Thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam - Một điểm đến hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 đã có một lịch trình làm việc dày đặc với nhiều nhà lãnh đạo quốc gia, tập đoàn hàng đầu thế giới nhằm truyền tải thông điệp mạnh mẽ về việc kiên trì chính sách để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phát biểu tại WEF Davos 2024 khẳng định kiên trì chính sách để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phát biểu tại WEF Davos 2024 khẳng định kiên trì chính sách để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu

Việt Nam ngày càng hấp dẫn

Thông điệp ấy đã thể hiện rõ ràng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì những cuộc tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi… với lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn lớn toàn cầu trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 tại tại Thụy Sĩ. Đó là các cuộc tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”, “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam” với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này…

Tại các cuộc tiếp xúc, trao đổi trên, đại diện các tổ chức kinh tế và tập đoàn hàng đầu trên thế giới đều bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, cam kết và hành động nhất quán của Việt Nam nhằm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ một nước chậm phát triển trở thành nước đang phát triển; quy mô nền kinh tế tăng từ khoảng 4 tỷ USD lên khoảng 430 tỷ USD năm 2023; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (thu nhập bình quân đầu người tăng từ khoảng 100 USD lên khoảng 4.300 USD năm 2023). Dân số Việt Nam cũng tăng lên từ khoảng 50 triệu người những năm 1980 lên 100 triệu người như hiện nay.

Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong đó, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 468 tỷ USD, giải ngân khoảng 300 tỷ USD. Năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân.

Cập nhật nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng phát triển năm 2024 tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam đánh giá, GDP Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5,05%, đây là con số ấn tượng so với mức tăng trưởng chung của khu vực và thế giới. Việt Nam cũng kiểm soát được lạm phát, triển khai các biện pháp tài khóa phù hợp, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, thu hút FDI đạt mức cao.

Ông Don Lam khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tạo môi trường an toàn, bền vững, bảo đảm đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới và chắc chắn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó được các nhà đầu tư và đại diện YPO chia sẻ khi đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Giám đốc điều hành Baracoda Group (Pháp) Thomas Serva cho biết, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất, với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao... Doanh nghiệp này mong muốn tham gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Một trong những thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ nước ta cũng như Đoàn đại biểu Việt Nam luôn khẳng định tại WEF Davos 2024 là Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.

Cùng với đó, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì “văn hóa còn thì dân tộc còn”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thì thông suốt, quản lý thông minh”. Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là “xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư” và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Trong cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”, Thủ tướng cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi, kiến tạo, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thứ hai, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ tư, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam. Chính phủ sẽ phát huy vai trò kiến tạo, luôn đồng hành, chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng phát triển; cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thong-diep-manh-me-ve-viet-nam-mot-diem-den-hang-dau-post564805.antd