Thông điệp mạnh từ các vụ bắt giữ những kẻ bạo hành trẻ em

Bạo lực đối với trẻ em dù xảy ra trong gia đình hay ngoài xã hội không còn là 'chuyện nhà người ta'; mọi hành vi bạo lực trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ.

Gần đây công chúng bất bình trước những vụ trẻ em bị đối xử nhẫn tâm diễn ra chốn công cộng như người cha buộc xích, kéo lê con trai trên đường ở Hà Nội; chủ tiệm Intenet hành hung hai đứa trẻ em trong đêm tại bãi giữ xe của tiệm phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM. Công an đã nhanh chóng vào cuộc, áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự cần thiết đối với những người có hành vi bạo lực đối với trẻ em này.
Đây không chỉ là những lời nhắc nhở về vấn nạn bạo hành trẻ em vẫn đang diễn ra nhiều nơi, mà còn là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em và giữ gìn trật tự xã hội.

Sự im lặng sẽ tiếp tay cho bạo hành

Chị Lê Thị Ngọc Mai (phường An Đông, TP.HCM) bức xúc bởi cách người cha đối xử bạo lực với con rồi biện minh đó là cách ‘dạy dỗ’. Dù lý do gì thì xích con lại rồi kéo lê trên đường là hành vi vô nhân tính, không thể được bao che dưới vỏ bọc tình thân”.

"Nhiều người vẫn mang tư duy “con tôi, tôi dạy”, cho rằng người ngoài không nên can thiệp. Tuy nhiên, thời đại bây giờ, bạo lực đối với trẻ em không còn là ‘việc trong nhà’ nữa. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh” - chị Mai nói.

Anh Nguyễn Văn Khải (phường Long Phước, TP.HCM) cho rằng phản ứng nhanh của cơ quan chức năng trong hai vụ việc rất đáng ghi nhận, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao người cha có thể hành hạ con ngay giữa đường mà không ai ngăn cản từ sớm? Còn việc hành hung hai đứa trẻ tại tiệm game có nhiều người chứng kiến, sao không thấy ai can ngăn? Điều này cho thấy xã hội vẫn còn khoảng trống trong hệ thống giám sát, phát hiện, tố giác bạo lực trẻ em".

“Ngoài ra, xử nghiêm người có hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết, nhưng tôi nghĩ điều cốt lõi là phải thay đổi tư duy của người lớn. Nếu người lớn thiếu kỹ năng làm cha mẹ, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, thì chính họ cũng cần được hỗ trợ và giáo dục lại” - anh Khải nói.

 Tình trạng bạo lực trẻ em vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi

Tình trạng bạo lực trẻ em vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người

ThS-LS Đặng Thị Thúy Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá rằng những vụ bạo lực trẻ em xảy ra gần đây phản ánh một thực trạng đau lòng: trẻ em đang trở thành nạn nhân ngay trong chính gia đình, tại cơ sở nuôi dạy trẻ hoặc từ những người thân cận nhất - những nơi lẽ ra phải là chỗ dựa an toàn cho các em.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Huyền phân tích: Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm và sự an toàn của trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em 2016.

 Công an bắt khẩn cấp hai người hành hung hai đứa trẻ tại tiệm game trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM.

Công an bắt khẩn cấp hai người hành hung hai đứa trẻ tại tiệm game trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM.

Luật sư Huyền nhìn nhận rằng việc các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử nghiêm các đối tượng liên quan trong những vụ bạo lực trẻ em gần đây cho thấy quyết tâm rõ ràng trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ trẻ em.

Về cơ bản, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có các quy định đủ để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, như: Luật Trẻ em 2016 là văn bản pháp lý trung tâm bảo vệ quyền trẻ em; Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 (sửa đổi 2022) về việc mở rộng khái niệm và chế tài xử lý các hành vi bạo lực trong gia đình, nơi trẻ em là nạn nhân phổ biến; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân & Gia đình; Luật Giáo dục; Luật An ninh mạng...

Tuy nhiên, hành vi bạo lực trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để bởi các nguyên nhân như:

Một số vụ việc không được phát hiện hoặc xử lý kịp thời vì thiếu giám sát từ nhà trường, chính quyền địa phương… Không ít trường hợp bạo lực gia đình bị coi là chuyện riêng, dẫn đến việc can thiệp chậm trễ hoặc không đầy đủ.

Nhiều người dân ngại tố giác do sợ bị trả thù hoặc gặp rắc rối. Trẻ em cũng thiếu kỹ năng tự bảo vệ, không nhận biết được hành vi bạo lực hoặc không biết cách tìm kiếm sự trợ giúp.

Ở cấp cơ sở, nhân lực chuyên trách bảo vệ trẻ em còn thiếu, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Quá trình điều tra đôi khi kéo dài do khó thu thập bằng chứng, khiến việc xử lý thiếu kịp thời.

Đừng để bạo lực sinh ra bạo lực

Hành vi bạo lực đối với trẻ em là hệ quả của sự bất bình đẳng quyền lực giữa người lớn và trẻ em khi trẻ không được nhìn nhận như một chủ thể có quyền mà chỉ là người cần được quản lý, dạy bảo.

Có nhiều nguyên nhân khiến bạo lực trẻ em vẫn tồn tại, như: cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy con, nhất là giai đoạn phát triển tâm lý phức tạp của trẻ; có những phụ huynh từng bị bạo hành khi còn nhỏ và không được chữa lành, từ đó lặp lại hành vi với con của mình...

Ngoài ra còn có những người có sự hiểu sai, hiểu lệch chuẩn rằng “thương cho roi cho vọt"; từ đó khiến cho họ nghĩ chỉ có bạo lực là cách duy nhất để “rèn người”. Cạnh đó, thiếu sự can thiệp, xử lý kịp thời từ cộng đồng và pháp luật dẫn đến tạo ra tâm lý "đánh trẻ là bình thường để dạy dỗ chúng".

Hậu quả là trẻ bị bạo hành có thể bạo lực lại bạn bè; hoặc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Các em khó xây dựng mối quan hệ lành mạnh, có xu hướng tự ti, cam chịu, thu mình. Các em mất niềm tin vào người lớn, phản ứng bằng cách chống đối. Trẻ dễ lo âu, căng thẳng, mất tập trung.

Những trẻ có vấn đề tâm lý như nêu trên nếu không được can thiệp đúng lúc, sẽ có nguy cơ cao trở thành người gây bạo lực khi trưởng thành. Từ đó, sinh ra một vòng luẩn quẩn bạo lực trong xã hội.

ThS Đinh Văn Mãi, Trường ĐH Văn Lang

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-diep-manh-me-tu-cac-vu-bat-giu-bao-luc-tre-em-se-bi-xu-nghiem-post859317.html