanh chóng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chính là rào cản về tài chính. Theo LHQ, cứ 10 người trên thế giới thì có 4 người sống ở các quốc gia nơi khoản ngân sách để trả nợ còn cao hơn chi tiêu cho giáo dục hoặc y tế. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ước tính, để đạt được SDG số 4, các quốc gia đang phát triển sẽ cần đầu tư khoảng 100 tỷ USD hàng năm.
Con số không nhỏ này có thể còn phải tăng khoảng 50% nếu tính đến chi phí chuyển đổi số trong giáo dục. Theo ông Guterres, hơn 140 quốc gia đã cam kết giải quyết vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục được tổ chức năm 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện các cam kết lại quá chậm và không đồng đều.
Những trở ngại với nền giáo dục ở nhiều quốc gia còn là xung đột, nghèo đói và bất bình đẳng giới. Nhắc lại những điều tận mắt chứng kiến trong chuyến thăm gần đây đến Nam Sudan, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 78 Dennis Francis nêu rõ những hệ lụy của tình trạng nghèo đói trầm trọng, trong đó ít nhất 70% số trẻ em ở nước này không được đi học.
Ông Francis cũng bày tỏ quan ngại về việc trẻ em gái ở Afghanistan bị cấm hay hạn chế đến trường. Việc người dân không thể tiếp cận giáo dục ở Ukraine và Dải Gaza do các cuộc xung đột tàn khốc cũng được xem là các cuộc khủng hoảng khó có thể giải quyết một sớm một chiều.
Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed khẳng định, nền giáo dục phản ánh sự phát triển của một quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm hòa bình và nhân quyền. Bởi vậy, ứng phó các cuộc khủng hoảng giáo dục toàn cầu và tạo động lực hướng tới đạt được SDG số 4 là nhiệm vụ cấp bách đặt ra.
Để thực hiện được điều này, bà Mohammed cho rằng, cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp. Theo đó, LHQ đang thúc đẩy các kế hoạch nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính giữa giáo dục và các lĩnh vực khác, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, hỗ trợ giáo viên, nhất là những người làm việc ở khu vực khó khăn, cũng như cải cách hệ thống giáo dục. Ông Francis cũng cho rằng, các quốc gia cần bảo đảm nền giáo dục chất lượng, thúc đẩy cơ hội để mọi người dân đều có quyền học tập và phát triển, trong thế giới biến đổi không ngừng.
Người đứng đầu LHQ nhận định, trong bối cảnh đầy thách thức, những nỗ lực toàn cầu hiện không đủ để chuyển đổi giáo dục trong ngắn hạn. Ông Guterres nhấn mạnh thúc đẩy chuyển đổi trong giáo dục toàn cầu cần sự thay đổi mạnh mẽ và cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh hợp tác, với mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và công bằng hơn.