Thông điệp của Nga khi triển khai tàu chiến mang tên lửa siêu vượt âm Zircon
Nga đã có những thông điệp riêng khi triển khai tàu chiến mang tên lửa Zicron trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Nga đã triển khai một trong những tàu chiến hiện đại nhất của mình, được trang bị tên lửa siêu vượt âm tiên tiến thực hiện một hành trình dài qua Đại Tây Dương đến Biển Địa Trung Hải và vào Ấn Độ Dương.
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov khởi hành từ một cảng ở phía Bắc nước Nga hôm 4/1 với sự chứng kiến trực tuyến của Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Ông Putin cho biết tàu khu trục trên mang theo tên lửa Zircon, loại vũ khí tầm xa bay với tốc độ siêu vượt âm và khó bị phát hiện cũng như đánh chặn.
“Hiện chưa có nước nào có vũ khí tương tự. Tôi tin chắc rằng, trang bị loại vũ khí mạnh mẽ như vậy sẽ giúp chúng ta bảo vệ vững chắc nước Nga khỏi các mối đe dọa tiềm tàng từ nước ngoài, điều này sẽ giúp bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta", ông Putin nói.
Nga đã thử nghiệm tên lửa Zircon vào cuối năm 2021, khai hỏa từ tàu Đô đốc Gorshkov ở Bạch Hải và đánh trúng mục tiêu hải quân cách đó hơn 400 km.
Nhiệm vụ hiện tại sẽ là lần triển khai đầu tiên của Zircon trong một tình huống chiến đấu tiềm tàng. "Mục đích chính của chuyến hải trình này là để đối phó với các mối đe dọa mà Nga phải đối mặt và duy trì hòa bình và cùng với các nước thân thiện", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu thông báo.
Kênh CNN của Mỹ cho rằng nếu Zircon hoạt động như quảng cáo của Nga, nó là một vũ khí đáng sợ. Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa có trụ sở tại Mỹ nhận định Zircon là “tên lửa hành trình chống hạm cơ động” với tầm bắn từ 500 đến 1.000 km. Tốc độ của nó ở mức Mach 8, hay gần 9.900 km/giờ. Siêu vượt âm được định nghĩa là có tốc độ trên Mach 5.
“Nếu thông tin đó là chính xác, tên lửa Zircon sẽ là loại tên lửa nhanh nhất thế giới, khiến gần như không thể chống lại”, Liên minh trên lưu ý.
Họ cũng chỉ ra đám mây plasma của tên lửa là một tính năng đặc biệt khác: “Trong suốt giai đoạn bay, tên lửa được bao phủ bởi một đám mây plasma hấp thụ mọi tần số vô tuyến và khiến tên lửa vô hình trước radar theo dõi và phát hiện. Điều này cho phép tên lửa tàng hình khi tấn công mục tiêu". Thêm vào đó là khả năng thay đổi quỹ đạo bay của Zircon giúp tên lửa trở thành một vũ khí cực kỳ đáng gờm.
Theo CNN, cuộc xung đột với Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 và liệu tên lửa Zircon có thể tham chiến hay không là điều không chắc chắn. Nhưng việc sử dụng tên lửa Zircon trên tàu Đô đốc Gorshkov để tấn công các mục tiêu ở Ukraine có thể sẽ gặp thách thức về mặt hậu cần.
Xét về quan điểm của Nga, tầm bắn tối ưu cho loại vũ khí này sẽ là từ Biển Đen, đến phía Nam Ukraine. Nhưng để đến đó, tàu chiến Nga sẽ phải đi qua eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, và ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Ukraine, Ankara đã tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép các tàu hải quân nước ngoài tiếp cận.
Mặc dù về mặt lý thuyết, tàu Đô đốc Gorshkov có thể khai hỏa vào Ukraine từ phía Bắc Địa Trung Hải, nhưng đường bay của tên lửa tới Ukraine sẽ đi qua các nước NATO, điều được coi là sự leo thang nghiêm trọng.
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết tàu Gorshkov cũng được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK, loại vũ khí có tầm bắn lên tới 2.500 km. Nhưng những vũ khí đó, ngay cả với tầm bắn xa hơn, sẽ gặp phải những vấn đề tương tự khi bay đến Ukraine như Zircon.
Tuy nhiên, việc triển khai Đô đốc Gorshkov đã mang lại cho Moskva một số tín hiệu tích cực liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Nhà nghiên cứu quốc tế Carl Schuster, từng là sĩ quan tham mưu trong quân đội Mỹ, cho biết việc triển khai trên của Nga là một thông điệp chính trị cũng như quân sự của ông Putin.
Ông Schuster nói: “Ông Putin muốn chứng tỏ Nga vẫn là một bên tham gia toàn cầu bất chấp phản ứng của phương Tây về chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Putin có thể muốn cho công chúng trong nước thấy rằng phản ứng đó không hiệu quả như được thông báo trên truyền thông phương Tây và Nga vẫn có bạn bè ở những khu vực quan trọng”.
Chuyên gia phân tích Schuster nhận định thêm: "Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Putin muốn gửi tín hiệu rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của hải quân Nga và nước này vẫn là một cường quốc hàng hải toàn cầu”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển tiềm năng chiến đấu của Lực lượng vũ trang, chế tạo các mẫu vũ khí và thiết bị tiên tiến nhằm bảo vệ an ninh của Nga trong những thập kỷ tới”, ông Putin được TASS trích dẫn tuyên bố.