Thông điệp của Ngoại trưởng Trung Quốc giữa lúc châu Âu bồn chồn vì ông Trump
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị vừa gửi một thông điệp đến châu Âu trong chuyến công du cuối tuần qua: Dù thế giới có thay đổi ra sao, Trung Quốc vẫn sẽ 'nhất quán và ổn định'.
Thông điệp được đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich ngày 17/2, trong bối cảnh các lãnh đạo châu Âu đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với đầy lo lắng.
Nỗi lo đó càng tăng lên sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng ông sẽ không bảo vệ đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nào không chi trả đủ cho quốc phòng, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn dai dẳng.
Ông Trump đưa ra phát biểu này vào thời điểm không thể tốt hơn với ông Vương Nghị. Nhà ngoại giao Trung Quốc có chuyến thăm châu Âu để hàn gắn những mối quan hệ đang rạn nứt. Nỗ lực này trở nên cấp bách khi nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và căng thẳng với Mỹ tiếp diễn.
“Dù thế giới thay đổi như thế nào, là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ giữ các nguyên tắc và chính sách lớn ổn định, đóng vai trò nhân tố ổn định trong một thế giới nhiều biến động”, ông Vương Nghị nói tại Munich, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và châu Âu “tránh xa những phiền nhiễu về địa - chính trị và ý thức hệ” để làm việc cùng nhau.
Tuy nhiên, dù thông điệp của ông Vương Nghị có thể được tiếp nhận ở một số nước châu Âu muốn ổn định quan hệ với Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh gặp một vấn đề lớn khi nỗ lực cải thiện quan hệ với châu lục này. Đó là Nga.
“Thông điệp của ông Vương là những khác biệt địa - chính trị không nên cản trở hợp tác gần gũi. Nhưng điều không được nói đến là Trung Quốc chưa sẵn sàng thay đổi quan điểm và chính sách khiến châu Âu lo ngại nhất. Đó là quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh với Mátxcơva và cách làm thương mại của họ”, Noah Barkin, nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall Mỹ, nói với CNN.
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng giúp kinh tế Nga trụ vững trước hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong cuộc gặp ông Vương Nghị tuần trước, quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu Josep Borrell nhắc lại “kỳ vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế hỗ trợ Nga”.
Trong một cuộc thảo luận của hội nghị ở Munich, khi được chủ tịch hội nghị Christoph Heusgen hỏi rằng Trung Quốc có nên làm nhiều hơn để kiềm chế Nga hay không, ông Vương phản bác lại những gì ông cho là nỗ lực “đổ lỗi cho Trung Quốc hoặc chuyển trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sang Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, Bắc Kinh đã làm việc “không ngừng nghỉ” để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Ông nhắc lại điều này trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ngày 17/2, nhấn mạnh rằng Trung Quốc không “bán vũ khí sát thương cho các khu vực xung đột hoặc các bên xung đột” và sẽ “không từ bỏ nỗ lực” để thiết lập lại hòa bình.
Tuy nhiên, nỗ lực đó không đáp ứng được hy vọng của châu Âu, rằng Trung Quốc cần sử dụng đòn bẩy kinh tế đáng kể và trao đổi cấp cao để chấm dứt cuộc xung đột theo cách tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Với những điều đó, giới quan sát cho rằng nỗ lực của ông Vương nhằm giải tỏa mối lo của châu Âu tạo nên rất ít tác động.
“Chừng nào cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục, châu Âu sẽ phối hợp với Mỹ nhiều hơn trong chính sách với Trung Quốc. Có thể châu Âu sẽ tham gia cùng Mỹ để tăng cường hạn chế xuất khẩu những công nghệ quan trọng cho Trung Quốc", Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Viện Chatham House ở London, nhận định.
Ông Vương Nghị cũng nói về điều này tại Munich, cảnh báo rằng “những người cố chặn Trung Quốc với danh nghĩa ‘giảm rủi ro’ sẽ phạm phải sai lầm lịch sử”.