Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Diễn đàn Vì hòa bình Pa-ri lần thứ ba
Diễn đàn Vì hòa bình Pa-ri lần thứ ba (PPF3), với chủ đề 'Ðối mặt Covid-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn', diễn ra tại Pháp từ ngày 11 đến 13-11, nhằm thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
Diễn đàn Vì hòa bình Pa-ri lần thứ ba (PPF3), với chủ đề "Ðối mặt Covid-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn", diễn ra tại Pháp từ ngày 11 đến 13-11, nhằm thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Phiên cấp cao chính thức theo hình thức trực tuyến đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 50 người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc… Với những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19, cũng như vai trò kép là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Chủ tịch Diễn đàn Vì hòa bình P.La-mi mời gửi Thông điệp qua vi-đê-ô tới diễn đàn. Sau đây là toàn văn nội dung Thông điệp.
Thưa quý vị,
Tôi hoan nghênh chủ đề thiết thực của Diễn đàn Vì hòa bình Pa-ri lần thứ ba "Ðối mặt Covid-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn".
Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và sự hợp tác tích cực với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Chúng tôi hiểu rõ rằng, trong cuộc chiến này, chúng ta "không thể đi xa nếu đi một mình", và tôi cho rằng:
1. Ðại dịch đã tạo ra khủng hoảng toàn cầu về y tế, kinh tế, xã hội, là thách thức chung mà nhân loại cần chung tay giải quyết thông qua đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương cũng như phối hợp hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
2. Chúng ta cần lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 với chi phí hợp lý.
3. Các quốc gia cần duy trì cam kết và nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và cam kết về chống biến đổi khí hậu, nhất là cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các nước đang phát triển để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, cũng như trong tiếp cận bình đẳng thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thưa quý vị,
Tôi tin rằng với quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Xin trân trọng cảm ơn.